Đường Thái Tông là một trong những vị minh quân nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Với ông, bậc quân vương thì trong lòng phải có dân chúng, phải hiểu được mối quan hệ như nước và thuyền của Vua và dân, như vậy mới có thể khiến một quốc gia hưng thịnh.
Đường Thái Tông Lý Thế Dân là con thứ của Đường Cao Tổ, là người thông minh tuấn tú, văn võ song toàn. Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông đã thành công trong cả hai lĩnh lực giáo dục và quân sự, biết chọn người hiền và dùng người có tài năng, giỏi dụng binh, khiến cho niên đại Trinh Quán cực thịnh một thời, đất nước được thống nhất, muôn dân đồng lòng tôn phò một Vua.
Đường Thái Tông cũng được đánh giá là vị Vua có mối quan hệ gần gũi, tốt đẹp với dân chúng. Ông cho rằng: “Vi quân chi đạo, tất tu tiên tồn bách tính, nhược tổn bách tính dĩ phụng kì thân, do cát cổ dĩ đạm phúc, phúc bão nhi thân tễ”, ý rằng: Đạo làm vua, trước tiên trong lòng cần phải có dân chúng, nếu như làm tổn hại dân chúng để được lợi cho bản thân thì cũng giống như cắt đùi mình để ăn no bụng, bụng thì no mà thân thì ngã quỵ.
Đường Thái Tông ví quan hệ giữa Vua và dân giống như thuyền và nước, ông nói: “Chu sở dĩ bỉ nhân quân, thủy sở dĩ bỉ lê thứ. Thủy năng tái chu, diệc năng phúc chu”, ý rằng Vua giống như thuyền, còn dân giống với nước. Nước có thể nâng thuyền nhưng cũng có thể làm lật thuyền.
Thời kỳ Chiến Quốc hơn 2000 năm trước, cũng đã có bậc Thánh hiền đề cập đến đạo lý này. Trong “Tuân Tử. Vương chế” có viết: “Quân giả, chu dã, thứ nhân giả, thủy dã; thủy tắc tái chu, thủy tắc phúc chu”, ý rằng Vua là thuyền, dân là nước, nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền. Mặc dù câu chữ khác nhau, nhưng ý tứ là tương đồng với cách nói của Đường Thái Tông.
Trong cả hai cách nói, đều hàm ý rằng nước có thể nâng thuyền, cũng có thể lật thuyền, và hàm nghĩa rộng hơn, chính là ví von mối quan hệ giữa Vua và dân, tức là dân chúng có thể ủng hộ vua, nhưng cũng có thể lật đổ Vua.
Tuân Tử từng nói: “Ngựa kéo xe một khi bị kinh hãi thì Vua ngồi trong xe cũng sẽ không yên; dân chúng nếu như đối với chính sự sợ hãi, thì địa vị của bậc quân chủ cũng sẽ không vững chắc. Ngựa kéo xe mà kinh hãi thì không cách gì tốt hơn là khiến nó bình tâm trở lại. Dân chúng mà sợ hãi chính sự thì không có gì tốt hơn là ban ân cho họ.
Lựa chọn người tài đức làm quan, đề bạt người trung thành mà lại nghiêm chỉnh vì dân phục vụ, đề xướng hiếu đạo, thu nhận, chăm sóc mẹ góa con côi, giúp đỡ người nghèo khổ, làm được như vậy tức thì dân chúng đối với chính sự sẽ an lòng. Như thế, địa vị của quân chủ mới được kiên cố vững chắc”.
Cho nên, Vua của một nước nếu muốn tại vị lâu dài thì nhất định trong lòng phải có dân, thực sự nghĩ được điều mà dân nghĩ, thực sự giải quyết được những vẫn đề mà dân mong muốn giải quyết. Nếu không làm được thì nguy cơ sẽ càng ngày càng tăng, thậm chí chính bản thân người cầm quyền cũng lâm vào cảnh nguy khốn. Hàng ngàn năm nay, những ví dụ như vậy không ít.
Trong lịch sử, Hoàng đế Khang Hy triều nhà Thanh đề cao đạo trị quốc “lấy dân làm gốc”, cũng có điểm tương đồng với đạo trị quốc của Đường Thái Tông.
Khi Khang Hy lên ngôi, thù trong giặc ngoài, dân chúng lầm than, sự nghiệp thống nhất đất nước chưa hoàn thành, dân chúng đối với triều đình có mâu thuẫn rất lớn. Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang hỏi ông nghĩ gì, Khang Hy đáp: “Chỉ có người nhân từ là không có kẻ thù“.
Ông nói với các đại thần: “Phương cách để dẹp loạn, chỉ có duy trì lòng khoan dung, tấm lòng rộng rãi ắt được lòng dân. Đạo lý trị vì thiên hạ, lấy khoan dung làm căn bản“.
Khang Hy lấy dân làm gốc. Trong những năm tháng trị vì đất nước, ông luôn thương yêu dân, vì dân, quan sát lòng dân, làm phúc cho dân ở khắp mọi nơi. Khang Hy chú trọng khôi phục và phát triển sản xuất, cùng dân nghỉ ngơi dưỡng sức. Nhiều lần ông hạ lệnh đình chỉ việc khoanh vùng lãnh thổ, bãi bỏ thuế ruộng hơn 545 lượt, kế ngân 1.500.000 lạng bạc.
Ông tuyên bố “Sinh thêm nhân khẩu, vĩnh viễn không tăng thêm thuế“, khiến thuế nhân khẩu cả nước giảm xuống, đỡ gánh nặng cho nông dân. Ông coi trọng quản lý sông Hoàng Hà, tự mình giám sát việc trị thủy suốt hơn 10 năm để nhân dân đỡ khổ vì nạn lũ lụt.
Khang Hy không những quan tâm chăm sóc trăm họ, mà còn yêu cầu quan lại cũng phải yêu thương dân như con. Ông mặc dù không hạn chế trong việc tuyển chọn nhân tài, nhưng tiêu chuẩn để lựa chọn thì yêu cầu hết sức nghiêm ngặt.
Ông dùng người trước sau đều giữ vững một tiêu chuẩn là: “Quốc gia dùng người, lấy đức làm gốc, tài nghệ là thứ yếu“. “Tài đức đều cao thì tốt, nếu có tài mà không có đức, thì cũng không bằng người có đức mà không có tài“. Ông còn nói: “Xét tài năng thì phải lấy đức làm căn bản, đức hơn tài thì là người quân tử, tài hơn đức là kẻ tiểu nhân“.
Trong việc thống nhất đất nước, trị quốc bình thiên hạ, hoàng đế Khang Hy cũng được người đời ca ngợi là một vị minh quân hiếm có trong lịch sử Trung Hoa, luôn một lòng vì dân, nghĩ đến dân, lo cho lợi ích của dân, không mảy may tư lợi, hưởng thụ bản thân. Ông là tấm gương sáng mà người đời thường lấy ra để học tập.
Tuệ Tâm biên dịch