Đại Tương là con trai, nhưng cậu luôn có một cuốn nhật kí, trong đó có ghi chép lại việc chi tiêu hàng ngày, từng con số từ nho nhỏ như khoản tiền ăn sáng hay tiền ăn trưa đều được cậu ghi chép lại một cách đầy đủ và cẩn thận. Thói quen ấy của Đại Tương, bắt nguồn từ câu chuyện bí mật của riêng cậu về người cha đáng kính.
Gia đình Đại Tương sinh sống ở một ngôi làng của huyện Từ Châu. Trong ký ức của cậu chỉ nhớ rằng, người cha ngày ngày tháng tháng làm thuê ở một công xưởng gần nhà ga Từ Châu và phải rất lâu mới được về thăm nhà một lần.
Khi Đại Tương thi đỗ vào trường đại học Tây An, cha của cậu đã tới ngân hàng và rút ra một khoản tiền lớn, rồi nheo nheo đôi mắt và dùng tay đếm từng tờ từng tờ tiền một, hết lượt này đến lượt khác…
Có một thời gian dài, Đại Tương mải mê chơi trò chơi điện tử ở quán internet. Cậu thường xuyên ở quán internet cả đêm mà chơi điện tử. Mặc dù, Đại Tương cũng cảm nhận thấy mình đang sống rất uổng phí, nhưng nhìn qua bạn bè bên cạnh, hầu như ai ai cũng giống cậu. Người thì chơi bóng, người xem phim, người lên mạng chơi trò chơi điện tử….Đại Tương lại cảm thấy việc mình chơi là rất bình thường.
Đến kỳ nghỉ hè năm đó, Đại Tương trở về nhà. Nhưng mới ở nhà được mấy hôm, cậu đã cảm thấy rất buồn chán và khó chịu. Cậu đã xin cha cho lên chỗ cha làm việc chơi mấy hôm, bởi vì trên đó ít nhất còn có các quán internet. Cha của cậu ấy vì chiều con nên cũng đồng ý.
Từ xa xa, Đại Tương đã nhìn thấy cha mình đứng ở cửa nhà ga đợi cậu. Trong lòng cậu không được vui, vì cha mặc một bộ quần áo vừa cũ rách vừa rộng thùng thình như một người ăn mày. Đại Tương nói: “Cha, sao cha lại mặc một bộ quần áo vừa rộng vừa cũ rách như vậy?”
Cha Đại Tương nói: “Cha là lao động chân tay chứ có phải làm việc trong văn phòng đâu mà mặc quần áo mới hả con?”
Đại Tương lại nói tiếp: “Nhưng mà bộ quần áo rộng quá, đâu có vừa với cha?”
Cha cậu ấy lại nói: “Cha phải mặc quần áo rộng một chút, nếu không khi làm việc sẽ khiến quần áo rách hết con ạ!”
Năm ấy là năm 2007, thu nhập một tháng của cha cậu ấy là 5 triệu vậy mà ông sống trong một căn phòng rộng chừng 7 m2. Trong phòng, ngoài chiếc giường sắt còn có một bồn rửa mặt nhỏ đã sứt mất lớp tráng men, một chiếc khăn mặt đã cũ kỹ. Vậy mà, suốt những năm tháng qua, Đại Tương vẫn luôn nghĩ rằng cha mình đang sống một cuộc sống thoải mái…
Khi cha Đại Tương đưa cậu ấy về phòng xong, ông nói: “Con cứ ngồi ở nhà, cha phải đi có việc một chút nhé!”
Nói xong, ông liền bước đi ngay. Đại Tương không thể ngồi đó như lời cha nói, cậu lén lút đóng cửa lại rồi đi theo sau cha. Giờ phút ấy, cậu rất tò mò muốn biết cha mình đã làm gì?
Sau khi đi khoảng 7 lối rẽ, Đại Tương đã theo cha đến một kho chứa đồ ướp lạnh. Trong kho ướp lạnh ấy có khoảng 10 người đang chờ sẵn. Người thì đang cầm đòn gánh, người thì đang đẩy hàng… Đại Tương cũng nhìn thấy cha mình trong số ấy, ông đang kéo một chiếc xe đẩy hàng.
