Con người ở trong bệnh tật và khổ nạn, khi không tìm được lối thoát liền nghĩ đến cầu xin Thần Phật giúp đỡ, nhưng có biết đâu phương thuốc chữa bách bệnh vốn đã được Thần Phật đặt ngay trong tâm của mỗi người.
Câu chuyện thứ nhất
Trong ‘Chuyện cổ Phật giáo’ có ghi chép một câu chuyện:
Một người kia sau khi chết liền đến gặp Phật Tổ, anh ta vừa khóc vừa hướng đến Phật Tổ nói: “Thưa Phật Tổ, vì sao Ngài nhẫn tâm như vậy, Ngài để con bận bịu cả ngày, mà không thu hoạch được gì; ban đêm thì lại mất hồn mất vía, nơm nớp lo sợ, con không có một ngày nào là không thống khổ!”
Phật Tổ hỏi: “Vậy, vì cớ gì mà con như vậy?”
Người kia trả lời: “Ban ngày vì kiếm tiền để sống qua ngày đoạn tháng, nên con phải nói và làm rất nhiều điều trái với lương tâm, nhưng đây là vì sinh tồn, huống hồ con cái gì cũng không có. Mỗi khi đêm đến, con vì khó ngủ phải thức trắng đêm, tựa như là trong địa ngục. Phật Tổ ơi, cuộc sống vốn là không dễ dàng, Ngài vì cái gì mà hết lần này tới lần khác tra tấn con?”
Phật Tổ nói: “Con là vì kiếm tiền để sống qua ngày đoạn tháng mà đi lừa gạt người khác, chứ không thông qua con đường chính đáng để sinh tồn. Ta là nhân từ, nên quyết sẽ không đem một người chính trực đẩy vào tuyệt cảnh. Tâm linh của con mọc đầy cỏ độc, nên phải cần một loại thuốc mới có thể trừ bỏ được.”
Người kia vội hỏi: “Đó là thuốc gì vậy ạ? Cầu xin ngài nói cho con tên thuốc, con lập tức sẽ mua uống ngay!”
Phật Tổ nói: “Tên thuốc là đạo đức. Đạo đức chính là linh dược hiệu nghiệm nhất, có thể trị bách bệnh“.
Câu chuyện thứ hai
Vào thời Nam Bắc triều, sách cổ ‘Lục dị truyện’ thời Nam triều Lưu Tống có ghi lại câu chuyện về một huyện lệnh bị nhiễm bệnh và cầu xin các vị Thần Phật chữa trị cho mình.
Huyện lệnh Gia Hưng Ngô Sĩ Quý mắc bệnh sốt rét, khi đi ngang qua một ngôi chùa ở Vũ Xương, ông đã cử người đến thay mình thành kính cúng bái cầu xin Thần Phật giúp ông thoát khỏi cơn bạo bệnh. Khi rời miếu đi hơn hai mươi dặm, Ngô Sĩ Quý dần ngủ thiếp đi.
Trong lúc mơ màng, có người cưỡi ngựa đuổi theo và gọi tên ông vô cùng cấp bách. Cuối cùng cũng đuổi kịp thuyền của Ngô Sĩ Quý, anh ta và một viên quan nữa lên thuyền, trói chặt một sinh mệnh có hình tượng của một đứa trẻ và mang đi. Ngô Sĩ Quý tỉnh mộng, bệnh sốt rét cũng hết.
Có người cho rằng câu chuyện này khó hiểu, đó là bởi vì họ không hiểu văn hóa truyền thống, văn hóa truyền thống là văn hóa Thần truyền. Cổ nhân cho rằng ôn dịch, bệnh truyền nhiễm là do Thần ôn dịch ở không gian cao tầng điều khiển, còn sinh mệnh trực tiếp khiến con người mắc bệnh dịch ở không gian thấp được gọi là Ôn quỷ hoặc Dịch quỷ. Trong số đó khiến người mắc bệnh sốt rét là Ngược quỷ. Thần linh mang đi sinh mệnh có hình tượng của một đứa trẻ, đó chính là Ngược quỷ, bên không gian kia thì mang Ngược quỷ đi, ở nhân gian bệnh của Ngô Sĩ Quý liền hết.
