Con người khi đến tuổi trung niên, thế nào mới là cuộc sống tốt nhất? Trong một ngàn người, có một ngàn câu trả lời khác nhau. Nhưng chung quy lại, cuộc sống tốt nhất không gì bằng trong túi có tiền, trong thân khỏe mạnh, trong lòng vô sự.
1. Trong túi có tiền
“Đạo Đức Kinh” có nói: “Đại thành nhược khuyết, kỳ dụng bất tệ”, nghĩa là, thứ hoàn hảo nhất trông thì rất khiếm khuyết nhưng chúng ta không nên xem thường vai trò của nó.
Mọi việc đều có hai mặt, chẳng hạn lấy tiền làm ví dụ. Tiền không phải là thứ vạn năng, nhưng thiếu tiền thì lại không thể làm được việc gì.
Một người trước tiên cần phải nuôi dưỡng chính mình, hiếu thảo cha mẹ, dưỡng dục con cái, sau đó mới có tư cách nói tiền không phải là tất cả.
“Người nghèo khổ khó tránh nản chí”, đạo lý nằm trong đó có lẽ chỉ những ai từng trải qua cảnh không có tiền mới hiểu. Tuy vậy, không chỉ là bá tánh người thường, mà ngay cả bậc Cửu Ngũ Chí Tôn cũng từng phiền muộn vì tiền.
Lúc Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận đánh thiên hạ giành chính quyền, một ngày nọ ông bị bại trận, trong lúc tháo chạy vừa đói vừa khát, trùng hợp lại gặp được một vườn dưa. Ông lão trông dưa bảo rằng: “Dưa hấu một đồng một quả, không ngọt không lấy tiền”.
Triệu Khuông Dận trên người không một xu dính túi, ăn liên tục ba quả dưa đều bảo không ngọt. Ông lão nhìn thấu mánh khóe của Triệu Khuông dận, liền quát lên: “Nhìn ngươi tướng mạo cũng đàng hoàng, sao có thể làm ra chuyện như vậy chứ!”.
Con người khi có kinh tế độc lập, mới có thể hỗ trợ tính độc lập trong tư cách. Kinh tế không độc lập, hoặc là sẽ phải phụ thuộc người khác, hoặc bản thân phải chịu ấm ức, xấu hổ vì túi rỗng, không dám thẳng lưng, nói chuyện làm gì cũng phải nhường nhịn.
Tiền không cần có nhiều, nhưng phải đủ dùng, để có thể theo kịp bước chân trưởng thành của con cái, tốc độ già đi của cha mẹ. Trong túi có tiền, bản thân và gia đình mới có mặt mũi, có tôn nghiêm để sống.
2. Trong thân khỏe mạnh
“Đạo Đức Kinh” có nói: “Danh dữ thân thục thân? Thân dữ hóa thục đa? Đắc dữ vong thục bệnh?”. Ý nói, danh tiếng và tính mạng cái nào nặng cái nào nhẹ? Tính mạng và tiền tài cái nào nặng cái nào nhẹ? Có được và mất đi, cái nào nặng cái nào nhẹ?
Lão Tử đã chỉ ra một chủ đề cuộc đời cho chúng ta: Con người sống cả đời, tiền, địa vị, danh vọng, được mất, cái nào quan trọng hơn? Tất cả đều không phải, đứng ở vị trí đầu tiên, vĩnh viễn là sức khỏe.
Sức khỏe là nền tảng của đời người, là sự bảo hộ mọi hạnh phúc thế gian. Sức khỏe giống như số 1, gia đình, sự nghiệp, địa vị, tiền tài đều là số 0.
Có người nói: “Có tiền mà không có sức khỏe, mọi thứ đều công cốc”. Tục ngữ lại nói “Một cơ thể khỏe mạnh là hạnh phúc lớn nhất”. Điều này thông thường rất khó thấy được, người trải qua bệnh tật mới khắc sâu sự trải nghiệm này.
Cuộc sống ai ai cũng truy cầu lợi ích, không tiếc cả việc tổn hại đến sức khỏe bản thân. Lúc trẻ thì lấy sức khỏe đổi tiền, sau này lại lấy tiền mua lại sức khỏe. Lão Tử cho rằng, đây là một loại bệnh.
Người đến tuổi trung niên mới hiểu được, cơ thể không chỉ thuộc về bản thân, mà hạnh phúc của gia đình mình cũng thuộc về cơ thể này. Lỡ khi bị bệnh, bản thân không chỉ chịu đựng bệnh tật, còn liên lụy cả gia đình phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề.
Sức khỏe là một dạng trách nhiệm, bảo vệ sức khỏe không chỉ là cho bản thân, mà còn là trách nhiệm với gia đình. Yêu bản thân, yêu gia đình thì hãy chăm sóc thật tốt sức khỏe của chính mình.
3. Trong lòng vô sự
“Đạo Đức Kinh” có nói: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc”, ý rằng khi hư không đến cùng cực, sẽ hết sức yên tĩnh. Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng, tức là đạo. Trở về căn nguyên thì tĩnh, tĩnh là bản tính của mọi vật. “Thủ tĩnh đốc” chính là giữ cho tâm linh được tĩnh lặng, ổn định, không bị ảnh hưởng tác động thì có thể nhìn thấu tỏ nhiều điều.
Cái gọi là “hư”, chính là xóa sạch những tạp niệm, dục vọng trong lòng. Tâm người giống như một căn phòng, nếu nhét quá nhiều thứ thì ánh đèn có sáng đến mấy cũng không thể chiếu xuyên thấu qua được.
Cái gọi là “tĩnh”, chính là phải bình tĩnh, yên định, trong lòng không có phiền não, không động tâm các thứ bên ngoài.
Thế gian này không ngừng biến hóa, sẽ luôn có thứ đến làm phiền lòng bạn. Nội tâm nếu vì tác động bên ngoài mà chuyển biến, thì bản thân sẽ càng ngày bốc đồng, càng ngày bất an. Nội tâm bình tĩnh sẽ không còn rối loạn, tâm thái thoải mái tự do.
Có nhiều lúc, phiền não đều là tự bản thân tìm đến. Thế gian vốn vô sự, nhưng bạn lại toàn lo sợ không đâu. Muốn thoát khỏi lồng giam của sự phiền não thì phải buông mọi tạp niệm trong lòng xuống. Duy trì một tâm thái vô lo, mới có thể hưởng thủ yên bình.
Trong túi có tiền, cả đời sống không phiền muộn; thân không bệnh tật, một nhà vui vẻ hòa thuận; trong lòng vô sự, nội tâm thoải mái. Chúc mọi người có cuộc sống bình yên, gia đình hạnh phúc, tâm trạng vui vẻ!
Nhật Hạ biên dịch