Tinh Hoa

Cuộc đời 7 anh hùng thời Tam Quốc: Cái tên nói lên số phận

Thời kỳ Tam Quốc đã tạo nên biết bao anh hùng kiệt xuất, mãi lưu danh cho hậu thế. Nếu để ý kỹ chúng ta sẽ phát hiện rằng, ngay từ cái tên và biệt hiệu của họ, đã định hình nên số phận của chính họ.

Thời kỳ Tam Quốc đã tạo nên biết bao anh hùng kiệt xuất, mãi lưu danh cho hậu thế. (Ảnh: Sohu)

Chúng ta cùng tìm hiểu tên của một số anh hùng thời Tam Quốc để xem tên và tự có ảnh liên quan thế nào đối với vận mệnh của họ.

1. Tào Tháo, tự Mạnh Đức

“Tháo” nghĩa là tiết tháo, đức hạnh. Mạnh Đức là đức lớn, do đó tên và tự gần nghĩa, bổ sung, tăng cường cho Tháo. Hồi nhỏ Tháo còn có tên nữa là Cát Lợi, nghĩa là may mắn. Chính vì có đức lớn, tiết tháo, lại có may mắn nên Tào Tháo tuy xuất thân từ gia đình bình thường mà sau này được làm  Ngụy Vương.

Tào Tháo đúng là bậc anh hùng tiết tháo, tài đức khiêm bị. Ông đích thân dẫn quân nam chinh bắc chiến, đánh tan giặc Khăn Vàng, dẹp loạn Đổng Trác, tiêu diệt Lã Bố, Viên Thuật, Viên Thiệu, bình định Tây Lương. Khi quyền khuynh loát thiên hạ, nhiều người khuyên ông thay nhà Hán xưng đế, nhưng ông nhất mực từ chối, một lòng “Phụng thiên tử, lệnh chư hầu”.

Chính vì có đức lớn, tiết tháo, lại có may mắn nên Tào Tháo tuy xuất thân từ gia đình bình thường mà sau này được làm  Ngụy Vương. (Ảnh: Bestchinanews)

Tào Tháo chỉ nhận là Ngụy vương, mặc dù nước Ngụy đang mạnh nhất, nhân tài theo Tào Tháo nhiều nhất, của cải, dân cư đông đúc nhất, binh lực cường thịnh nhất. Trong khi đó các chư hầu khác như Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Bị, Tôn Quyền đều lần lượt xưng Đế.

Ông được người đời sau đánh giá: “Tính kế bày mưu, đánh dẹp trong nước, tỏ phép hay của Thân, Thương, bày kế lạ của Hàn, Bạch, chọn dùng người hiền tùy vào tài năng, quyền biến ngang dọc, không hiềm thù cũ, rút cuộc nắm giữ mệnh vua, làm nên nghiệp lớn”.

2. Lưu Bị, tự Huyền Đức

Bị nghĩa là đầy đủ, sẵn sàng. Huyền Đức nghĩa là đức sâu xa, huyền bí, do đó nó bổ sung cho Bị. Huyền Đức ứng với Lưu Bị là dòng dõi nhà Hán, họ xa với vua, nên được thừa hưởng cái đức sâu xa của nhà Hán. Khi đã có chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ, lại có đức sâu xa thì từ anh nhà nghèo hàng ngày bện giày cỏ bán để mưu sinh đã trở thành Hoàng đế nhà Hán, tức Hán Chiêu Liệt Đế.

Lưu Bị là người cẩn thận, khéo che giấu chí lớn, chuẩn bị lực lượng chờ thời, nổi tiếng là người nhân đức, khiêm hạ, cung kính, hậu đãi hiền tài, để lại những điển cố “Đào viên kết nghĩa”, “Tam cố mao lư”. Và tích “Thanh mai chử tửu luận anh hùng” (mơ xanh uống rượu luận anh hùng), cho thấy chỉ có bậc anh hùng mới biết anh hùng: “Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia”.

Bị nghĩa là đầy đủ, sẵn sàng. Huyền Đức nghĩa là đức sâu xa, huyền bí, do đó nó bổ sung cho Bị. (Ảnh: Kknews)

3. Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh

Lượng nghĩa là sáng, soi sáng, thanh cao. Khổng Minh nghĩa là sáng suốt, thông suốt, là sự bổ sung tuyệt vời cho Lượng. Có lẽ vì sáng suốt, thanh cao, thông suốt nên ông là bậc tính toán như Thần. Nhưng khi Lưu Bị chết, ông vẫn cúc cung tận tụy nhà Hán. Đến nay danh tiếng ông vẫn được người đời ca ngợi và kính trọng.

Ông không những là nhà quân sự kiệt xuất, còn là nhà chính trị tài năng khi thu phục nhân tâm dân miền Nam, nhà phát minh đại tài với trâu gỗ ngựa máy, đèn trời, và nhà tiên tri. Gia Cát Lượng cũng là nhà văn hóa tư tưởng trong các tác phẩm ông để lại như Binh pháp, Mã tiền khóa, Xuất sư biểu, Giới tử thư. 

Gia Cát Lượng có tên hiệu là Ngọa Long Tiên Sinh, nghĩa là Tiên sinh rồng ngủ, ông có đủ tài đức làm bậc đế vương, khi được Lưu Bị phó thác, nhưng ông không có ý làm Hoàng Đế, cúc cung tận tụy đóng nốt vai diễn của mình rồi ra đi. Đời sau, Lưu Bá Ôn, một mưu thần giúp Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh, cũng là nhà quân sự, chính trị, tiên tri đại tài cũng phải khen Gia Cát Lượng rằng: “Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả”, ý nói cổ nhân và hậu nhân sau này đều không ai sánh bằng Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng có tên hiệu là Ngọa Long Tiên Sinh, nghĩa là Tiên sinh rồng ngủ, ông có đủ tài đức làm bậc đế vương. (Ảnh: ĐKN)

Cái chết và mộ của Gia Cát Lượng cho đến nay vẫn là một bí mật chưa có lời giải. Cuốn sách “Mã tiền khóa” của Gia Cát Lượng là cuốn sách tiên tri, đã đưa ra rất nhiều dự đoán sau khi ông mất, một trong các dự đoán chính xác đó là sự kết thúc của các triều đại phong kiến với hoàng đế cuối cùng tên Thống (Tuyên Thống) trong khóa thứ 9, và khóa thứ 10, tiên đoán ra đời nước cộng hòa vào năm Tý (chính xác năm 1912 Tôn Dật Tiên thành lập  nền Cộng hòa).

4. Tư Mã Ý, tự Trọng Đạt

Ý nghĩa là tốt đẹp, người có bốn nét đẹp: ôn hoà, nhu mì, sáng láng, chí thiện. Trọng Đạt nghĩa là thành đạt lớn, nó bổ sung cho Ý. Sinh ra trong gia đình bình thường thời tao loạn, gia đình ông đã phải chuyển nhà nhiều lần để lánh nạn, nhưng với cái tên là người ẩn nhẫn có chí lớn, nên ông đã làm đến Đại tướng, rồi Đại Thái phó, nắm trọn quyền lực nhà Ngụy để rồi cháu ông Tư Mã Viêm lập ra triều Tấn.

Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán, xuất quỷ nhập Thần, huyền ảo khôn lường, trong tay Gia Cát Lượng có nhiều tướng tài, lại phát minh ra trâu gỗ ngựa máy vận chuyển lương thực. Vậy mà 6 lần ra Kỳ Sơn đều bị Tư Mã Ý chặn đứng, cả 6 lần đều chịu thất bại rút lui, đủ cho thấy tài năng, mưu lược của Tư Mã Ý như thế nào.

Tư Mã Ý còn có tâm đại nhẫn, khi Gia Cát Lượng gửi cho y phục đàn bà, để sỉ nhục nhằm khích Ý xuất quân. Ý vẫn vui vẻ nhận và mặc ngay trước mặt sứ giả và các tướng lĩnh, cái tâm đại nhẫn này có thể sánh với việc Hàn Tín chui háng tên vô lại.

Tư Mã Ý là bậc đại tài không hiển lộ tài năng, ông cực kỳ am hiểu âm luật, hiểu mệnh Trời và tinh thông đạo lý tương sinh tương khắc. Khi Tư Mã Ý đem đại quân thấy Gia Cát Lượng mở cửa thành đánh đàn, Ý lắng nghe rồi lệnh rút quân. Ý nói rằng: “Tiếng đàn tranh này mạnh bạo giống như sóng ba đào, cuồn cuộn nổi lên tựa như là có bá vạn hùng binh, giống như là dòng suối róc rách, nếu như không là người tinh ý chắc chắn không thể ngờ được”.