Đúng lúc này, một chiếc xe tải to tiến vào trong kho. Cha Đại Tương cùng mọi người đi đến bên chiếc xe tải và dỡ hàng xuống. Ông vác một thùng rất to và nặng rồi bước đi. Ông đi được một đoạn thì dừng lại và lấy chiếc khăn ra lau mồ hôi. Sau đó, ông lại vác chiếc thùng đi tiếp rồi lại lau mồ hôi…Cho tới khi, ông đến chỗ chiếc xe đẩy thì đặt thùng các tông đó lên và lại quay lại chiếc xe tải kia dỡ hàng và vác tiếp. Đứng từ xa hơn 10 mét, Đại Tương nhìn rõ chân cha nổi lên những đường gân xanh chằng chịt…
Lúc này, Đại Tương mới biết được rằng, hóa ra những đồng tiền mà cha kiếm được cực khổ nhường nào. Cậu vội vã chạy ra phòng bảo vệ ở ngoài cổng và hỏi: “Bác ơi cho cháu hỏi, chuyển một xe hàng được bao nhiêu tiền ạ?”
Bác bảo vệ trả lời: “Chuyển một thùng được 5 nghìn đồng cháu ạ!”
Đai Tương nhẩm tính trong đầu: “Vậy là cha mỗi lần vận chuyển 7 thùng thì được 35 nghìn đồng”.
Chiều hôm ấy trở về nhà, trong lòng Đại Tương ngổn ngang bao suy nghĩ và cậu cũng không còn tâm trạng để lên mạng chơi điện tử nữa. Trong đầu cậu tràn ngập hình ảnh hai bắp chân của cha nổi đầy những đường gân xanh chằng chịt. Cậu nghĩ về những tháng ngày chơi điện tử của mình, rồi cậu khóc…
Ngày Đại Tương phải quay về trường để học kỳ học tiếp theo đã tới. Cha Đại Tương lại tới ngân hàng rút ra một số tiền rồi đếm đếm và đưa cho cậu.
Đại Tương nói: “Cha ơi, học kỳ này con lấy 5 triệu đồng là đủ rồi ạ!”
Nói xong, Đại Tương đưa lại cho cha một nửa và trong lòng thầm nghĩ: “Từ bây giờ, mình sẽ phải làm một người con ngoan!”
Nhưng, ý nghĩ đó của cậu ấy chẳng được mấy hôm lại thoảng qua và tan biến như mây khói. Khi những người bạn học cùng lại lần lượt rủ nhau đi chơi điện tử thì trong lòng Đại Tương không sao kiềm chế được. Cuối cùng, cậu ấy lại bước vào quán internet.
Vào một chủ nhật nọ, Đại Tương theo các bạn đến quán ba vừa chơi và ăn uống, chẳng mấy chốc số tiền cậu mang theo đã hết sạch. Đại Tương liền gọi điện cho mẹ cậu và nói rằng, cậu bị bệnh nên đã tiêu hết số tiền ấy rồi.
Vào buổi chiều thứ ba tuần sau đó, khi Đại Tương đang chơi bài cùng các bạn trong ký túc xá thì nhận được điện thoại nói rằng có người muốn gặp cậu ở ngoài cổng trường.
Đại Tương chạy đến cổng trường học thì gặp cha của cậu đang đứng chờ ở đó. Nhìn từ xa, Đại Tương thấy cha cậu mới ngoài 50 tuổi mà dáng vẻ đã như một ông lão ngoài 70. Dù tuổi già sức yếu, vẻ mặt mệt mỏi nhưng trên lưng cha còn vác theo một chiếc chăn bông rất dày như một người ăn mày vác bị đi ăn xin…
Đại Tương vừa gặp cha liền hỏi: “Sao cha lại lên đây? Con đã cho mẹ số tài khoản rồi, cha chỉ cần gửi vào đó là được mà. Cha đi xa như vậy lại còn mang chăn bông lên đây, vừa vất vả lại vừa lãng phí tiền…”
Cha Đại Tương vừa cười vừa nói với con trai: “Cha nghe mẹ con nói, con mấy hôm trước bị ốm, bây giờ thế nào rồi? Con đã đỡ chưa? Con phải cố gắng ăn uống và chăm sóc bản thân vào nhé! Mà con cũng đừng lo lắng tiền bạc, chỉ cần con khỏe mạnh, học tập tốt thì có tốn tiền hơn nữa cha mẹ cũng lo được cho con. Bây giờ trời lạnh rồi, mẹ con dùng bông nhà trồng được để làm cho con chiếc chăn bông này đấy, con cầm lấy dùng cho ấm”.
