Cựu Giám đốc Cục Khảo sát Địa chất Ấn Độ tin rằng, ông đã tìm thấy bằng chứng về cây cầu nhân tạo 1,7 triệu năm tuổi, cho thấy loài người đã tồn tại trên Trái đất hàng triệu năm trước và có khả năng xây dựng các cấu trúc phức tạp từ lâu trước khi khoa học hiện đại xuất hiện.
Điều này dường như khác với tất cả những gì chúng ta đã được nghe trước đây. Theo các nhà khoa học chính thống, con người mới chỉ xuất hiện trên Trái đất khoảng 200.000 năm, nhưng cây cầu này đã khiến tất cả mọi thứ các nhà khoa học tin tưởng trở thành nghi vấn.
Cấu trúc thậm chí còn có thể được nhìn thấy từ ngoài không gian này chiếm một diện tích tương đối lớn, trải dài từ Ấn Độ đến Sri Lanka.
Điều trùng hợp là các truyền thuyết Hindu cổ đại kể rằng, vua Rama, một vị thần Hindu đã xây dựng một cây cầu có tỷ lệ tương tự cách đây hơn một triệu năm. Từ thời cổ đại, nó đã được gọi là ‘Cầu Rama’ hay ‘Rama Setu’, một số người khác gọi là ‘Cầu Adams’.
Trong sử thi Ramayana của Ấn Độ, có một câu chuyện về cây cầu đất và cách nó được xây dựng để giúp Rama băng qua mặt biển, đến một hòn đảo lớn và giải cứu người vợ của mình khỏi sự ly tán của vua quỷ Ravanna.
“Cây cầu” này là nhân tạo hay tự nhiên? Một chuyên gia đã khẳng định, đây là bằng chứng cho thấy con người đã tồn tại và xây dựng nên những cấu trúc tinh vi cách đây hàng triệu năm.
Chúng ta đang nói về TS. S. Badrinarayanan, cựu Giám đốc Cục Khảo sát Địa chất Ấn Độ và là cựu điều phối viên Phòng Khảo sát của Viện Công nghệ Hải dương Quốc gia (NIOT). Ông đã nghiên cứu các mẫu vật trong lõi của cây cầu và dường như tin rằng, chúng không phải được hình thành tự nhiên như giả thuyết của các nhà khoa học khác, mà là một cấu trúc nhân tạo, và được tạo ra cách đây hơn một triệu năm.
TS. Badrinarayanan và nhóm của ông đã khoan 10 lỗ dọc theo cầu Adam. Những gì ông phát hiện ra khiến nhiều người sửng sốt. Khoảng 6 m dưới bề mặt cầu, ông đã tìm thấy một lớp đá cát, san hô và vật liệu giống như đá mòn. Nhóm của ông đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra một lớp cát lỏng bên dưới đó khoảng 4-5 m và sau đó là những kết cấu cứng phía dưới.
Một nhóm thợ lặn đã xuống dưới để kiểm tra thân cầu. Các tảng đá mà họ quan sát được không phải được hình thành ở biển. Chúng được xác định là đến từ hai bên đường đắp cao. TS. Badrinarayanan cũng chỉ ra có bằng chứng cho thấy việc khai thác đá thời cổ đại ở những khu vực này. Nhóm nghiên cứu của ông kết luận rằng, vật liệu đó là từ một trong hai bờ biển được đặt dưới đáy cát dưới biển để tạo thành cầu.
Sử thi “Ramayana” miêu tả kích thước cây cầu là 100 yojana chiều dài và 10 yojana chiều rộng. Một yojana tương đương với khoảng 8 km. Đây là một kích thước khổng lồ, không phù hợp với cây cầu được quan sát thấy ngày nay. Tuy nhiên, tỷ lệ được miêu tả như vậy có thể phù hợp.
Bharath Gyan là một nhóm nghiên cứu văn hóa Ấn Độ truyền thống từ một nền tảng tâm linh. Họ cho rằng tỷ lệ 10:1 (dài:rộng) phù hợp với các số đo thực tế của cây cầu được quan sát ngày nay. Tất nhiên, cây cầu tồn tại ngày nay không hoàn toàn đồng dạng (xuyên suốt thân cầu) vì chiều rộng thay đổi đôi chút tại các vị trí khác nhau.
Mặc dù TS. Badrinarayanan khá bối rối trước hiện tượng phân lớp trong các mẫu vật lõi, những người khác đã lý giải nó theo nhiều cách khác nhau. Chưa có một cách giải thích nào được các nhà địa chất thống nhất.
Ông Suvrat Kher, một chuyên gia địa chất trong lĩnh vực địa tầng dưới biển, đã đưa ra một số cách lý giải trên blog của mình: “Trong thời kỳ ‘băng hà’ thuộc Thế Canh Tân (Pleistocene), hiện tượng băng tích lũy và tan chảy đã làm cho mực nước biển dao động trong khoảng vài chục mét, tạo điều kiện hình thành vài đoạn đá ngầm san hô và bãi cát ngầm. Trong những thời kỳ mực nước hạ thấp ở thế Canh Tân, đã từng có một dải đất kết nối giữa Ấn Độ và Sri Lanka. Nhưng vào cuối giai đoạn băng kỳ Wisconsin cuối cùng, mực nước biển lại bắt đầu dâng lên trên toàn thế giới”.
Theo ông, khi dải đá ngầm san hô mọc lên phía trên, cuối cùng chúng sẽ vươn tới tầng nước nông hơn và đôi lúc bị sóng đánh gãy, từ đó rơi xuống và lắng đọng ở bên dưới. Tương tự, cát cũng có thể được cuốn đi và lắng đọng, tạo ra các tầng khác nhau bên trên các trầm tích. Ông nghĩ rằng việc phân tầng như được quan sát có thể có cách giải thích khác, không nhất thiết là do con người đã đã đặt các tảng đá mòn.
Năm 2007, khi các bức ảnh mới của NASA cho thấy Cây cầu Adam xuất hiện và thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng, đảng Bharatiya Janata ở Ấn Độ tuyên bố rằng NASA đã xác định niên đại chiếc cầu này lên đến 1,7 triệu năm. Mốc niên đại này phù hợp với các truyền thuyết Ấn Độ, tương đương với một trong bốn thời kỳ của nhân loại, thời kỳ mà vua Rama đã từng sống.
Một số báo cáo vào thời đó cho rằng đất đai ở hai bên bờ cây cầu đã được xác định niên đại lên đến 1,7 triệu năm tuổi, chứ không chỉ riêng cây cầu.
Tinh Hoa (t/h)