Tinh Hoa

Cuộc trò chuyện giữa hai cha con và bài học sâu sắc để làm người

Nuôi dạy con cái luôn là việc khiến cho rất nhiều bậc làm cha làm mẹ phải đau đầu, hoặc là nuông chiều, hoặc là nghiêm khắc, đều sẽ tạo thành những ảnh hưởng phụ diện đối với sự trưởng thành của con cái sau này. Việc này không hề dễ, cần phải có những phương thức thích hợp.

Cuộc “trò chuyện cha con” dưới đây không chỉ khiến cho người ta bội phục tự đáy lòng, mà cũng sẽ khiến cho hàng nghìn hàng vạn các bậc làm cha làm mẹ phải suy nghĩ lại về phương thức giáo dục của bản thân mình, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với con cái…

Câu chuyện thứ nhất

Con trai 14 tuổi, học cấp hai. Một ngày về đến nhà, buồn bã không vui.

“Sao vậy? Có tâm sự gì sao? Kể cho ba nghe nào”.

Không có gì. Chỉ là không hiểu tại sao hai người bạn học chơi rất tốt với con, nhưng mấy ngày nay lại nói xấu con khắp cả trường”.

“Thế con có thấy bị tổn thương không?”.

“Cái này thì không có, ba à, điều con không hiểu là, con chẳng làm gì sai đối với họ mà ngược lại gần đây con rất xuất sắc đó nha!”.

Trong ánh mắt của con trai, hiện lên vẻ đắc ý.

“Con rất xuất sắc sao? Nào, con hãy nói thử xem là con xuất sắc như thế nào.”

“Thành tích học tập kỳ này của con đã đứng đầu so với 5 người trước đó, cuộc thi viết văn thì giành được giải nhất, cuộc thi diễn thuyết cũng đứng đầu, đội thi bóng rổ giành được giải quán quân, cá nhân con đã được bình chọn là một trong mười vận động viên xuất sắc nhất, còn là ban cán bộ ưu tú nữa”.

“Dừng lại, con trai, con đang tìm đường chết đó!”. Lòng bàn tay tôi toát cả mồ hôi, có phần không khống chế được.

“Sao vậy, ba?”.

“Con trai, con đã phạm vào điều đại kỵ của đời người rồi đó! Suốt cuộc đời này của ba, vẫn chưa từng thấy ai chết vì ngốc nghếch, nhưng trái lại đã thấy có quá nhiều người chết bởi tài năng. Tai nạn của con người ta, không phải là vì họ đã làm sai điều gì, mà là vì họ đã lấy đi quá nhiều. Con trai, con đã lấy quá nhiều rồi, đã lấy quá nhiều vinh dự rồi đó”.

“Vậy ba ơi, con phải làm sao đây?”.

“Chí ít trong vòng một năm, cấm tất cả cuộc thi, cấm bất luận cái gì liên quan đến bình chọn; cái này gọi là song cấm. Con người ta cần có năng lực trở thành ưu tú, càng phải có năng lực làm người khác trở thành ưu tú! Vinh dự tựa như cây hoa hồng, nhìn thì đẹp đẽ, nhưng cầm vào thì sẽ bị gai đâm”.

“Một năm sao?  Những cái khác đều có thể, chỉ là bóng rổ thì…”

” Được, cấm hai tháng bóng rổ!”.

Con trai nhận lời.

Lão Tử từng nói “không dám đứng trước thiên hạ”. Những người có vinh dự khắp thiên hạ, tất có khả năng hủy khắp thiên hạ vậy.

Câu chuyện thứ hai

Con trai 14 tuổi rưỡi, song cấm đã được hai tháng, về đến nhà.

“Ba ơi, sau khi song cấm, mối quan hệ với các bạn học đã hòa hợp rất nhiều, nhưng nhiều người vẫn bàn ra tán vào”.

“Bàn tán gì vậy con?”

“Rất nhiều thầy cô cùng bạn học đều cho rằng con quá tiêu cực, không cầu tiến”.

“Ha ha, làm người đương nhiên cần phải tích cực, mấu chốt là tích cực để giành lấy, hay là tích cực để cho đi; là tích cực cạnh tranh, hay là tích cực khiêm nhường.”

“Đối với cái gì, cũng đều khiêm nhường cả sao, cha?”.

“Đúng vậy, đều có thể nhường, danh, lợi, quyền đều có thể nhường; chỉ có một thứ là tuyệt đối không thể nhường.”

“Là gì vậy ba?”

“Việc nhân đức thì bản thân chớ nhường cho ai!”.

“? ? ?”

“Cũng chính là: Việc quét rác giúp đường phố sạch đẹp mà không ai làm thì con cứ tự mình làm; khi người khác cần giúp đỡ thì con không từ chối. Khi quốc gia nguy nan, phàm những việc đại nhân đại nghĩa, quyết không thoái nhường”.

“Việc nhân đức không nhường ai! Con đã hiểu rồi, đây mới gọi là tích cực cầu tiến!”

