Gần đây giới cao thủ võ lâm xôn xao chuyện võ sư Thái Cực quyền nổi tiếng Ngụy Lôi bị võ sĩ MMA hạ đo ván chỉ trong 10s, dấy lên những mối nghi ngờ về võ thuật truyền thống. Rất nhiều chuyên gia võ thuật đưa ra góc nhìn của mình trước sự kiện đánh động đến niềm tự hào của người Trung Quốc. Tuy nhiên, tinh hoa võ thuật thực thụ đang ở đâu?
Võ thuật = Chấm dứt chiến tranh và chiến đấu vì hòa bình
Võ thuật Trung Hoa hay còn gọi là Kung fu khởi nguồn từ nền văn hóa cổ xưa của Trung Quốc, có nội hàm vô cùng phong phú. Nó bắt nguồn từ Đạo Gia do đó cũng có liên quan đến tu luyện.
Chữ võ (武) trong võ thuật, phía bên phải giống chữ qua “戈,” nghĩa là “thương”, một loại vũ khí, trong khi phía bên trái là bộ chỉ “止” nghĩa là đình chỉ, dừng lại. Vì vậy, ý nghĩa thực sự của “võ” là chấm dứt chiến tranh và chiến đấu vì hòa bình.
Võ thuật chỉ về hành và đức chỉ về thiện. Nói cách khác, võ đạo nói về việc làm điều tốt và tránh điều xấu. Bên cạnh việc nâng cao đạo đức cũng như kỹ thuật và thủ pháp, nó còn có tác dụng tăng cường sức khỏe và dưỡng sinh, có chức năng phòng vệ và ngăn chặn bạo lực.
Võ thuật không chỉ là môn học về kỹ thuật luyện tập chiến đấu, không chỉ là một môn nghệ thuật mà còn là môn khoa học. Bởi vì hình thức của nó được xây dựng từ các lý thuyết căn bản của khoa học tự nhiên như vật lý học, sinh học đồng thời nội dung của nó chứa đựng lý thuyết của khoa học xã hội như triết học, nhân văn…Tính triết lý và nhân văn đó chính là nét để phân biệt võ thuật với các môn thể thao khác. Bởi lẽ người ta chỉ gọi là Nhu đạo (Judo), Không thủ đạo (Karate), Hiệp khí đạo (Aikido), Thái cực đạo (Teakowndo) chứ không ai gọi là bóng đá đạo, cầu lông đạo hay quần vợt đạo bao giờ cả.
Võ được hình thành từ sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức, tất cả mọi chuyển động cơ học của các kỹ thuật tay chân đều ngầm chứa nội dung mang tính đạo lý và nhân bản sâu sắc. Sâu xa trong võ có hai phần: thuật và đạo. Thuật chỉ đủ để giúp người ta biết võ. Còn đạo mới đưa người ta đến tận cùng của cái biết võ mà hành võ. Đạo là đẳng cấp cao nhất mà người tập võ chân chính cần đạt được.
Cao thủ chân chính
Thời xưa, các sư phụ chính phái đều dạy đồ đệ của mình rằng để trở thành võ sĩ chân chính điều cốt yếu là rèn luyện đạo đức và tin vào nhân quả, đây cũng chính là thể hiện của “tu luyện” trong rèn võ.
Người luyện võ phải kiên trì có đạo đức. Chỉ khi một người kiên trì thì anh ta mới có thể tiến bộ. Nếu một người đạt được sự tiến bộ cao thâm trong võ thuật, anh ta sẽ thành công trong mọi việc mà anh ta làm.
“Nếu một người tin rằng Thiện hữu thiện báo và ác hữu ác báo và người đó có thể ngăn chặn những việc làm xấu và khuyến khích những việc làm tốt, anh ta chắc chắn sẽ giỏi võ thuật và có một sự am hiểu tốt về võ thuật. Anh ta chắc chắn sẽ siêng năng tập luyện và chịu khổ tốt. Võ thuật truyền thống cũng bao gồm tính nghệ thuật và các nguyên lý dưỡng sinh. Một người với đạo đức cao thượng chắc chắn sẽ hiểu được những nội hàm này. Đạo đức là nền tảng của võ thuật. Một người với đạo đức võ thuật cao thượng sẽ tinh thông võ thuật”, ông Lý Hữu Phủ, bậc thầy dành cả hơn nửa thế kỷ đời người luyện võ, nói.
