Lịch sử 5.000 năm của dân tộc Trung Hoa, không phải là sự tiếp nối của chính quyền trung ương hay một trung tâm quyền lực nào đó. Mà nó là sự kéo dài của văn hoá, phong tục, và lý tưởng của con người, tiếp nối qua bao thế hệ và triều đại.
Được khắc trên mặt vách đá cổ xưa, dọc theo sông Dương Tử, về phía tây nam của thành phố Vũ Hán, là hai chữ “Xích Bích”. Các chữ chạm trên đá này đã tồn tại ít nhất một ngàn năm tuổi, nhưng trận chiến mà nó tưởng nhớ tới, lại còn lâu hơn nữa.
Vào lúc triều đại nhà Hán (206 TCN – 220 CN) sụp đổ, khi một đế chế hùng mạnh của Trung Quốc bị chia tách thành nhiều nước đánh chiếm lẫn nhau, nhiều đội quân huyền thoại đã tập trung tại đây.
Năm 208, quân đội Bắc Ngụy tiến xuống phía Nam với tham vọng thống nhất Trung Hoa. Quân nước Ngụy dẫn đầu là thừa tướng tham tàn Tào Tháo, đang rất hùng mạnh với hàng trăm ngàn tướng sĩ và đầy khí thế sau những chiến thắng liên tiếp. Khi tiến đến bờ sông Dương Tử, họ cắm trại và chuẩn bị khiêu chiến.
Phía bên kia của con sông lớn là lãnh thổ của Thục và Ngô. Cảm nhận được mối uy hiếp to lớn từ phương Bắc và thấy kẻ địch đang ở thế áp đảo, lãnh chúa Đông Ngô và Tây Thục đã thành lập liên minh Tôn – Lưu, với hy vọng phần nào chống chọi lại sự tấn công gần kề của các đạo quân Bắc Ngụy.
Và với diệu kế “Thuyền cỏ mượn tên” đi vào lịch sử, đội quân tưởng chừng yếu thế Thục – Ngô đã bất ngờ giành chiến thắng vang dội. Họ đã chặn đứng sự bành trướng của Tào Tháo và khiến ông thua chạy với tàn quân ít ỏi.
>>> Diệu kế “Thuyền cỏ mượn tên” – Món quà quý báu đôi khi lại đến từ kẻ địch
Chiến thắng này đã mở ra một sự cân bằng quyền lực giữa ba thế lực chính trong thời Tam quốc. Còn Tào Tháo thì không bao giờ còn có cơ hội giành lại được sự thống trị độc tôn như trước nữa.
Có thể thấy, sự sụp đổ của triều đại nhà Hán vào thời Tam quốc có nghĩa là chấm dứt một Trung Hoa thống nhất. Đây cũng đồng nghĩa là sự kết thúc của một đế chế Trung Hoa.
Cũng bởi lý do này, lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc mà ngày nay chúng ta nói đến, không phải là sự tiếp nối của chính quyền trung ương hay một trung tâm quyền lực nào đó. Mà nó là sự kéo dài của văn hoá, phong tục, và lý tưởng của con người, tiếp nối qua bao thế hệ và triều đại.
Được tiểu thuyết hóa trong cuốn tiểu thuyết cổ điển Tam Quốc Diễn Nghĩa, Đại chiến Xích Bích đã thu hút được trí tưởng tượng của người dân Trung Hoa trong nhiều thế hệ nối tiếp. Nó gắn liền với một dấu mốc và câu chuyện lịch sử. Trong đó, đã phác họa nên một bức tranh sinh động về sự đa trí đa mưu, lòng dũng cảm, cũng như lý tưởng và lòng yêu nước.
Tô Đông Pha, nhà thơ nổi tiếng triều Tống cũng có một bài thơ lấy cảm hứng từ trận Xích Bích mang tên Niệm nô kiều – Xích Bích hoài cổ. Trong đó, có những câu thơ rằng:
“Đại giang đông khứ,
Lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật.
Cố luỹ tây biên,
Nhân đạo thị Tam Quốc Chu Lang Xích Bích.
Loạn thạch băng vân,
Kinh đào phách ngạn,
Quyển khởi thiên đôi tuyết.
Giang sơn như hoạ,
Nhất thời đa thiểu hào kiệt”.
Tạm dịch:
“Dòng sông đông rót,
Đào thải hết ngàn thuở phong lưu nhân vật.
Luỹ cổ tây biên,
Người bảo đấy Tam Quốc Chu Du Xích Bích.
Đá rối mây xen,
Sóng tung bờ rạn,
Cuộn bốc ngàn trùng tuyết.
Non sông như vẽ,
Một thuở bao nhiêu hào kiệt”.
(Bản dịch của Nguyễn Chí Viễn)
Thấu hiểu đoạn lịch sử bi hùng ấy, chương trình Shen Yun 2017 đã tái hiện Đại Chiến Xích Bích trên sân khấu trình diễn, thể hiện cái nhìn của hậu nhân, nhân vật người lính, đối với một trận chiến trọng yếu quyết định cục diện lịch sử.
Người lính này không phải là một chiến binh cổ xưa, mà là một trong những người lính thuộc gia đoạn những năm 1930. Ông là một viên tướng trong hàng ngũ quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Trong một cuộc giao tranh, ông đã bị tách khỏi quân đội của mình, và tình cờ lạc đến một vách đá dọc theo sông Dương Tử với dòng chữ đỏ “Xích Bích”. Mệt mỏi, bị thương và đơn độc, ông dựa vào bờ sông rồi chìm vào giấc mộng lúc nào không biết.
Trong mộng, người lính này đã được sống lại với khí thế hừng hực của một cuộc đại chiến diễn ra khoảng chừng 1.700 năm trước, hào hùng, bi tráng: Đại chiến Xích Bích huyền thoại.
Tận mắt chứng kiến và quan sát toàn cảnh của cuộc chiến, khung cảnh tựa như huyền thoại được mở ra, người lính như được trẻ lại bởi sự dũng mãnh và tràn trề sức sống của các chiến binh thuở trước.
Và sau khi tỉnh dậy, lòng tràn đầy cảm hứng và biết ơn, ông quyết định rằng, thật xứng đáng để chiến đấu cho lý tưởng về một tương lai của đất nước. Niềm cảm hứng này đã gắn kết ông với tổ tiên của mình, những người đã tham gia trận chiến Xích Bích hào hùng năm xưa trong lịch sử.
Lý tưởng, dũng cảm và lòng yêu nước… tất cả như sợi chỉ đỏ liên kết xưa và nay, phác họa nên một câu chuyện trải dài trong lịch sử, tiếp nối đến mai sau.
Bảo An, theo Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun