Khi cảm thấy đối phương có vẻ khang khác, chúng ta liền hỏi “Anh/em làm sao vậy?” Nhưng kết quả câu trả lời lại là: “Anh/em không sao”… Đây là tình huống thường thấy ở cả đàn ông và phụ nữ, thế nhưng hàm ý bên trong lại vô cùng khác biệt.
Câu “Anh không sao” đối với đàn ông
Những trường hợp như vậy, hầu như trong một số tình huống, đàn ông quả thực là “không sao”, hay ít nhất là không cần người khác phải bận tâm. Hoặc cũng có thể là do ấp úng định nói, nhưng khi thấy nói ra sẽ càng thêm phiền phức, nên không muốn nói nữa mới sử dụng câu này.
Nhưng đứng ở góc độ phụ nữ mà xét, có thể là vì rất quan tâm đến đối phương nên thường cố gắng gặng hỏi, nếu như quả thực không sao thì cũng bỏ qua. Tuy nhiên, căn cứ theo một số tình huống khác nhau thì có những câu chuyện có thể được “chốt hạ” bằng một trận cãi vã.
Đàn ông thường cho rằng dẫu có “không nói” cũng chẳng sao, vì hầu hết quả thật là “không sao” cả, vì thế nên tự thấy phụ nữ không cần thiết phải truy hỏi.
Do đó, người phụ nữ có nên nhắc lại những chuyện mà đàn ông đã không còn để tâm đến không, thì việc này cần phải dựa vào phán đoán của chính người phụ nữ.
“Miệng nói dối nhưng ánh mắt rất chân thành”
Nói dối tức là “Nói ngược lại với sự thật”. Có lẽ vì vậy, những người đàn ông coi trọng sự thật, về cơ bản sẽ không giỏi nói dối. Vậy nên khi người đàn ông “Quả thực gặp rắc rối”, nhưng lại nói thành “Anh không sao” thì rất dễ bị phát hiện.
Nhân tiện cũng đề cập luôn, nếu như đàn ông quả thật có chuyện gì đó, so với việc quyết đoán nói câu “Anh không sao”, thì đa phần đàn ông sẽ viện ra nhiều lý do thừa thãi như: “Ồ, em nói gì vậy? Anh vẫn như mọi ngày! Anh rất kì lạ sao?”
Vậy nên khi đàn ông vô duyên vô cớ mà trở nên “lẻo mép” so với bình thường, tốc độ nói nhanh hơn hoặc chậm đi, hoặc làm nhiều hành động “Dư thừa”, thì chứng tỏ anh ta đang thật sự có vấn đề.
Tiện đây cũng nói chuyện ngoài lề một chút. Trong một số những tiểu thuyết tình cảm, thường hay phát sinh những tình huống mà để đối phương cảm thấy tin tưởng mình hơn thì thường hay nói: “Em hãy nhìn thật kỹ vào mắt anh”.
Nếu một người từng làm chuyện xấu hổ nào đó, họ thường cảm thấy mình như đang trốn tránh ánh mắt của đối phương. Trên thực về một phương diện thì quả thực là như vậy, tuy nhiên nếu cứ mãi nhìn chằm chằm vào mắt đối phương thì cũng rất mệt mỏi.
Cho dù là khi không nói dối, hay nhìn đối phương một cách tự nhiên trong cuộc trò chuyện, thì theo bản năng của con người vẫn có khoảng 30% thời gian trốn tránh ánh mắt của đối phương.
Vì vậy, lật ngược lại vấn đề, nếu một người dành “10% thời gian để dán mắt vào đối phương” thì chứng tỏ người đó có lý do để làm như vậy, cũng có nghĩa rằng, họ cố tình nhấn mạnh bản thân không hề làm chuyện gì xấu hổ mà phải trốn tránh, thậm chí có thể là nói dối nhưng không muốn bị vạch trần mới miễn cưỡng bản thân làm như vậy.
Câu “Em không sao” đối với phụ nữ
“Loại khát vọng quan tâm” và “Loại thần giao cách cảm”
Câu “Em không sao” của phụ nữ, phần lớn về cơ bản đều là đang gặp vấn đề. Đương nhiên, khi quả thực mọi thứ đều ổn, phụ nữ cũng sẽ nói “Em không sao”, vì thế cần phải dựa vào ngữ điệu và biểu cảm của đối phương để phán đoán chính xác hàm ý.
