Cuộc đời và tài sắc của vị nữ hoàng này là một “ẩn số” luôn thôi thúc các nhà khảo cổ trên khắp thế giới tìm hiểu.
Ngược dòng thời gian hơn 100 năm về trước, chính xác là năm 1912. Một nhóm khảo cổ người Đức do Ludwig Borchardt dẫn đầu đã tiến hành khai quật thành phố cổ Amarna. Đây là thành phố gắn liền với thời gian trị vì của Nefertiti và chồng của bà, Pharaoh Akhenaten IV.
Nhóm các chuyên gia đã phát hiện ra bức tượng bán thân đẹp tới mức hoàn hảo, bị vùi lấp trong đống đổ nát, khắc họa gương mặt tuyệt trần của người phụ nữ nổi tiếng quyền lực thời Ai Cập cổ đại.
Hiện nay, bức tượng bán thân nổi tiếng của nữ hoàng Nefertiti được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng Berlin, Đức.
Bức tượng tạc một gương mặt thanh tú với chiếc mũi chim ưng và xương gò má cao, tôn lên vẻ đẹp sắc sảo, đầy cuốn hút của nữ hoàng. Trên đầu Neferititi đội chiếc vương miện màu xanh, chiếc cổ thon vươn cao đầy vẻ kiêu hãnh cùng nụ cười bí ẩn trên đôi môi đỏ.
Tuy nhiên, ở bức tượng này là mới chỉ hoàn thành một bên mắt, càng làm cho hình mẫu của nữ hoàng trở nên huyền bí lạ thường.
Vì sao Ai Cập luôn đấu tranh “đòi” quyền sở hữu bức tượng?
Bức tượng bán thân của nữ hoàng Nefertiti là một cổ vật vô giá đối với “xứ sở kim tự tháp”. Nefertiti là không chỉ là “nữ thần sắc đẹp” mà còn là một nhân vật quyền lực bậc nhất, tạo bước ngoặt thay đổi trong văn hóa Ai Cập cổ đại.
Bức tượng luôn được coi là tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, phản ánh rõ rệt thời kỳ nở rộ về tạc tượng chân dung lên đến đỉnh cao.
Trong thời kì trị vì của mình, Nefertiti đã ghi dấu ấn rất mạnh mẽ về sự thống trị tôn giáo và quyền lực quân chủ tối cao. Do đó, có rất nhiều nghệ nhân tạc tượng Nefertiti. Nhưng tính đến nay, bức tượng cổ 3400 năm vẫn được coi là hình mẫu chân thực, chính xác và chuẩn mực nhất về vị nữ hoàng đẹp “nức tiếng” Ai Cập.
Theo nhà văn Michelle Moran, tác giả của cuốn tiểu thuyết lịch sử “Nefertiti” nhận xét về bức tượng cổ: “Bà ấy như tạo ra ma lực. Nhìn vào gương mặt đó, bạn sẽ bị sắc đẹp ấy mê hoặc.”
Trong nhiều thập kỉ qua, rất nhiều lần Ai Cập gửi yêu cầu Đức trả lại bức tượng cổ cho Ai Cập nhưng đều bị nước này tìm cách từ chối. Thậm chí, Ai Cập đã từng đưa ra yêu cầu được triển lãm bức tượng nữ hoàng Nefertiti ở Ai Cập với Đức, nhưng chính phủ Đức đã từ chối với lý do “bức tượng là vật dễ vỡ, không thể vận chuyển với lộ trình xa”.
Trước đó, ngay cả người đứng đầu Đức quốc xã – Adolf Hitler cũng phải “mê mẩn” trước vẻ đẹp của Nerfertiti. Có thông tin cho biết, khi Ai Cập đòi Berlin trả lại bức tượng hồi những năm 1930, Hitler đã tìm mọi cách để chối từ.
Đôi nét về nữ hoàng Ai Cập Nefertiti
Nefertiti (1370-1330 TCN) là một trong những nữ hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập. Bà là chính cung hoàng hậu của Pharaoh Amenhotep IV.
Nữ hoàng Nefertiti đã cùng chồng thực hiện cả một cuộc cách mạng về tôn giáo khi đưa ra quyết định chỉ tôn thờ một vị thần duy nhất. Đó là thần Aten hay thần Mặt Trời.
Ngoài ra, theo phán đoán của các nhà sử học cho biết, Nefertiti rất có thể là mẹ kế của Pharaoh lừng danh Tutankhamun, người đã để lại cho đời sau một kho tàng cổ vật vô giá trong hầm mộ của mình.
Theo các giả thuyết lịch sử, có thể Nefertiti đã trị vì Ai Cập trong một thời gian ngắn ngay sau cái chết của Amenhotep IV và trước khi Tutankhamun lên kế vị. Nhưng do quá trình cai trị hà khắc về tôn giáo có thể là nguyên nhân dẫn đến sự mất tích và cái chết đột ngột của vị nữ hoàng tài sắc và quyền lực.
Hiện nay, các nhà khảo cố hàng đầu thế giới vẫn đang nỗ lực tìm kiếm lối vào hầm mộ của nữ hoàng Nefertiti trong Thung lũng các vị vua ở Ai Cập. Nếu cánh cửa hầm mộ của Nefertiti được mở ra, rất có thể những nghi vấn lịch sử bấy lâu nay về thế giới Ai Cập cổ đại sẽ được hé mở.
Theo Soha