Tinh Hoa

Cuốn cổ thư kỳ diệu “Sơn Hải Kinh”: Nhiều ‘thần thoại’ đã trở thành thực tế

Nói đến những câu chuyện thần kỳ trong “Sơn Hải Kinh”, hầu hết chúng ta đều cảm thấy rất đặc sắc, nhưng do hạn chế của thời gian và thất thoát trong quá trình lưu truyền, nên có lẽ rất ít người đã đọc hết toàn bộ cuốn sách ấy. Một điều bất ngờ là khá nhiều chi tiết được cho là “hư cấu” trong “Sơn Hải Kinh”, nay lại được phần nào hé mở bởi các nhà khoa học… 

Sơn Hải Kinh
Trong “Sơn Hải Kinh” thật sự có ghi chép về hiện tượng trường sinh bất lão. (Ảnh qua Soundofhope)

Là một cuốn sách cổ, “Sơn Hải Kinh” quả thực gây ra rất nhiều tranh cãi, bởi trong đó có quá nhiều ghi chép kỳ quái. Không chỉ có những loài dã thú với hình dạng khác thường, những chủng người kỳ lạ với phong tục tập quán khác hẳn nhân loại, những sinh vật dường như chỉ có trong Thần thoại, mà còn có cả những vùng đất bí ẩn mà người ta chưa hề nghe hoặc biết đến. 

Rất nhiều chủng người và sinh vật được miêu tả trong sách ngoài việc sở hữu pháp lực cao cường không gì lay chuyển nổi ra còn có khả năng tái sinh, thậm chí đạt đến tuổi thọ hàng ngàn năm, trường sinh bất lão. Điều này tuy huyền diệu bí ẩn, nhưng trải qua bao đời nay vẫn khiến thế nhân không khỏi tò mò, khao khát khám phá. 

Những ghi chép về sự trường sinh bất lão

Hiện tượng trường sinh bất lão được ghi chép trong “Sơn Hải Kinh” có đúng không? Những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, điều này không đơn thuần là sự tưởng tượng của người xưa, hay chỉ là thứ trong truyền thuyết, mà nó thật sự có tính khoa học và khả thi!

“Sơn Hải Kinh” có ghi chép về tộc người da trắng sống hàng nghìn năm, người da đen bất tử, rắn chín đầu, bò đi bằng một chân,… Ngoài ra, sách cũng đề cập đến việc cải lão hoàn đồng và luân hồi. Ai cũng biết “luân hồi” là khái niệm thường được nhắc đến trong Phật giáo và Đạo giáo, từ này có nghĩa là từ cõi chết sống lại, đầu thai vào kiếp khác, một vòng luân hồi sinh tử. Người xưa tin rằng vạn vật trên đời đều có luân hồi, trên thực tế khi câu nói này chưa xuất hiện trong Phật giáo và Đạo giáo thì “Sơn Hải kinh” đã có ghi chép rồi.

Những sinh vật kỳ lạ được ghi chép trong “Sơn Hải Kinh”. (Ảnh qua NTD)

Trong sách có viết về một quốc gia tên là Vô Khởi, người dân ở quốc gia này không sinh con cái, nhưng dân số không hề giảm, phần lớn đều sống trong hang động, bất kể là nam hay nữ đều chủ yếu là sống bằng hít khí trời, thỉnh thoảng ăn một ít bùn đất. Sau khi chết được chôn dưới đất, nhưng trái tim vẫn có thể đập và sau 120 năm sẽ hồi sinh. Vì vậy, người dân ở đây xem chết giống như ngủ, ngay cả khi họ không sinh con, cũng không ảnh hưởng đến dân số. 

Nói về sự trường sinh bất lão, trong “Sơn Hải Kinh” còn có ghi chép về một loại cây được gọi là “cây bất tử”, con người có thể kéo dài tuổi thọ và giữ được tuổi thanh xuân bằng cách ăn lá và quả của nó. 

Mặc dù ngày nay tuổi thọ trung bình của con người thường chỉ khoảng 70-80 năm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể kéo dài sự sống lâu hơn. Suy cho cùng, nguyên nhân khiến tuổi thọ của con người không thể kéo dài là do gen, môi trường, ăn uống, cảm xúc,…  nhưng thật ra, con người vẫn có thể đạt được đến khoảng 150 tuổi với một mức sống đạt chuẩn. 

Hơn nữa, một số nhà khoa học còn cho rằng, nếu khoa học đạt đến một trình độ nhất định, thì thông qua phương pháp tái sinh tuần hoàn các tế bào, con người có thể kéo dài tuổi trẻ và dần dần chạm đến sự trường sinh bất lão. Có vẻ như chuyện người ta có thể tái sinh, sống hàng ngàn năm hoặc bất tử trong “Sơn Hải Kinh” cũng là dựa trên những nguyên tắc khoa học cổ xưa mà nay đã bị thất truyền.

