Củ ấu có nhiều giá trị dinh dưỡng, có thể kết hợp với nhiều thực phẩm, thảo dược làm thực liệu, do đó nó được xem là “thần quả” dưỡng sinh. Tuy nhiên, nếu không biết dùng đúng cách thì nó sẽ trở nên có hại cho sức khỏe.
Củ ấu còn gọi là ấu trụi, ấu nước, kỵ thực, hạt dẻ nước, năng thực (Trung Quốc). Tên Hán là thủy lật ký thực, lăng giác sa giác, vì quả gần hình cầu có gai. Tuy gọi là “củ” nhưng đây đúng ra là “quả” vì nó phát triển dưới nước đến khi già thì rụng và vùi xuống bùn nên được gọi là “củ”.
Ấu là loại cây sống dưới nước, loại thực vật thủy sinh, mọc trong ao đầm thân ngắn, có lông. Trong quả chứa một hạt ăn được, có vị ngọt mát, bùi, giàu dinh dưỡng. Củ ấu có rất nhiều loại với các hình dạng khác nhau, song ở Việt Nam phổ biến 3 loài là ấu trụi (ấu có hai sừng tù), ấu gai (ấu có hai sừng nhọn), và ấu sừng trâu.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy củ ấu giàu tinh bột, đường glusose, vitamin và các nguyên tố vi lượng như phốt-pho, sắt, đồng, kali… Trong 100g củ ấu chín có 4,5g albumin, 0,1g chất béo, 19,7g chất đường các loại, 0,19g vitamin B1, 0,06g vitamin B2, 1,5mg vitamin PP, 13mg vitamin C, 7mg Ca, 0,7mg sắt, 19mg Mn, 93mg P.
Theo Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, củ ấu vị ngọt chát, tính bình; công dụng thoát tả, giải độc, tiêu thũng; dùng chữa tiêu chảy, kiết lỵ, đại tiện ra máu, bệnh dạ dày. Người xưa cho rằng ăn nhiều củ ấu có thể bổ ngũ tạng, trị bách bệnh, lại giúp giảm béo.
Trong Đông Y, củ ấu vị ngọt, tính mát; vào tỳ, vị. Có tác dụng ích khí kiện tỳ (ăn chín); thanh thử giải nhiệt lương huyết, trừ phiền chỉ khát (ăn sống). Củ ấu non ăn sống có tác dụng chống nóng chống nắng, giải độc say rượu, trừ rôm sảy; củ ấu già có tác dụng kiện tỳ bổ khí, dùng cho trường hợp tỳ hư tiết tả, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết, chống suy nhược…
Gần đây, củ ấu còn được đùng chữa ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Dưới đây là một số cách ăn củ ấu trị bệnh:
Chống ung thư: 20 củ ấu hoặc 100g thịt ấu, thêm lượng nước vừa phải nấu lửa nhỏ cho đến khi thành soup đặc sệt màu nâu, ngày ăn 3 lần.
Hỗ trợ trị liệu ung thư dạ dày, ung thư thực quản: Củ ấu, kha tử, hạt ý dĩ, tử đằng lựu mỗi thứ 20g, nước thứ nhất sắc 30 phút, nước thứ hai sắc 25 phút, mỗi ngày uống 2 lần.
Trị thể hư ở người cao tuổi, tiêu chảy mãn tính: Lấy 100g gạo nấu cháo, lúc sắp được cho 30-60g bột củ ấu vào nấu chung, người không mắc bệnh tiểu đường có thể nêm thêm đường đỏ.
Tiêu mỡ giảm áp, cải thiện tuần hoàn máu: Xa tiền thảo, kim tiền thảo, râu ngô mỗi thứ 20g, rửa sạch rồi ngâm 1 tiếng, nấu với 1 lít nước trên lửa lớn, đến khi sôi rồi hạ lửa nhỏ sắc 20 phút, chắt lấy nước. Sau đó cho bột củ ấu, bột ý dĩ mỗi thứ 15g vào nước thuốc nấu sôi 15-20 phút, nêm một ít đường, phân ra ăn 2 lần trong ngày, sau 3 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Dưỡng nhan dưỡng da, thải độc: 100g giăm bông cắt khối vừa ăn, 6 tai nấm hương, 300g thịt ấu, cho vào nồi nấu canh loãng, sau khi nước sôi để lửa nhỏ hầm 30 phút rồi nêm ít muối. Khi múc ra rắc rau mùi lên.
