Người tu luyện có thể chất khác biệt so với những người bình thường. Rất nhiều những khoa học gia cũng đã kiểm định được năng lượng phát ra từ thân thể của họ, những thứ vật chất mà người thường không hề có. Sau đây là một câu chuyện về khả năng dời chuyển bệnh phi thường của Đại sư Milarepa.
Một hôm, Đại sư Milarepa dường như bệnh rất nặng. Lúc đó, thầy y là Caopu mang đến nhiều rượu ngon và thịt để giả vờ thể hiện săn sóc. Khi đến trước mặt Đại sư Milarepa, ông ta cười lớn, “Hà! Một người đã hoàn hảo như ngài thì không nên có bệnh nặng mới phải! Làm sao mà ngài bị bệnh được? Nếu bệnh có thể phân chia cho người khác, ngài có thể phân bổ cho các đồ đệ của ngài. Nếu bệnh có thể dời chuyển, xin hãy chuyển bệnh của ngài cho tôi! Ngài đang trong tình huống thật khó khăn — ngài sẽ làm gì đây?”
Đại sư Milarepa mỉm cười hoà dịu, “Thực ra ta không phải chịu mang bệnh. Ông nên hiểu rõ là vì sao ta lại bệnh. Nguyên nhân đối với bệnh tật của người thường và nghiệp bệnh của hành giả là khác nhau. Trạng thái bệnh tự nhiên của họ cũng khác nhau. Biểu hiện bệnh của ta thực sự là một hình thức biểu hiện một trạng thái nghiêm túc của Phật Pháp”.
Caopu vẫn nghĩ bệnh tật hoàn toàn không có thể dời chuyển được, không giống như những gì Đại sư Milarepa nói. Thế là, ông nài nỉ: “Tôi không chắc về nguyên nhân gây ra bệnh tình của Đại sư. Nếu là thế lực ma quỷ gây ra, ngài có thể sử dụng năng lượng để loại trừ. Nếu nó là sự không hài hoà của tứ đại (đất, lửa, nước và gió), ngài nên chỉnh lại bản thân và uống thuốc. Nếu bệnh thật sự có thể chuyển sang người khác, vậy thì xin hãy chuyển nó cho tôi”.
Đại sư Milarepa nói, “Có một người mang trọng tội, và con ma trong tâm ông ta đã đến hại ta. Nó làm cho tứ đại trong ta bị đảo lộn và làm ta bị bệnh. Ta không nghĩ là ông có thể loại trừ nó. Cho dù ta có thể chuyển bệnh cho ông, nhưng ông không thể chịu đựng được dù chỉ một chốc lát. Vậy nên tốt hơn là ta không nên chuyển nó cho ông.”
Caopu cứ khăng khăng nài nỉ Đại sư Milarepa chuyển bệnh cho mình.
Đại sư Milarepa nói, “Vì ông cứ khăng khăng nài nỉ, ta sẽ tạm thời chuyển dời bệnh đến cánh cửa đằng kia. Nếu chuyển nó cho ông, thì ông không thể chịu đựng nổi. Hãy xem đây!”. Rồi Đại sư Milarepa dùng thần thông để chuyển bệnh đến cánh cửa. Cánh cửa kêu cọt kẹt, như muốn sắp vỡ ra, và chỉ sau một lúc, cánh cửa thực sự vỡ tan nát thành nhiều mảnh. Lúc đó Đại sư Milarepa trông khoẻ hơn.
Thế nhưng, Caopu vẫn một mực không tin, và nghĩ rằng Đại sư lừa mình.
Đại sư Milarepa nói, “Vì ông cứ khăng khăng nài nỉ, ta sẽ chuyển một nửa bệnh cho ông. Nếu ta chuyển hết cho ông, thì ông nhất định không chịu nổi”. Rồi Ngài chuyển một nửa bệnh cho Caopu. Caopu lập tức chịu đựng đau đớn vô cùng và gần như ngất xỉu. Ông ta không thể cựa quậy và thở. Khi ông ta gần chết, Đại sư Milarepa lấy lại hết bệnh và hỏi, “Ông cảm thấy thế nào sau khi ta chuyển một nửa bệnh cho ông? Ông có chịu đựng nổi không?”
Sau khi trải qua cơn đau khủng khiếp, Caopu tở thật sự ăn năn. Ông ta quỳ xuống, dập đầu dưới chân Đại sư Milarepa mà khóc, “Đại sư! Đại sư! Thánh hiền! Thánh hiền! Con thật sự hối lỗi! Xin hãy tha lỗi cho con. Con muốn dâng tất cả của cải của con để tỏ lòng tôn kính với Đại sư. Đại sư, xin thầy giúp con tiêu trừ tội lỗi và nghiệp quả!”
