Tây Du Ký 1986 là phiên bản phim để lại ấn tượng rất sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ khán giả xem truyền hình. Và cho đến nay, đây cũng là phiên bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Thừa Ân thành công nhất. Tuy nhiên, có thể vì thiếu kinh phí nên khá nhiều tình tiết trong nguyên tác đã bị các nhà làm phim cắt bỏ…
Một trong những tình tiết đặc biệt thú vị và có ý nghĩa rất sâu sắc của Tây Du Ký chính là ở đoạn gần cuối của câu chuyện, khi thầy trò Đường Tăng đi qua con sông lớn để tiến vào đất Phật. Trong nguyên tác, Đường Tăng đã “bỏ xác” ở chính dòng sông này, tuy nhiên điều này đã không được đưa vào bản phim truyền hình năm 1986 nên rất nhiều người chỉ xem phim mà không đọc truyện thì không biết.
Đường Tăng bỏ lại xác phàm
Tây Du Ký kể rằng, bốn thầy trò Đường Tăng khi gần tới đất Phật thì được Kim Đăng Đại Tiên đón tiếp và chỉ đường. Bốn người theo lời chỉ dẫn của Đại Tiên mà tới một bờ sông rộng hơn 9 dặm, nổi sóng lớn không khác gì biển cả, mênh mông không một bóng người.
Để qua sông chỉ có một cây cầu độc mộc vừa trơn vừa cao, vô cùng khó đi, chỉ cần sảy chân một chút liền rơi xuống dòng nước vô tình. Không chỉ Đường Tăng kinh sợ mà ngay cả Bát Giới, Sa Tăng cũng hoang mang không biết làm sao. Ngoại trừ Tôn Ngộ Không có thể đi qua đi lại cầu dễ dàng, ba người còn lại đều bối rối đứng ở bờ sông. Bát Giới còn đòi cưỡi mây bay qua sông cho nhanh, nhưng đã bị Ngộ Không mắng: “Chốn này là chốn nào mà đệ dám cưỡi mây, không đi qua cầu này thì sao thành chính quả được?”
Vào lúc Bát Giới và Ngộ Không còn đang tranh cãi, thì trên sông bỗng có một người chèo đò xuất hiện. Đường Tăng cả mừng vội gọi thuyền đến, nào ngờ khi nhìn lại mới thấy đó là thuyền không đáy. Đang lúc Đường Tăng còn trù trừ lo lắng: “Thuyền không đáy thì làm sao ngồi qua sông đây?”, thì Tôn Ngộ Không bất ngờ đẩy một cái làm ông rơi luôn xuống nước.
Bản phim Tây Du Ký 1986 đã bỏ qua tình tiết này, trong phim chỉ miêu tả Đường Tăng khi rơi xuống liền đứng vững trên thuyền, rồi cùng ba đồ đệ và bạch mã qua sông. Còn trong nguyên tác của Ngô Thừa Ân, vì thuyền không đáy nên Đường Tăng chìm luôn xuống dòng sông, người lái đò lúc bấy giờ mới đưa tay kéo ông lên. Các đồ đệ cũng theo thầy dắt ngựa và hành lý lên thuyền.
Khi Đường Tăng còn đang trách cứ Tôn Ngộ Không sao lại bất ngờ đẩy mình ngã xuống sông, thì chợt nhìn thấy một xác người đang trôi theo dòng nước, khi nhìn kỹ lại ông càng kinh hãi hơn vì đó chính là xác của mình! Hóa ra ông rơi xuống nước đã chết đuối rồi mà không tự biết, nguyên thần đã xuất ra khỏi xác phàm nên mới ngồi được trên chiếc thuyền này! Chuyện này từ đầu Ngộ Không đã biết nên không ngạc nhiên, còn Bát Giới và Sa Tăng thì vỗ tay mừng thầy đã trút bỏ được thân xác của người phàm.
Sau khi qua tới bờ bên kia chính là đã vào đất Phật, Đường Tăng thấy người mình nhẹ nhàng như bông, hoàn toàn không có chút gì thống khổ của việc mất đi thể xác. Khi nhìn lại thì không thấy người chèo đò đâu nữa, bấy giờ Ngộ Không mới nói rõ chân tướng cho thầy và hai sư đệ biết: “Vị ấy là Tiếp Dẫn Tổ Sư, hiệu là Bửu Tràng Quang Vương Phật, hóa thân thành người lái đò để rước sư phụ qua sông, giúp sư phụ vứt bỏ xác phàm đó.”
Con đường Niết Bàn của hòa thượng Phật giáo
Chi tiết Đường Tăng “bỏ xác” trước khi gặp Phật Tổ không chỉ ly kỳ mà còn rất có ý nghĩa, đây chính là đặc điểm của pháp môn tu hành trong Phật giáo xưa nay. Trong Phật giáo, Đức Phật Thích Ca truyền dạy đệ tử tu theo con đường Niết Bàn, cần phải vứt bỏ tất cả dục vọng và chấp trước nơi thế gian, tới cuối cùng ngay cả thân xác của mình cũng vứt bỏ. Khi hòa thượng tu thành đắc Đạo rồi thì bỏ lại thân xác phàm trần, còn nguyên thần của họ được Thần Phật tiếp dẫn lên Trời. “Nguyên thần” được giảng trong Phật giáo chính là điều mà người hiện đại chúng ta gọi là “linh hồn”.