Đại Tương ấp úng nói: “Vâng…Con đã…khỏe rồi!”
Cha cậu còn nói: “Cha nhìn thấy con khỏe là yên tâm rồi. Cha mang tiền sinh hoạt lên cho con đây. Bây giờ cha về làm việc ngay, không lại làm ảnh hưởng đến việc học tập của con!”
Đại Tương nhận tiền từ cha, đang còn do dự muốn bảo ông ở lại phòng khách của trường thì cha cậu lại nói: “Còn hai tháng nữa là lại nghỉ đông rồi phải không? Cha lần này mang lên cho con 5 triệu đồng. Con vừa bị ốm, phải ăn nhiều vào nhớ, phải đảm bảo sức khỏe thì mới học tập được. Thôi, con đi vào đi”.
Đại Tương hiểu rõ tính cách của cha nên cậu không nói thêm câu nào nữa mà quay người đi về ký túc xá. Vừa đi được mấy bước chân, cậu liền quay đầu lại nhìn thì thấy cha vẫn đứng ở đó nhìn cậu…
Đại Tương nhớ lại ngày còn nhỏ, mỗi lần được cha đưa tới trường, đều là cảnh tượng như lúc này. Hai con mắt của cậu bỗng trào nước mắt.
Sau bữa cơm tối của ngày hôm ấy, Đại Tương lại theo các bạn đi đến quán internet bên cạnh trường học. Sau 5 giờ chơi miệt mài, cậu lại trở về phòng ký túc xá bằng cách trèo qua bờ tường quen thuộc. Ngay vào thời khắc, Đại Tương trèo lên bức tường bao, trong lòng cậu nhói đau….Bởi cậu nhìn thấy cha cậu đang nằm lên những bìa giấy các tông ở một góc tường bao qua ánh đèn mờ mờ. Trên đầu cha còn quấn một chiếc khăn mà ngày cấp 3 Đại Tương vẫn thường quàng cổ.
Hóa ra, cha của Đại Tương nghe tin cậu bị ốm thì lập tức xin phép nghỉ một buổi làm để lên thăm cậu. Ông không mua được vè ngồi, lại nhất định không mua vé giường nằm vì sợ tốn tiền nên ông đã đứng hơn 15 tiếng đồng hồ trên xe. Do mệt quá, ông đã nằm nghỉ luôn trên các bìa giấy các tông.
Đại Tương khóc nức nở, nhưng biết rõ tính cách của cha, nếu như lúc đó cậu có đánh thức cha dậy thì ông cũng một mực nằm lại đó. Cho nên cậu đã lặng lẽ trở về ký túc xá, trong lòng vô cùng đau đớn.
Đại Tương không hề kể câu chuyện ấy với cha mẹ. Từ đó, cậu đã không còn chơi điện tử và cũng không bao giờ lãng phí một đồng tiền nào nữa. Cũng kể từ ngày hôm đó, cậu đã âm thầm bắt đầu ghi chép các khoản chi tiêu vào cuốn sổ này.
Cha của Đại Tương chính là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều những người cha yêu thương con một cách âm thầm lặng. Thật may, Đại Tương vô tình gặp hình ảnh người cha mình co ro ở góc tường mà tỉnh ngộ. Ở ngoài kia, còn rất nhiều những đứa con không nhìn thấy được, thậm chí không nghĩ tới được “góc tường yêu thương” ấy của cha.
Khi con sợ hãi, tình thương của cha là bước đệm cho con.
Khi con tăm tối, tình thương của cha là ánh sáng chiếu rọi.
Khi con khô cạn, tình thương của cha là giọt nước.
Khi con cố gắng, tình thương của cha là trụ cột tinh thần.
Khi con thành công, tình thương của cha lại là sự khích lệ và dẫn lối.Cha chính là như vậy đó! Là cơn mưa đúng lúc, là viên than hồng trong tuyết lạnh giá. Dù không thường xuyên ở bên cạnh như mẹ, nhưng lại luôn luôn là bầu trời xanh vào những thời khắc mấu chốt trong cuộc đời chúng ta.
Theo daikynguyenvn.com