Tư Mã Ý lắng nghe tiếng đàn của Gia Cát Lượng. (Ảnh: ĐKN)

Tư Mã Chiêu lại hỏi: “Thưa cha, chỉ là mấy sợi dây đàn, có thể truyền thần tới vậy sao chứ?”. Ý trả lời: “Tâm loạn, tiếng đàn sẽ rối loạn, tâm tịnh, tiếng đàn sẽ yên tịnh thôi, tâm loạn thì âm loạn, tâm tịnh thì âm sắc. Nghe Gia Cát Lượng đánh đàn, nhìn thấy rõ tâm can hắn, ta nghe được tiếng đàn của Gia Cát Lượng là một vinh hạnh rồi”.

Sau đó lập tức truyền lệnh rút quân, tháo lui khỏi Tây Thành. Quân Ngụy rút chạy rồi, Gia Cát Lượng thốt lên: “Trời xanh cứu ta, Tư Mã Ý thực là hiểu âm luật”. Về phần Tư Mã Ý về đến trại, kéo ghế cho Tư Mã Sư ngồi, nghe con nói qua tình hình Tây Thành rồi bảo: “Ta thua Khổng Minh ở số trời, số trời không giúp ta”.

5. Chu Du, tự Công Cẩn

Du nghĩa là ngọc đẹp, Công Cẩn nghĩa là viên ngọc đẹp của chung. Chu Du thân hình vạm vỡ cao lớn, thể chất tráng kiện, dung mạo tuấn tú, ông còn văn hay võ giỏi, nho nhã, tinh thông âm luật, có tài năng quân sự phi phàm. Sử sách có chép, khi Chu Du ở tuổi thiếu thời đã tinh thông âm luật, chơi đàn rất hay, cho dù sau khi uống 3 chung rượu, người chơi nhạc chỉ chơi sai tí chút, ông đều có thể nhận ra, đồng thời lập tức quay đầu nhìn người chơi sai, rồi chỉ bảo.

Do Chu Du tướng mạo anh hùng tuấn tú, các cô gái chơi đàn vì muốn được ông để mắt đến, thường thường cố ý chơi sai nhạc phổ. Trước đại binh 80 vạn quân Tào kéo xuống đánh Giang Đông, cả triều đình Đông Ngô sợ hãi bàn đầu hàng, Chu Du nói với Tôn Quyền rằng: “Tướng quân thần võ hùng tài, cát cứ Giang Đông, đất rộng mấy ngàn dặm, tinh binh đủ dùng, anh hùng lạc nghiệp, xứng đáng tung hoành thiên hạ”.

Chu Du thân hình vạm vỡ cao lớn, thể chất tráng kiện, dung mạo tuấn tú, ông còn văn hay võ giỏi, nho nhã, tinh thông âm luật, có tài năng quân sự phi phàm. (Ảnh: Danviet)

Du chỉ ra rằng: “Quân Tào không giỏi thủy chiến, hơn nữa, mùa đông giá lạnh, ngựa không lương thảo, binh sỹ xa xôi đến, không hợp thủy thổ, ắt sẽ sinh bệnh, mà đây là đại kỵ trong việc dụng binh”.

Lưu Bị cũng đã khen Chu Du rằng: “Văn võ thao lược, là anh hùng của vạn anh hùng”. Chu Du được Thi Tiên Lý Bạch ca ngợi trong bài thơ “Xích Bích hát bài tiễn biệt”:

Hai rồng chinh chiến quyết thư hùng,
Xích Bích lâu thuyền quét sạch trơn.
Biển lửa rực trời biển mây sáng,
Chu Du đại phá Ngụy Tào Công.

Vậy mà con người tài hoa, tráng kiện, vạm vỡ đó lại đột ngột bệnh chết ở tuổi 36, thật ứng với cái tên Du – ngọc đẹp, tên tự Cẩn – ngọc quý, ngọc đẹp ngọc quý thì phải nâng niu gượng nhẹ, cất giữ cẩn thận, nếu không thì dễ vỡ.