Đường Tăng là hòa thượng Phật giáo nên con đường tu luyện của ông cũng là Niết Bàn. Tây Du Ký do Ngô Thừa Ân viết có nội hàm vô cùng sâu sắc, từ chi tiết Đường Tăng vứt bỏ thân xác để sang “bờ bên kia của Niết Bàn”, tác giả đã hé lộ cho chúng ta rất nhiều huyền cơ quan trọng.
Thứ nhất, dọc đường đi thỉnh kinh có vô số yêu ma quỷ quái muốn bắt Đường Tăng để ăn thịt vì cho rằng “hòa thượng này đã tu hành 10 kiếp, ăn được một miếng thịt của y thì có thể trường sinh bất lão, đắc Đạo thành Tiên”, nhưng điều này thực chất là không đúng.
Đường Tăng dẫu có tu hành bao nhiêu kiếp, công quả và uy đức có lớn đến đâu chăng nữa, thì thân thể ông cũng chỉ là xác thịt người phàm, so với người thường không khác biệt nhau là mấy. Những điều mà ông tu được thì không nằm trên thể xác phàm nhân mà được mang theo trên nguyên thần của ông.
Đến bước cuối cùng, Đường Tăng đã vứt bỏ thân xác, giống như Tôn Ngộ Không nói là “cởi bỏ được thân người” – tức là lão Tôn cho rằng thân thể ấy chỉ như một bộ quần áo mà thôi, không có gì quá quan trọng, khi tu thành rồi thì sẽ bỏ nó lại. Các nhà sư Phật giáo trong quá khứ hay nói “thân thể người chỉ là một chiếc túi da”, ngụ ý có lẽ cũng tương tự.
Chỉ là một thân thể phàm nhân, thì liệu ăn vào thể trường sinh bất lão không? Hoàn toàn không! Chẳng qua vì cảnh giới của yêu tinh thấp kém, trí huệ không cao, nên chúng mới ảo tưởng rằng ăn thịt của một người “tu lâu” thì sẽ đắc Đạo thành Tiên. Thật ra nếu chúng thật sự ăn thịt được Đường Tăng, thì chẳng những không thể đạt được điều chúng muốn, mà trái lại còn bị báo ứng Trời tru Đất diệt vì đã giết hại người tu luyện.
Thứ hai, Đường Tăng sau khi vứt bỏ thân người thì chẳng những không cảm thấy có chút nào khổ sở hay đau đớn, mà ngược lại còn thấy người nhẹ như bông vô cùng dễ chịu, thậm chí lúc đầu ông còn không hề phát hiện ra mình đã “chết”. Điều này cho thấy rằng “chết” không phải là hết, mà sinh mệnh chân chính của con người nằm ở nguyên thần, sau khi không còn bị câu thúc bởi thân người thì nguyên thần cảm thấy rất thoải mái dễ chịu.
Điều này cũng rất tương đồng với chia sẻ của những người có trải nghiệm cận tử – trải nghiệm rơi vào trạng thái tử vong như sau đó được cứu sống trở lại. Trong một cuộc khảo sát với 1.122 người trải nghiệm NDE (Near Death Experience – Trải nghiệm cận tử) , bác sĩ Jeffrey Long, nhà sáng lập Tổ chức nghiên cứu trải nghiệm này, phát hiện rằng có 74% số người báo cáo rằng mình ở một “trạng thái nhận thức và tỉnh táo tăng cường.”
Một cá nhân có trải nghiệm NDE chia sẻ: “Tôi cảm thấy cực kỳ tỉnh táo, sắc bén và tập trung. Hồi tưởng lại, khi tôi [sắp chết nhưng vẫn] còn sống thì đang ở trong trạng thái giống như nửa tỉnh nửa ngủ, còn sau khi được xem là đã chết thì tôi hoàn toàn tỉnh táo.”
Một người khác nói thêm: “Tâm trí tôi rất rõ ràng, suy nghĩ của tôi nhanh chóng và quyết đoán. Tôi có một loại cảm giác giải thoát, tự do và hài lòng khi không còn bị thân thể của mình câu thúc. Tôi cảm thấy một sự liên kết với tất cả mọi thứ xung quanh theo một cách không thể lý giải. Tôi cảm thấy dường như suy nghĩ của mình trở nên nhanh hơn, hoặc là thời gian bị trôi chậm lại đáng kể.”
Trạng thái không có thân thể người của Đường Tăng được miêu tả trong Tây Du Ký cũng gần giống như vậy: Không có khổ đau, mà trái lại còn cảm thấy như được giải thoát, vô cùng tự do tự tại, tư tưởng và trí huệ cũng được khai mở, trở nên vô cùng minh mẫn và tỉnh táo, thậm chí hơn cả lúc “còn sống”. Điều này không chỉ cho ta thấy trí tuệ uyên bác sâu xa của tác giả Ngô Thừa Ân, mà còn nhắn nhủ đến thế nhân nhiều kiến thức và đạo lý nhân sinh tuyệt vời.
Do nội hàm rộng lớn và tinh thâm như vậy, nên nhiều người cho rằng Tây Du Ký không chỉ là một bộ tiểu thuyết để đọc giải trí mà còn là một cuốn sách của Thần Phật an bài lưu lại cho thế gian. Người ở mỗi giai tầng xem qua đều có lãnh hội khác nhau: Trẻ con được bồi dưỡng niềm tin vào Thần Phật và phép mầu, người lớn thu hoạch được nhiều bài học quan trong cuộc đời, người già ngộ ra nhiều đạo lý nhân sinh, còn người tu hành thì thấy được Phật Pháp triển hiện ở các cảnh giới khác nhau.
Thế Di