Không chỉ thịt ấu mà thân ấu, vỏ củ ấu, lá đều có tác dụng trị liệu hiệu quả. Thân cây vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng tiêu viêm giải độc, có thể điều trị loét dạ dày, nhọt độc, thường xuyên nổi bướt, nhọt, mụn. Sắc thuốc uống dùng 30-45g, hoặc giã nát lượng vừa phải xoa lên da trị nhọt độc, thường xuyên nổi bướt, nhọt, mụn.
Vỏ củ ấu chủ trị tả, kiết lỵ, loét dạ dày, tiểu ra máu, bệnh trĩ, trĩ sang, đinh nhọt. Uống thuốc 15-60g. Dùng bên ngoài: Sao cháy lượng vừa phải, nghiền thành bột xoa ngoài da, hoặc sắc thuốc 30 phút rửa chỗ đau.
Lá ấu thanh nhiệt giải độc, chủ trị cam tẩu mã ở trẻ em, nhọt sưng. Theo Điền nam bản thảo: Lá ấu phơi khô tán nhuyễn, xoa trị cam tẩu mã ở trẻ em. Uống thuốc sắc 6-15g, dung bên ngoài xoa đều.
Củ ấu là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao với nhiều công dụng tốt song để tận dụng được công dụng của củ ấu, không nên ăn quá nhiều một thời điểm vì củ ấu có tính hàn dễ gây ra tình trạng đầy hơi, trướng bụng và đau bụng. Ăn nhiều sẽ gây trệ khí, do đó những người có u cục ở ngực bụng cần thận trọng khi ăn. Người tỳ vị hư nhược, đại tiện tiêu lỏng không nên dùng dạng sống. Sau khi ăn củ ấu không nên uống nước liền vì sẽ có cảm giác khó chịu.
Củ ấu có tính hàn do đó người bị cảm mạo, tỳ vị hư hàn, thể nội hư hàn, suy giảm chức năng thận, thể hư sợ lạnh lâu ngày… đều không nên ăn.
Truyền thuyết về củ ấu hình tim
Trong Mộng Giang có một con bạch long làm nhiều việc ác, thường xuyên nổi sóng gió quật ngã nhiều tàu thuyền qua lại, ăn tươi nuốt sống trái tim của những người rơi xuống sông. Mọi người mặc dù sợ hãi con ác long này, nhưng lại bất lực đành phải cam chịu.
Ngày nọ, một vị thư sinh thất tình đứng bên bờ sông đang muốn nhảy sông tự sát, đột nhiên nghĩ: “Đường đường một đấng nam nhi lại nhảy sông tự vẫn chẳng phải khiến thiên hạ cười chê hay sao? Không bằng vì dân trừ hại liều chết chiến đấu với ác long một lần“.
Nghĩ là làm thư sinh lập tức mua một thuyền thịt heo, nhồi thuốc nổ bên trong, để ngòi nổ hướng ra ngoài, chàng nghĩ thầm đợi đến khi ác long nuốt thịt heo liền châm ngòi, nổ chết nó. Không ngờ ngày thư sinh chèo thuyền ra sông, ác long nổi sóng gió rất lớn, thuyền chưa tới gần đã bị lật úp, thư sinh rơi vào sông, tim bị ác long nuốt sống.
Nàng tiên củ ấu lương thiện dưới sông cảm động trước hành động của thư sinh bèn dùng củ ấu và ngọc trai hóa phép ra một trái tim, đặt vào lồng ngực của thư sinh, chàng sống lại liền khấu đầu cảm tạ nàng tiên củ ấu. Nàng còn tâu lại những chuyện ác của bạch long với Ngọc Đế, Ngọc Đế tức giận liền phong ấn ác long dưới đáy Mộng Giang, chỉ cho phép y ra ngoài vào Tết Trung thu để đoàn tụ với người thân.
Lúc cáo biệt thư sinh, nàng tiên củ ấu khuyên chàng đừng kể ra chuyện này, nhưng sau khi lên bờ thư sinh không tuân thủ hứa hẹn, kể lại việc này cho người trong làng nghe. Mọi người sau khi nghe nói tranh nhau xuống sông tìm nàng tiên củ ấu nhưng đều không phát hiện được gì.
Cuối cùng, thư sinh không thể nào đối mặt với hoài nghi của người trong lòng cùng hương thân phụ lão, nhảy sông tự tử, từ đó về sau củ ấu ở con sông kia sinh trưởng hình tim, thế gian có thêm một loại củ ấu hình tim.
Tú Văn biên dịch