Với hình dạng giống như đám mây nguyên tử, hiện tượng thời tiết cực hiếm microburst dù không phải là một vụ nổ bom nguyên tử thật sự nhưng nó cũng rất nguy hiểm.
Microbursts thường xuất hiện trong cơn dông. Những cơn mưa bình thường hay mưa đá trong cơn bão hoà quyện với những dòng không khí khô, sau đó không khí khô hút ẩm từ không khí ướt, làm cho không khí ướt lạnh đi, và khi nó lạnh, nó bắt đầu chìm xuống. Nếu toàn bộ quá trình xảy ra đủ nhanh và trên một diện tích đủ lớn, dòng không khí nhanh tạo thành cột chìm xuống nhanh chóng và lan rộng ra trên mặt đất với sức mạnh cực kì khủng khiếp – đó là lúc microburst hình thành.
Những cơn gió tạo ra có thể có vận tốc lên đến tới 170 dặm/giờ (270 km/giờ) và có thể quật ngã cả những cây cổ thụ vững chắc nhất. Microburst cũng có thể đi kèm với mưa thường được gọi là “bom mưa”, nhưng đây là hiện tượng tương đối hiếm.
Mới đây, nhiếp ảnh gia Jerry Ferguson đã may mắn ghi lại được cảnh tượng hình thành microburst trên bầu trời Phoenix, Arizona, hôm 18/7.
Có ba giai đoạn hình thành bom mưa Microburst. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn tiếp xúc, lúc này gia tốc thông gió tăng lên đến cực đại chỉ sau ít phút và lao xuống mặt đất theo phương thẳng đứng với tốc độ tối đa.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn bùng nổ, ở giai đoạn này cơn gió liên tục xoáy mạnh thành dòng, giáng thẳng xuống mặt đất với tốc độ cực nhanh rồi tản ra khắp mọi nơi.
Giai đoạn cuối cùng là được gọi là giai đoạn đệm, lúc này gió xoáy phía trên vẫn tiếp tục tăng tốc, tuy nhiên khi giáng xuống mặt đất chúng mang theo một lượng nước khổng lồ dội xuống. Theo thời gian, vận tốc gió chậm dần.
Về sức mạnh của microburst, các nhà nghiên cứu đánh giá sức phá hoại của cơn bão này vượt xa sức tưởng tượng của con người, gây ra thiệt hại nặng nề gấp nhiều lần những trận mưa đá hay mưa axit.
Mặc dù microburst có hại cho người dân và các tòa nhà, nhưng máy bay mới là thứ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hiện tượng này xảy ra. Đã có 9 trường hợp báo cáo tai nạn chết người hoặc các tai nạn khi chiếc phi cơ bay vào không phận có microburst và đâm xuống mặt đất với lực cực mạnh.
Tuy nhiên gần đây, các công nghệ mới cũng như việc đào tạo khắt khe hơn đã giúp phi công có đầy đủ kĩ năng để thoát khỏi microburst trước khi mọi thứ trở nên cực kì tồi tệ
Tuy nhiên, ngay cả dưới mặt đất, microburst cũng đáng sợ không kém. Đây là những gì đã xảy ra ở Oklahoma trong năm 2011:
Theo GenK