Nói phẩm tiên quả thì ít người nghe đến nhưng nếu nhắc tới quả sung thì chắc hẳn ai cũng biết. Nó được xem là một vị thuốc trong Đông y có nhiều tác dụng như nhuận tràng, ngừa táo bón, hạ huyết áp, phòng chống ung thư…
Quả sung hay còn gọi là vô hoa quả, thiên sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả, phẩm tiên quả, nãi tương quả, mật quả…
Theo nghiên cứu hiện đại, quả sung có chứa glucose, saccarose, quinic axit, shikimic axit, oxalic axit, citric axit, malic axit, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, phot pho, kali… và một số vitamin như C, B1… Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho thấy, quả sung có tác dụng nhuận tràng, ngừa táo bón, hạ huyết áp, giảm cân và phòng chống ung thư.
Trong y học cổ truyền, quả sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thũng giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp…
Quả sung cũng rất tốt cho sức khỏe bởi nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy cứ trong 100g quả sung có chứa 1g protein, chất béo 0,4g, đường 12,6g, Ca 49mg, P 23mg, Fe 0,4mg, caroten 0,05mg, dẫn xuất không protein 12,3g, khoáng toàn phần 3,1g.
Ngăn ngừa tăng huyết áp
Mọi người thường sử dụng natri dưới dạng muối ăn, nhưng ít kali và hàm lượng natri nhiều có thể dẫn tới tăng huyết áp. Sung giàu kali và ít natri, bởi vậy chúng là món ăn hoàn hảo để chống lại sự xuất hiện cũng như tác động của tăng huyết áp.
Ngăn ngừa táo bón
Có khoảng 5 gram chất xơ trong mỗi phần ăn gồm 3 quả sung. Vì vậy quả sung không chỉ giúp ngăn ngừa táo bón mà còn loại bỏ tiêu chảy, nhu động ruột không khỏe hay hoạt động thất thường.
Giảm cân
Chất xơ có trong sung cũng giúp giảm cân và là sự lựa chọn tốt cho những người béo phì. Tuy nhiên, hàm lượng calo cao có trong sung cũng có thể làm tăng cân, đặc biệt là khi sử dụng cùng với sữa. Một ít sung là đủ lượng dinh dưỡng yêu cầu, bởi vậy đừng lạm dụng nó.
Viêm khớp
Sung tươi lượng vừa đủ đem hầm với thịt lợn nạc ăn. Hoặc sung tươi 2-3 quả rửa sạch thái vụn rồi tráng với trứng gà ăn.
Mụn nhọt, lở loét
Sung chín sao khô, tán bột rồi rắc lên tổn thương. Để đạt hiệu quả cao, trước đó có thể ngâm rửa tổn thương bằng nước sắc quả hay lá sung tươi, sau đó lau khô rồi rắc bột thuốc và băng lại.
Ngăn ngừa một số loại ung thư
Sung chứa pectin, một loại chất xơ hòa tan. Khi chất xơ đi qua hệ tiêu hóa, về cơ bản nó lau dọn các cholesterol dư thừa và mang chúng đến hệ bài điết để loại bỏ ra khỏi cơ thể.
Pectin là một chất xơ hòa tan có trong sung giúp kích thích nhu động ruột khỏe mạnh. Sung có thể có tác dụng nhuận tràng, chúng là một trong những loại trái cây nhiều chất xơ tự nhiên nhất. Hàm lượng chất xơ cao trong sung có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tổng thể của bạn nhờ ngăn cản một số loại ung thư vùng bụng cũng như ung thư ruột kết.
Theo Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Khoa Đông y Bệnh viện 108, nhựa của thân cây hay quả sung xanh còn được dân gian dùng để chữa mụn nhọt và sưng vú.
Cách dùng cụ thể
Rửa sạch tổn thương, lau khô, dùng nhựa sung bôi trực tiếp vào nơi bị bệnh, sưng đỏ đến đâu thì bôi đến đó, bôi nhiều lần trong ngày. Để tránh bôi nhiều lần, có thể trộn nhựa sung với lá non, giã nát rồi đắp lên chỗ đau. Nếu mụn chưa có mủ đắp kín, nếu đã vỡ mủ rồi thì đắp để hở một chỗ bằng hạt ngô. Khi đã có mủ, muốn lấy ngòi ra thì giã thêm một củ hành với nhựa sung rồi đắp như trên, để hở miệng.
Nhựa sung còn dùng để chữa đau đầu
Phết nhựa lên giấy bản rồi dán hai bên thái dương. Có thể phối hợp với việc ăn lá sung non hoặc uống nhựa sung với liều 5ml hoà trong nước đun sôi để nguôi uống trước khi đi ngủ.
***
Một số tác dụng phụ của quả sung cần chú ý trước khi sử dụng:
Xuất huyết
Sung chín có tính nóng, có thể gây xuất huyết. Ăn nhiều sung có thể gây xuất huyết võng mạc, trực tràng hoặc chảy máu nhẹ ở âm đạo. Ngoài ra, ăn sung còn gây thiếu máu. Trong trường hợp bị xuất huyết trực tràng hoặc âm đạo, nên dừng ăn sung cho đến khi ngừng chảy máu.
Tụt đường huyết
Ăn sung giúp giảm lượng đường trong máu, có lợi cho bệnh nhân bị tiểu đường. Tuy nhiên với những người có lượng đường huyết thấp thì ăn nhiều sung rất có hại. Nếu đường huyết trong cơ thể thấp, nên tránh ăn sung.
Oxalate có hại
Oxalate có rất nhiều trong sung, có thể gây hại cho những người bị thận hoặc túi mật. Ăn nhiều sung có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Sung cũng có thể ảnh hưởng đến lá lách – bộ phận trong cơ thể phụ trách sản xuất tế bào bạch cầu.
TinhHoa tổng hợp