Cho dù là đàn ông, khi gặp phải chuyện phiền phức cũng thường hy vọng đối phương có thể nhận ra điều đó. Nói một cách đơn giản, phụ nữ cũng vậy, họ thường hay ôm giữ một suy nghĩ trong lòng rằng: “Làm sao có thể không có chuyện gì chứ, xin hãy mau nhận ra là em đang gặp rắc rối đi”, nhưng bề mặt lại nói ra câu “Em không sao”.
Thực ra tâm tình mong mỏi đối phương có thể phát giác tâm trạng của mình thường phân thành 2 loại.
Một loại là hy vọng đối phương sẽ kiên trì đuổi theo mình và hỏi thăm. Đây là thuộc kiểu người thường nói ‘Em không sao’ nhưng thật ra là rất “Khát khao được quan tâm”.
Một loại khác đó là ngại ngùng nói ra hoặc nỗi niềm khó nói, nhưng vẫn hy vọng đối phương có thể “Thần giao cách cảm” mà thấu hiểu được.
Còn đối với những người phụ nữ có năng lực khống chế bản thân mạnh mẽ thì thường nghiêng về đối tượng sau. Cho dù có chuyện muốn nói hoặc cần thương lượng với người khác, nhưng vì không muốn bị liệt vào loại phụ nữ “Khát khao được quan tâm”, nên thường hy vọng tự bản thân sẽ cố gắng giải quyết xong xuôi mọi việc trước khi kịp nói gì.
Vì thế, phụ nữ khi nói “Em không sao” nghĩa là kỳ vọng đối phương sẽ tiếp tục truy hỏi “Thật sao? Anh cảm thấy hình như em đang gặp rắc rối…” đợi sau khi đối phương bày tỏ sự lo lắng xong, thì họ có thể sẽ tiếp tục nói: “Ừm, thực ra thì em…”, Đây có thể nói là hành vi tưởng như vô tình nhưng lại hữu ý của phụ nữ.
“Đàn ông nhất định không được xem nhẹ những hành vi này”
Đối với đàn ông mà nói, cho dù phụ nữ thuộc loại hình “Em không sao” nào đi chăng nữa, thì thực tế đều cho thấy là có vấn đề.
Vì thế, đàn ông hãy đừng ngần ngại mà hỏi đối phương rằng: “Có chuyện gì muốn nói thì nói đi, anh sẽ lắng nghe.” Sau đó, bạn hãy đợi phụ nữ phản ứng.
Thực ra, có một số người đàn ông quả thực kém sự nhạy bén vô cùng, cảm giác đại loại như khi phụ nữ nói câu: “Em không sao”, thì đàn ông sẽ trả lời: “Thế à, vậy tốt quá”. Và phụ nữ thì: “Ơ kìa…”
Vậy nên để tránh trường hợp trên, có lẽ đàn ông nên hỏi trước rồi mới nói thì tốt hơn. Cho dù phụ nữ sau đó thật sự không có chuyện gì, thì chỉ cần một câu xin lỗi: “Ồ ra vậy, anh xin lỗi nhé, do anh nghiêm trọng hóa vấn đề”, là có thể kết thúc cuộc đối thoại một cách “Mỹ mãn”.
“Mấu chốt để phụ nữ và đàn ông thấu hiểu lẫn nhau”
Đàn ông nên tạo cớ để cho đối phương nói ra
Cho dù lời nói của đối phương mang hàm ý gì thì khi nói chuyện, đàn ông nên chủ động gợi chuyện trước. Ví dụ sẽ không tồi nếu dùng một câu nói để tạo cơ hội cho đối phương nói tiếp, chẳng hạn: “Nếu quả thực không có chuyện gì thì anh yên tâm rồi, nhưng nếu em muốn tâm sự, anh có thể nghe em nói”.
Đàn ông chỉ cần đưa ra thông điệp “Anh đang rất muốn nghe”, sau đó cứ để phụ nữ tự do thể hiện là được. Cứ như vậy, đối phương sẽ kể rõ ngọn ngành câu chuyện cho bạn.
Phụ nữ có thể quyết định lắng nghe hoặc nói xen vào
Về cơ bản đàn ông nói như vậy, có thể chứng tỏ là họ không sao thật. Còn nếu biểu hiện nói dối của họ rất rõ ràng, tình huống kiểu như: “Không, không sao, anh không sao…”, vậy bạn có thể nói với đối phương rằng: “Vậy à, nhưng em rất lo cho anh, nếu có chuyện gì em có thể giúp thì hãy nói cho em biết!”, tiếp theo bạn chỉ cần theo dõi phản ứng của đối phương là được.
Chúc Di (Theo Banned Book)