Đảo Phục Sinh cùng gần 900 tượng đá khổng lồ hình mặt người đang dần biến mất do tác động từ quá trình nước biển dâng lên.
Theo Business Insider, ước tính khoảng hơn 20% trong số 720 di sản thế giới của UNESCO có nguy cơ bị ngập hoặc thậm chí nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2100 do mực nước biển dâng.
Ben Marzeion, tác giả chính của báo cáo năm 2014 trên tạp chí Environmental Research Letter cho biết: “Nếu chúng ta không hạn chế biến đổi khí hậu, trong tương lai các nhà khảo cổ sẽ phải tìm kiếm những di sản văn hóa trong lòng đại dương”.
Đảo Phục Sinh là một hòn đảo nổi tiếng nằm ngoài khơi phía Đông Nam Thái Bình Dương. Với gần 900 tượng đá khổng lồ hình mặt người, hòn đảo được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Số tượng ấy không tự nhiên mà có, nên sẽ là bằng chứng cho thấy hòn đảo từng là nơi con người sinh sống rất thịnh vượng. Tuy nhiên, từ giai đoạn 1860, toàn bộ người dân trên đảo bỗng mất tích không còn dấu vết, từ đó trở thành một bí ẩn chưa có lời giải cho nhân loại .
Nhưng dường như nhân loại có nguy cơ không bao giờ khám phá ra bí ẩn này nữa. Bởi vì đảo Phục Sinh cùng tất cả những gì nó mang theo đang dần biến mất do tác động từ quá trình nước biển dâng lên. Đó là lời cảnh báo mới đây do Liên Hợp Quốc (UN) đưa ra.
Cụ thể thì trong những năm gần đây, sóng biển đã bắt đầu chạm đến chân một số bức tượng nằm rải rác gần bờ biển hòn đảo. Theo UN cảnh báo thì đến năm 2100, mực nước biển tại đảo Phục Sinh có thể lấn vào sâu ít nhất là 1,8m. Nếu mực nước biển dâng lên, những con sóng mạnh và khổng lồ sẽ tấn công những bức tượng đá, làm như hỏng phần đế bằng đá và có thể làm đổ tượng.
“Cảm giác thật bất lực, khi không thể bảo vệ được di sản của người xưa” – Camilo Rapu, giám đốc tổ chức điều hành Công viên Quốc gia Rapa Nui cho biết.
“Thực sự rất đau lòng”.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều hòn đảo tại Thái Bình Dương nằm ở vị trí khá thấp, nên đã và đang chịu ảnh hưởng từ quá trình nước biển dâng lên. Ví dụ như đảo Marshall và Kiribati – 2 hòn đảo san hô đang dần bị nước biển nuốt chửng.
Được biết, đảo Phục Sinh hiện đang có 6.000 cư dân sinh sống, kèm theo 100.000 lượt du khách ghé thăm mỗi năm, đóng góp tới 70 triệu USD cho nền kinh tế quốc gia.
Thứ giúp hòn đảo thu hút du khách chính là số tượng đầu người đặc trưng, nhưng hầu hết đều nằm sát bờ biển – tức là đang dần chịu tác động trực tiếp từ việc nước biển dâng lên.
Trong đó, 3 trong số những bức tượng quan trọng nhất là Tongariki, Anakena, và Akahanga đều đang gặp rủi ro rất lớn – theo lời cảnh báo từ các chuyên gia từ ĐH Đảo và Cao nguyên Scotland.
“Tôi từng bơi tại bờ biển Ovahe, bãi cát ở đó trải dài cả dặm.” – Pedro Pablo Edmunds, thị trưởng thị trấn Hanga Roa chia sẻ.
“Giờ thì, tất cả đã biến mất”.
Cư dân đảo hiện đang thử xây dựng hệ thống tường ngăn biển, nhờ vào 400.000 USD (khoảng 9 tỷ VND) do chính phủ Nhật Bản tài trợ trước đó. Hiệu quả của hệ thống đang được xem xét. Nếu không có công hiệu, các bức tượng sẽ được di dời đến nơi an toàn hơn – có thể là trong bảo tàng.
Theo Helino