Nếu Chu Du là một văn nhân, nghệ sỹ  thì có lẽ cái tên sẽ hợp với mạng. Đằng này ông lại là Đại đô đốc chinh chiến dặm trường, nơi mũi tên hòn đạn, thì cái tên và tự của ông là nghịch mệnh vậy. Trong trường hợp này, nếu đặt tên tự tương phản (như Đào Tiềm) thì cũng có thể số mệnh ông sẽ khác.

6. Tôn Quyền, tự Trong Mưu

Quyền tức là quyền thế, quyền biến. Trọng Mưu tức là mưu lớn, cũng là bổ sung tăng cường cho Quyền. Tôn Quyền được thừa hưởng đất đai cõi Giang Đông từ anh trai là Tôn Sách, ứng với có quyền thế. Quyền 18 tuổi đã đứng đầu cõi Giang Đông nhiều anh hùng hào kiệt, giữa lúc thiên hạ đại loạn, nhờ có mưu lược (Trọng Mưu) mà thu phục được nhân tâm, đoàn kết các phe phái, tuổi nhỏ nhưng mưu cao chí lớn, cuối cùng lên ngôi Hoàng Đế, tức Ngô Đại Đế.

Tôn Quyền là bậc kỳ tài, 15 tuổi đã cai quản cả vùng Dương Tiện, 18 tuổi nối nghiệp anh cai trị Giang Đông, là người quyền biến và mưu lược, có tầm nhìn xa trông rộng và hùng tâm tráng chí, quyết đoán gạt phăng chủ ý quần thần, lựa chọn ý kiến Chu Du, lấy ít địch nhiều, phá tan đại quân 80 vạn binh hùng tướng mạnh của Tào Tháo, tạo lên thế chân vạc, hùng cứ một phương.

 

Tôn Quyền là bậc kỳ tài, 15 tuổi đã cai quản cả vùng Dương Tiện, 18 tuổi nối nghiệp anh cai trị Giang Đông (Ảnh: Sohu)

Quyền biến và mưu lược giúp ông nắm quyền thống trị lâu nhất so với các đế vương cùng thời. Tôn Quyền là nhà chiến lược tài ba, có năng lực vượt trội được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, nắm đại quyền chính trị, quân sự, bành trướng lãnh thổ, phát triển kinh tế.

Lúc Tôn Sách sắp mất, gọi Tôn Quyền đến bảo rằng: “Gây dựng cơ nghiệp, quyết đoán được thua ở vài trận đánh, tranh giành thiên hạ, khanh không bằng ta. Chiêu hiền đãi sỹ, giữ gìn cơ nghiệp, ta không bằng khanh”. 

Tào Tháo, bậc anh hùng hiếm có trong thiên hạ cũng phải thốt lên khen Tôn Quyền: “Hổ phụ sinh lân nhi, sinh con nên như Tôn Trọng Mưu”. 

7. Tư Mã Viêm, tự An Thế 

Viêm nghĩa là nóng nực, nóng bỏng, và cũng cùng tên với Viêm Đế, 1 trong 2 thủy tổ của người Hán là Hoàng Đế và Viêm Đế, nên người Hán tự xưng là con cháu Viêm Hoàng. An Thế nghĩa là an bang tế thế, ổn định quốc gia, cứu giúp đời. Có lẽ cũng vì vậy mà ông đã lấy được giang sơn từ nhà Ngụy, lập ra nhà Tấn, lên ngôi Hoàng Đế.

Tư Mã Viêm, tức Tấn Vũ Đế có tài an bang tế thế, nhanh chóng tiêu diệt nước Ngô, thống nhất Trung Quốc, kết thúc cục diện nội chiến hơn 100 năm. Ông cũng là người nhân hậu, với 3 vị hoàng đế cũ của Ngụy – Ngô – Thục, ông cấp đất, cho hưởng đủ phú quý sung túc, khiến các triều thần của 3 nước cũ đều quy thuận. Nhờ tài an bang tế thế của ông mà chỉ sau khi ông lên ngôi 8 năm, đã xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, thịnh trị mà người đời sau gọi là Thái Khang chi trị, khiến quân Hung Nô không dám dòm ngó, quấy nhiễu cướp bóc như giai đoạn trước.

Theo ĐKN