Có câu rằng: “Không ai giàu ba họ không ai khó ba đời”, tiền tài phú quý đều từ phúc đức mà sinh ra, vậy nên, đạo đức và trí tuệ mới là thứ đáng quý nhất để lưu truyền cho đời sau.
Lưu Bá Ôn, còn được gọi là Lưu Cơ, người Thanh Điền – Chiết Giang, là công thần khai quốc của nhà Minh. Ông trợ giúp Chu Nguyên Chương bình định thiên hạ thành lập nhà Minh. Lưu Bá Ôn không chỉ được mệnh danh là “thần cơ diệu toán”, mà còn là một cao nhân trong đạo tán tài, cho tặng người khác.
Đạo tán tài của Lưu Bá Ôn
Bởi Lưu Bá Ôn lập được rất nhiều công lao nên thường xuyên được Chu Nguyên Chương ban cho rất nhiều bổng lộc, đất đai. Nhưng ông lại không để lại tài sản cho con cháu đời sau giống người bình thường, mà sau mỗi lần được ban thưởng ông đều dùng các phương thức khác nhau để phân phát giúp những người khó khăn.
Ở một huyện miền núi của tỉnh Chiết Giang, người dân có lưu truyền một câu chuyện Lưu Bá Ôn đã dùng phương thức thơ ca tiếng lóng để lưu lại tài sản cho người hữu duyên. Bài thơ này khắc trên vách đá ở khe núi:
Trên năm dặm, dưới năm dặm,
Nếu cần vàng ở bên trong cầu trúc.
Bên cạnh vách đá này có một cây cầu trúc, bắc qua một con suối nhỏ, cách đó khoảng 5 dặm có một ngôi chùa nhỏ đối diện, nằm ở bên chân núi, người dân ở những thôn xung quanh thường xuyên đến đây thắp hương lễ Phật. Khung cảnh xung quanh non xanh nước biếc, là một nơi vô cùng yên tĩnh.
Từ khi bài thơ của Lưu Bá Ôn được lưu truyền ra bên ngoài, đã có rất nhiều người từ đủ mọi nơi tìm đến cây cầu trúc ở gần vách đá có khắc bài thơ, mục đích là để tìm kiếm vàng. Vì thế, cây cầu trúc này hết lần này đến lần khác bị phá đi, rồi lại làm lại. Suốt bao nhiêu năm, rất nhiều người cao hứng đến, rồi mất hứng trở về.
Kỳ thực, người có thể tìm được tài sản mà Lưu Bá Ôn để lại phải là người đại đức trí tuệ, vì mọi người đều biết, Lưu Bá Ôn có thể đoán trước tương lai, ông tuyệt đối sẽ không để nó rơi vào tay những người tham lam, đương nhiên họ sẽ không tìm ra được.
Vào một năm, có một tú tài nghèo nhưng lại có nguyện ý cống hiến cho đất nước, lúc đi lên kinh thành dự thi, vô tình đi ngang qua nơi này. Bởi vì lương thực mang theo không đủ nên không dám ăn no bụng, khi đến con suối liền xuống rửa mặt và uống nước cho đỡ đói, lúc ngẩng đầu lên thì đột nhiên nhìn thấy bài thơ trên vách đá này, trong tâm vô cùng hiếu kỳ, rồi có vẻ như ngộ ra điều gì, ngắm nhìn bốn phía, đến khi nhìn thấy một ngôi chùa ở đằng ra, tú tài liền bừng tỉnh và đã tìm ra đáp áp của bài thơ.
Tú tài lập tức đi về phía ngôi chùa, sau khi đến đại điện, liền dâng hương lễ Phật, bái kiến trụ trì của ngôi chùa, nói đáp án bài thơ của Lưu Bá Ôn là ở trong ngôi chùa này, vì từ Trúc (竹) và Nến (燭) là đồng âm, Lưu Bá Ôn đã để đáp án ẩn trong chính bài thơ, tức là vàng ở trong cầu nến.
Trụ trì kiểm tra thì tìm thấy có hai giá cắm nến cổ nối tiếp với nhau, vì đã trải qua mấy trăm năm bị hun khói, nên không thể biết được hình dạng ban đầu của nó như thế nào. Sau khi được các hòa thượng chà lau gần hai canh giờ, mới hiện ra ánh vàng kim lấp lánh, nguyên nó được làm bằng vàng. Thế là bảo vật mà Lưu Bá Ôn an bài, cuối cùng đã đến được tay chủ nhân của nó.
Sau đó tú tài này thi đậu công danh, làm quan thanh liêm, chủ trì công đạo, thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn túng thiếu, những thư sinh nghèo hiếu học.
Lê Hiếu biên dịch