Vẩy nước quét nhà, khéo léo ứng xử, biết tiến biết lùi, đây là gốc rễ của lập thân vậy.

Câu chuyện thứ ba

Con trai 15 tuổi, nghỉ hè. Tôi được mời dự tiệc, dẫn con đi cùng.

Trên đường đi, vẻ mặt của con cứ thấp thỏm lo âu. Buổi tối, khi khách đã ra về hết cả, tôi hỏi:

“Con trai, con sao thế, không được khỏe à?”.

“Không có, ba ơi, chỉ là có chút bất an”.

“Bất an?”.

“Vâng, sáng nay ra ngoài: ngồi máy bay, là hàng ghế sang nhất; xuống máy bay, đi xe sang trọng; ở khách sạn, chẳng khác gì nơi của tổng thống? Con nhớ thầy từng nói với con rằng: đức không xứng chỗ, tất có tai ương”.

Tôi nhất thời không biết nói gì.

“Ba ơi, ba vì mọi người mà bôn ba vất vả, có đức, vì vậy các chú các dì mới khoản đãi ba như vậy, ba có thể tiếp nhận là điều đương nhiên; còn con thì khác, con vẫn còn là một học sinh, còn chưa từng làm được bất kỳ cống hiến gì cho xã hội cả, vậy mà lại hưởng đãi ngộ như vậy, gọi là đức không xứng chỗ, từ nay về sau e sẽ có chuyện chẳng lành?”.

“Con trai, ba thật sự rất vui mừng!”, tTôi xúc động, sờ sờ đầu của con, “Ba đã yên tâm rồi, con đã trưởng thành rồi! Dựa vào lời này của con, một đời này của con sẽ không có tai họa lớn!”.

Tôi rất vui mừng, mừng đến chảy nước mắt.

“Con trai, như vậy đi, tối nay con hãy ngủ dưới sàn, ngày mai con đi xin làm việc công ích xã hội, thế nào?”.

“Thế thì tốt quá, ba ơi, lần này con có thể ngủ ngon giấc rồi”.

Một người có phẩm chất đạo đức sâu dày, mới có thể trở thành bậc vĩ nhân, một người tự cường, mới có thể trở thành anh hùng được.

Câu chuyện thứ tư

Con trai 15 tuổi rưỡi, thành tích ưu tú, thi vào trường phổ thông có danh tiếng.

Một ngày kia, nhà có người nhàn rỗi đến chơi, xúi bậy mẹ tôi đưa phong bì cho giáo viên chủ nhiệm. Mẹ không khỏi động tâm.

“Bà nội, nghe nói bà muốn gửi phong bì cho thầy chủ nhiệm của con?”.

“Đúng vậy. Nghe nói bây giờ thịnh hành cái này lắm, đối với thầy cô đây gọi là lễ nghĩa”.

“Lễ nghĩa? Trước giờ con chưa từng nghe nói!”.

“Thằng nhóc như con thì biết gì chứ, ba mẹ của con không ở nhà, bà nội sẽ làm chủ, chúng ta không thể thất lễ được”.

“Bà nội, bà muốn đưa thật sao?”.

“Còn giả được nữa sao, phong bì cũng đã chuẩn bị xong rồi, ngày mai bà sẽ tự mình đi gặp thầy chủ nhiệm của con”.

“Bà nội, nếu như ngày mai bà làm vậy thật, con sẽ không đi học nữa, bà làm như vậy, chính là một sự sỉ nhục đối với thầy chủ nhiệm của con. Ông sẽ không nhận đâu, đến lúc đó, việc này sẽ khiến con rất mất mặt, không thể ngẩng cao đầu nhìn mặt các bạn học được”.

“Thằng nhóc này, không nghe lời, bà là vì muốn tốt cho con, sợ con chịu thiệt?”, giọng mẹ tôi có phần tức giận.

“Bà nội, con biết bà thương con, nhưng bà cần phải tin tưởng con, tin tưởng đứa cháu này của bà có năng lực, dù cho không gửi phong bì đi nữa, thầy cô cũng sẽ quý mến con”.

Mẹ bị những lời ngay lý thẳng của đứa cháu chọc cười. Sau khi nghe được câu chuyện này, tôi lặng lẽ khen con.

Những gì nên làm, những gì không nên làm, cần hỏi kỹ lương tâm của bản thân mình! Là bậc quân tử, nhất định sẽ quang minh lỗi lạc!

Câu chuyện thứ năm

Con trai 16 tuổi, năm phổ thông năm nhất. Việc học nặng nề, Chủ Nhật trở về nhà.

“Ba ơi, con muốn từ bỏ chức vụ đội trưởng phòng phát thanh của trường”.

“Tại sao?”

“Học sinh phổ thông, mục tiêu đã vô cùng rõ ràng, chính là thi vào trường học danh tiếng, phần nhiều không nguyện ý đảm nhận các việc công cộng. Còn con vừa làm lớp trưởng, vừa làm cán bộ đoàn, nhất là công tác đài phát thanh vô cùng tất bật, lại còn làm người phụ trách, các bạn học nhìn nhận rằng con rất ngốc”.