Đại sư Milarepa thấy Caopu đã thật sự hỗi lỗi, và ông ta rất thành thật. Ngài lấy đi tất cả bệnh tật còn lại và nói với Caopu, “Cả đời ta, ta chưa hề muốn của cải, huống nữa bây giờ, khi ta sắp lìa đời. Con có thể giữ lấy của cải cho mình. Sau lần này, con đừng bao giờ làm những việc của ma quỷ nữa, cho dù là khi nghèo khổ nhất. Ta hứa lần này sẽ tiêu trừ nghiệp quả do lỗi lầm của con gây ra cho con.”
Caopu nói với Đại sư Milarepa, “Nguồn gốc của những việc làm ma quỷ của con trước đây hoàn toàn là theo đuổi giàu có. Bây giờ con không cần nó nữa. Mặc dù Đại sư không nhận nó, nhưng các môn đồ của ngài ít nhất cũng cần tiền và thực phẩm để tu luyện. Xin hãy nhận cho các đồ đệ của ngài.”
Mặc cho Caopu nài nỉ, Đại sư Milarepa vẫn không chấp nhận, nhưng cuối cùng các môn đồ của Ngài cũng nhận số tiền đó và sử dụng để chuẩn bị cho giáo hội. Cho đến bây giờ, nó vẫn là một truyền thống để tổ chức các giáo hội ở Quba, Tây Tạng. Tuy nhiên cũng từ đó trở đi, Caopu đã thực sự từ bỏ sự ràng buộc về giàu có nơi cuộc đời và trở thành một người tu luyện xuất sắc.
***
Cũng là một trạng thái biểu hiện nơi thế nhân, nhưng nội hàm bên trong của người tu luyện và người thường hoàn toàn không giống nhau, bởi cảnh giới tư tưởng đã chêch lệch nhau rất xa. Thế nên, con người đừng ngông cuồng, ngoan cố dùng cái tâm thiển cận để đo lường uy nghiêm và sự vô biên của bậc Giác Giả và Thần Phật. Âu cũng chính là tự mình rước lấy rắc rối. Chỉ khi tư tưởng thăng hoa thì sự nhiệm màu của Phật Pháp mới có thể triển hiện, khi con người giác ngộ thì mới có khả năng bước vào cảnh giới cao thâm của tư tưởng…
Ghi chú:
Milarepa hay còn gọi là Mật-lặc Nhật-ba (1052-1135), là một trong những Thánh nhân nổi tiếng nhất của Tây Tạng. Ông là đệ tử của Mã-nhĩ-ba và bị thầy thử thách khắc nghiệt. Cuối cùng ông được truyền giáo pháp Đại thủ ấn và Na-lạc lục pháp, sáng lập tông phái Ca-nhĩ-cư. Ngày nay, Phật giáo Tây Tạng vẫn còn nhắc nhở lại cuộc đời phiêu bồng và những bài ca của ông.
Mật-lặc Nhật-ba sinh tại Tây Tạng, gần biên giới Nepal. Lúc lên bảy, cha mất, gia sản bị chiếm đoạt, gia đình ông bị đối xử tàn tệ. Nhằm trả thù nhà, Mật-lặc Nhật-ba đi học huyền thuật, dùng phép hô phong hoán vũ giết hại nhiều người. Ăn năn về hành động đó, ông tìm gặp một vị Đạo sư của tông Ninh-mã là Rong-ton xin học nhưng vị này khuyên nên gặp Mã-nhĩ-ba. Ông trở thành môn đệ của Mã-nhĩ-ba lúc 38 tuổi, nhưng suốt sáu năm chỉ được xem là kẻ hầu, và Mã-nhĩ-ba thử thách khắc nghiệt làm ông hầu như kiệt sức và gần muốn tự vận.
Trong thời gian đó, ác nghiệp của ông đã được tiêu vong, Mã-nhĩ-ba bắt đầu dạy pháp cho ông bằng cách sống viễn li cô tịch, truyền cho giáo pháp của Na-lạc-ba và đặc biệt chú trọng phép phát triển Nội nhiệt (Na-lạc lục pháp). Chỉ với một chiếc áo vải mỏng manh, ông sống năm này qua năm khác trong cái lạnh của Hi-mã-lạp sơn, chỉ chuyên tâm thiền định trong các hang động. Sau chín năm độc ẩn, ông bắt đầu thu nhận môn đệ, trong đó có vị y sĩ Đạt-bảo Cáp-giải. Mật-lặc Nhật-ba để lại nhiều bài ca bất hủ cho đời sau và những bài ca này được ghi lại trong một tập dưới tên Mật-lặc Nhật-ba thập vạn ca.
Theo ChanhKien.Org