Qua câu chuyện này có thể thấy, con người mắc bệnh không phải vô duyên vô cớ, mà là có một loại sinh mệnh gây ra, cầu Thần Phật giúp đỡ là giải pháp tốt nhất, nhưng cách tốt nhất để thể hiện lòng thành với Thần Phật chẳng phải chính là tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức sao?
Câu chuyện thứ ba
Đây là một câu chuyện có thật được ghi lại trong sách cổ ‘Thái Bình Quảng Ký’:
Vào đời nhà Tống, phía sau phủ Kiến Khang Giang Ninh, có một người đàn ông họ Vương mở quán rượu, tính tình ngay thẳng suốt đời thờ cúng Thần Phật, đối với người tu hành cũng rất kính trọng. Ngày thường ông nổi tiếng với việc mua bán công bằng, mọi người đều gọi ông là Vương Lão Thực.
Tối ngày rằm tháng hai năm Quý Mão, tiệm chuẩn bị đóng cửa thì đột nhiên thấy nhiều vị tướng quân mặc hồng y cùng nhiều xe ngựa và người hầu đến tiệm nghỉ ngơi. Tiểu nhị vội vàng bẩm báo Vương Lão Thực, Vương Lão Thực lập tức căn dặn phải tiếp đón chu đáo, đồng thời ông tự mình bưng lên rượu và đồ nhắm mời các tướng quân cùng người hầu.
Chẳng mấy chốc, một nhóm tùy tùng cầm theo một bó lớn dây thừng và dụng cụ, bước đến gần tướng quân và nói: “Xin ngài lệnh bao vây.” Tướng quân gật đầu đồng ý. Những người này ra ngoài đóng đinh các thanh gỗ xuống đất, dùng dây thừng buộc vào xung quanh, khắp các ngõ ngách trong khu vực đó đều dùng dây thừng bao vây lại.
Sau khi hoàn thành, tùy tùng nói: “Dây thừng đã vây xong, cửa hàng này cũng bị vây bên trong.” Đại tướng quân nói: “Vương Lão Thực này cả đời hành thiện đãi người, thích làm việc thiện, Thiên Đế đều biết, nên cửa hàng này có thể tha thứ. Nếu không tha thứ, thì không có thiên lý công đạo.” Đám người tùy tùng đáp ứng, vội vàng kéo thanh gỗ lên, cởi dây thừng rồi dời hàng rào vải ra khỏi quán.
Sau đó, tất cả mọi người lên ngựa như bay mà đi, trong nháy mắt liền biến mất. Vương Lão Thực cùng tiểu nhị lại nhìn xung quanh thì các thanh gỗ cùng dây thừng đều không thấy đâu nữa, họ cảm thấy vô cùng kinh hãi.
Hai ngày sau, một trận hỏa hoạn lớn xảy ra ở Kiến Khang, phàm là chỗ mà hôm trước dây thừng bao vây thì đều bị thiêu rụi, đổ vỡ tan tành. Tuy nhiên quán rượu của Vương Lão Thực vẫn bình an vô sự, những khu vực xung quanh chỉ còn lại đống tro tàn.
Giống như việc con người mắc bệnh, tai họa trên đời cũng không phải vô duyên vô cớ, là có Thần linh an bài, có thoát khỏi tai họa hay không đều liên quan đến đạo đức của con người, người tốt thì không nằm trong kiếp nạn.
Vương Lão Thực cả đời sống thẳng thắn, tôn thờ Thần Phật, buôn bán công bằng và đối xử tốt với người tu luyện, nên ông đã tích được nhiều công đức. Vì vậy ông có thể nhìn thấy quá trình sắp đặt của thảm họa và lý do mà ông tránh được chúng, đây cũng là Thần linh khuyến khích ông làm việc tốt nhiều hơn nữa.
Phương thuốc tốt để chữa bách bệnh và thảm họa trên đời chỉ có thể là đạo đức, một tiêu chuẩn đạo đức được Thần Phật công nhận, điều kiện tiên quyết là tin tưởng Thần Phật, lễ kính Thần Phật, từ tiền đề này thì mới có thể nói đến đạo đức chân chính.
Tử Vi