“Công việc này có quan trọng không?”.

“Rất quan trọng, trong trường không có truyền hình, không thể lên mạng, còn không thể tùy tiện đi ra khỏi cổng trường, vì vậy, phát thanh gần như là con đường duy nhất giúp hàng ngàn học sinh biết được thời sự, thư giãn đầu óc”.

“Vậy nếu con không làm nữa, thì có người nào thích hợp nguyện ý làm không?”.

“Tạm thời không có. Thầy cô thấy con khá là thích hợp”.

“Thế thì việc đáng làm thì hãy làm, cần làm một người nghĩa khí”.

“Nhưng mà, ba ơi, như vậy sẽ chiếm dụng thời gian học tập, ảnh hưởng đến thành tích học tập!”.

“Thật không? Giả dụ, người nhà đều bệnh cả, con chỉ có một nửa thời gian so với những bạn học khác để dành cho việc học, vậy con sẽ phải làm sao?”.

“Con sẽ cố gắng sắp xếp thời gian cho thật tốt, nâng cao hiệu suất học tập”.

“Ha ha, vì để con trở thành người như vậy, ba và mẹ đều nguyện ý ngã bệnh”.

“Đừng! Ba ơi, con đã hiểu rồi, cảm ơn công tác trong phòng phát thanh, cảm ơn thầy cô?”.

Con trai, quan niệm mâu thuẫn về thời gian được cái này hay mất cái kia là cái cớ vĩnh viễn của những kẻ ngu si. Rất nhiều người khi làm việc, nói gia đình ảnh hưởng sự nghiệp; khi ở nhà, nói sự nghiệp để lỡ tình thân, đây là những người vô sỉ. Một đời này của người ta, cha mẹ, vợ con, bạn bè, bề trên, chúng sinh đều cần phải chăm lo cho tốt, đây là một loại trí huệ và sức mạnh.

Câu chuyện thứ sáu

Con trai mười sáu tuổi rưỡi, tình cảm chớm nở. Vợ nói với tôi, con trai đã thích một bạn học nữ.

“Con trai, đến đây một chút”.

“Ồ, ba, có chuyện gì vậy ạ?”

“Gần đây, ba thấy con, lúc vui lúc buồn, thần sắc bất định, có tâm sự sao?”.

Thằng bé cúi gầm mặt xuống, thổ lộ tất cả, mặt đỏ ửng cả lên.

“Hà, đây là chuyện tốt mà, nói rõ con trai của ba có cảm tình với người ta, vốn bình thường mà, ba đã yên tâm rồi”.

“Vâng”

“Bây giờ rất nhiều thanh niên, không có hứng thú với con người, mà chỉ có hứng thú với máy vi tính; không có hứng thú với người khác giới, mà chỉ có hứng thú với người đồng giới. Nếu mà như vậy, ba sẽ hổ thẹn mà chết trước bài vị tổ tiên thôi. Ha ha”.

“Ba ơi, con còn tưởng rằng ba sẽ mắng con cơ đấy, khiến con bị dày vò rất nhiều ngày nay”. Con trai cũng vui vẻ hẳn lên, trong chốc lát đã thoải mái hơn nhiều.

“Con trai, ba kiểm tra con một chút nhé”.

“Vâng, ba hãy ra đề đi”.

“Thế nào là lễ?”.

“Nói một cách đơn giản, lễ chính là quan hệ hợp lẽ nhất giữa người với người và giữa người với vạn vật trong trời đất”.

“Nói hay lắm! Như vậy, con với bạn học nữ kia là quan hệ gì?”.

“Quan hệ bạn học ạ!”.

“Tốt, quan hệ bạn học! Như vậy, duy trì mối quan hệ bạn học gọi là hợp lễ, vượt quá quan hệ này chính gọi là phi lễ. Đạo lý này con hiểu không, con trai?”.

“Dạ hiểu, thưa ba. Từ 6 tuổi con đã bắt đầu đọc Kinh, đến nay cũng đã 10 năm rồi. Đạo lý này cũng không hiểu, thế thì làm sao xứng được với sự dạy bảo vất vả của ba và mẹ đây”.

“Chỉ hiểu vẫn chưa đủ, thế nào mới có thể làm được?”,  giọng điệu nghiêm nghị.

“Kiềm chế bản thân, tuân theo lễ nghĩa, thưa ba!”, ngữ khí trang nghiêm.

Từ đó, con trai đã thuận lợi trải qua “tuổi thanh xuân”, hứng thú văn thơ, hành theo lễ nghĩa, vui với âm nhạc.

Những người trí tuệ sẽ có rất nhiều cách khiến cho vấn đề vốn nan giải được giải quyết dễ dàng, chính như những gì được nói đến trong bài viết, nhà nào nhà nấy đều sẽ gặp phải vấn đề nuôi dạy con cái, dưới sự dẫn dắt khéo léo của người cha này, con trai đã học được rất nhiều đạo lý trong cuộc đời, từ đó mà trở thành một người có ích cho xã hội.

Tiểu Thiện, dịch từ Soundofhope