Ông Lý Phái Vân, một võ sư chuyên nghiệp, chia sẻ rằng cảnh giới cao nhất trong võ thuật là khi ông cảm nhận được tâm và thân của mình hợp nhất. Ông cho rằng một người không có tâm thanh tịnh hoặc trong tâm có oán hận có thể đạt được ngoại lực cương mãnh, nhưng tâm thần bất định. Ông nói ông có thể có khả năng nhìn thấu nội tâm từ ngoại diện của người đó.
Con mọt mang tên “Cách mạng văn hóa”
Như đã nói ở trên “võ thuật” có nghĩa là chấm dứt chiến tranh và chiến đấu vì hòa bình. Tuy nhiên, tôn chỉ này lại đi ngược lại với lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “đấu tranh” và “bạo lực”.
Cũng vì vậy mà vào thời giữa “Đại nhảy vọt” năm 1958 và mười năm Cách mạng văn hóa, võ thuật Trung Hoa truyền thống bị gán nhãn là một phần của “Tứ Cựu” hay “Bốn điều cổ hủ” bao gồm: Phong tục cổ hủ, Văn hóa cổ hủ, Tập quán cổ hủ và Tư tưởng cổ hủ.
Vì vậy, các võ sư đã phải chịu đựng “các phiên đấu tố”, một hình thức sỉ nhục công khai và thậm chí hành hình.
“Người ta tôn sùng các xu hướng mới mẻ. Võ thuật truyền thống trở nên bị mai một. Không có nhiều người ở Trung Quốc hiểu về võ thuật Trung Hoa nữa. Cũng giống như đạo đức, sẽ phải mất một thời gian rất lâu dài để khôi phục lại võ thuật Trung Hoa truyền thống”.
Sau khi võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông hạ đài Ngụy Lôi, Chưởng môn phái Lôi Công Thái cực, anh tuyên bố rằng võ thuật truyền thống đã lỗi thời hiện chỉ có tác dụng rèn luyện giữ dáng và không có khả năng thực chiến.
Phát ngôn của Từ khiến làng võ Trung Quốc rúng động, rất nhiều người lên tiếng phản đối kịch liệt, họ cho rằng anh đã quá ngạo mạn khi xem thường võ thuật truyền thống. Từ bề mặt, lời nói của Từ Hiểu Đông nhanh chóng khiến người ta xem rằng anh quá ngông cuồng. Tuy nhiên, cần xét kỹ hơn, võ thuật truyền thống giờ không còn là một thể thống nhất, mà cần phân thành võ thuật truyền thống trước và sau Đại cách mạng văn hóa.
Thật sự, từ sau Đại Cách mạng văn hóa võ thuật truyền thống tại Trung Quốc không còn được chú trọng vào tu dưỡng đạo đức mà chú ý nhiều hơn đến hình thức. Võ thuật trở thành món đồ kinh doanh, đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu USD cho các gia phái dạy võ. Những người đăng kí theo học đa phần là các em nhỏ và thanh thiếu niên. Võ sư thật giả lẫn lộn, tìm được minh sư chân chính đối với người học võ là điều vô cùng khó khăn.
Theo đó, loại võ thuật mà Từ đề cập đến chính là sau thời đại Cách mạng Văn hóa. Các võ sư lên tiếng phản đối không sai, nhưng họ đều không biết rằng niềm tự hào mà họ bảo vệ ấy không còn tồn tại ở Trung Quốc hiện đại nữa, hoặc có nhưng rất hiếm.
“Ô Long Thương thuộc phái Thiếu Lâm”, ông Vương Bách Lợi là một huấn luyện viên Đường Lang Quyền cấp quốc gia. Ông cho rằng người Trung Quốc phải đi đến Tây bán cầu để học võ thuật Trung Hoa chân chính. “Tương lai của võ thuật truyền thống nằm ở bên ngoài Trung Quốc. Không hề có tương lai ở Trung Quốc”, ông nói.