Cây bất tử được miêu tả trong Sơn Hải Kinh. (Ảnh qua Soundofhope

“Sơn Hải Kinh” có miêu tả về địa lý và giới sinh vật ở Châu Mỹ?

Khi nghiên cứu phần “Đông sơn kinh” trong “Sơn hải kinh”, cố học giả người Mỹ, Tiến sĩ Henriette Mertz đã rất ngạc nhiên khi thấy một số ngọn núi được miêu tả trong cuốn sách này giống với những ngọn núi ở Hoa Kỳ. 

Do đó, Mertz quyết định thực hiện một cuộc khảo sát thực địa theo các vị trí mà “Sơn hải kinh” đã đánh dấu. Phương pháp của bà là: trong sách nói đi về phía Nam, thì cứ đi về phía Nam, nói đi 300 dặm, thì cứ đi 300 dặm, để xem sẽ thấy những gì.

Nữ học giả người Mỹ đã phát hiện nhiều dãy núi ở Mỹ đều được nhắc đến trong Sơn Hải Kinh. (Ảnh qua Wikipedia)

Mertz cứ thế đi khắp nẻo đường, lội suối trèo đèo. Sau rất nhiều nỗ lực, bà đã khảo sát dãy núi Rocky ở miền trung và miền Tây Hoa Kỳ, dãy núi Sierra Nevada, dãy núi Cascade và dãy núi Coast ở bờ biển Thái Bình Dương. Hướng núi, đỉnh núi, hướng sông, động thực vật,… của 4 dãy núi trên hoàn toàn trùng khớp với những ghi chép trong “Đông sơn kinh”. Nếu chuyển đổi “dặm” của người Trung Hoa cổ đại sang “dặm Anh” (1 dặm Anh tương đương khoảng 3 dặm Trung Hoa), thì khoảng cách giữa các núi đều trùng khớp.

Trong sách không chỉ miêu tả địa hình của châu Mỹ, mà còn miêu tả cảnh quan địa phương, miêu tả sinh động và chính xác những viên đá đen, thỏi vàng ở Nevada; hải cẩu, thú có túi châu Mỹ biết giả chết ở vịnh San Francisco…

Chẳng hạn “Đông sơn kinh” có ghi chép một loài động vật gọi là ‘cừu dư’: “Có loài thú, hình dáng như thỏ, có mỏ loài chim, mắt cú mèo, đuôi rắn, thấy người thì ngủ, tên gọi cừu dư”. Nếu bạn nhìn thấy con cừu dư châu Mỹ (Dasypodidae) thì chắc chắn bạn sẽ không hoài nghi gì nữa, nó không chỉ giống thỏ về thể hình, mà đôi tai dài cũng giống. Loài này khi gặp nguy hiểm thì liền co lại, hoàn toàn bất động như đang ngủ.

Cừu dư trong “Sơn Hải Kinh” là một loài động vật ở châu Mỹ (Ảnh qua Wikimedia Commons).

Ngoài ra “quang hoa chi hậu” (ánh sáng rực rỡ), “hà thủy lưu tiến vô thâm uyên” (nước sông chảy xuống vực sâu), “nhật sinh như thử” (mặt trời lên)… được miêu tả trong Chương 14 “Đại Hoang đông kinh”, bất cứ ai đã đi du lịch và ngắm mặt trời mọc ở Grand Canyon, Colorado, Bắc Mỹ sẽ thấy rõ rằng đoạn văn này trong “Sơn hải kinh” chính là chỉ nơi đây.

Mertz cho rằng: “‘Sơn hải kinh’ được người Trung Quốc coi là Thần thoại trong 2.000 năm qua, nhưng tác phẩm này không phải là một Thần thoại, mà là một bản ghi chép chân thực. Văn kiện quý giá được lưu trữ trong thư viện này, cung cấp đủ bằng chứng cho thấy người Trung Quốc đã đến châu Mỹ để thăm dò vào hơn 2.000 năm trước Công nguyên, và những tài liệu tương tự như ‘Sơn hải kinh’ cho đến nay vẫn còn rất khan hiếm”.

Tất nhiên, còn có rất nhiều câu chuyện huyền diệu khác trong cuốn “Sơn Hải Kinh”. Như vậy, “Sơn Hải Kinh” không đơn thuần chỉ là một loại sách văn học dân gian ghi lại một số Thần thoại như chúng ta thường nghĩ, mà trong đó còn chứa đựng những miêu tả về địa lý thế giới, y học… 

Nội dung trong sách có giá trị nghiên cứu vô cùng lớn, có thể được gọi là kho báu của nền văn minh phương Đông cổ đại. Đối với người đời sau mà nói, cuốn sách có giá trị không gì có thể sánh được trong việc tìm hiểu về tổ tiên và nền văn minh tiền sử.

Thế Di (t/h)