Triệu Vân bắt đầu tập võ năm 11 tuổi. Cô theo học giáo sư Kevin Chan và Gu Jia Qiang, từng tham gia tranh tài tại nhiều cuộc thi võ thuật và giành được hơn 40 huy chương vàng. “Nhiều môn võ nghệ truyền thống bị thất truyền tại Trung Quốc và chỉ có thể tìm thấy ở bên ngoài Trung Quốc. Là một người Trung Quốc, tôi có trách nhiệm kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống Trung Quốc”, Triệu Vân nói.
Võ thuật và vũ đạo Trung Hoa: Huynh đệ thất lạc từ lâu?
Thoạt nhìn thì vũ đạo Trung Hoa cổ điển và võ thuật có những điểm tương đồng. Chúng có những thế đứng và tư thế giống nhau, và kỹ thuật đều đòi hỏi sự mềm dẻo, động tác nhịp nhàng và tính nhanh gọn. Bạn cũng có thể thấy những vũ khí thời cổ như gậy, thương, kiếm và những vũ khí tương tự được sử dụng cả trong võ thuật và vũ đạo Trung Hoa. Tại sao? Bởi vì hai hình thức nghệ thuật này đều bắt nguồn từ cùng một nền văn hóa cổ xưa.
Chữ “vũ” trong hai từ “vũ thuật” và “vũ đạo” là hai từ đồng âm. Kỳ thực, dùng ‘văn’ trong chữ “vũ” của từ “vũ thuật” thì chính là “vũ đạo” mà dùng ‘võ’ của chữ “vũ” trong từ “vũ đạo” thì chính là “võ công”.
Hàng nghìn năm trước, khi võ thuật lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc, thì kỹ thuật xoạc và các kỹ thuật khác của nó đã có ảnh hưởng rất lớn lên những loại hình nghệ thuật khác bao gồm ca kịch và vũ đạo Trung Hoa. Các loại hình nghệ thuật này lấy những động tác vốn dùng trong đấu võ mà biến thành một loại hình giải trí cho các dịp lễ – từ lễ hội của dân thường cho đến yến tiệc trong hoàng cung. Theo thời gian, võ thuật và vũ đạo cổ điển Trung Hoa đã phát triển thành hai loại hình nghệ thuật trọn vẹn và riêng biệt như chúng ta biết đến ngày nay.
Tinh hoa truyền thống
Trải qua 5.000 năm văn hóa thần truyền đã phát triển phồn thịnh trên mảnh đất Trung Hoa. Thông qua âm nhạc và vũ đạo ngoạn mục, Shen Yun đang làm sống lại nền văn hóa huy hoàng này. Hiện nay, khán giả không thể xem Shen Yun tại Trung Quốc, nơi mà văn hóa truyền thống đã gần như bị đánh mất. Nhưng Shen Yun – một tổ chức phi lợi nhuận – đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, mang những điều kỳ diệu của văn hóa truyền thống Trung Hoa đến với hàng triệu người xem trên toàn thế giới.
Song song đó, hàng năm, đài truyền hình Tân Đường Nhân có trụ sở tại New York đều tổ chức “Cuộc thi Võ thuật cổ truyền người Hoa toàn cầu” với mục đích phục hưng và hoằng dương võ thuật Trung Hoa truyền thống.
“Chúng tôi đặt tiêu chuẩn rất cao cho huy chương vàng. Nếu không thí sinh nào đáp ứng tiêu chuẩn huy chương vàng, vậy thì không ai sẽ giành được nó. Chỉ những ai đạt tiêu chuẩn huy chương vàng sẽ nhận được nó”, trưởng ban tổ chức – bậc thầy Lý Hữu Phủ nói. Yêu cầu về đạo đức giành cho võ thuật là nhằm để ngăn chặn những việc làm xấu và khuyến khích những việc làm tốt
TinhHoa tổng hợp