Con người nắm vững được 3 vị trí phong thủy này, thì nhất định sẽ thành công
Vị trí thứ nhất: Miệng
1. Không vạch trần điểm yếu của người khác
Mỗi người đều có điểm yếu và thiếu sót, nhưng người sống không thể không có thể diện, cũng như cây sống không thể thiếu đi lớp vỏ. Đừng nên trước mặt người khác bóc mẽ thiếu sót của ai đó. Bạn không tôn trọng người ta, người ta cũng sẽ có lúc làm bạn mất mặt. Hãy nói những điều tốt lành về mọi người, đường đời của bạn mới có thể càng đi càng rộng mở.
2. Không khoe khoang khoác lác
Nhiều người không có chuyện gì làm thì lại thích khoe khoang khoác lác, như thể không làm thế thì không chứng tỏ được khả năng của mình. Nhưng đợi đến lúc bị người khác nhìn thấu, họ có thể sẽ phải trả giá. Khoác lác tuy chẳng bị đánh thuế, nhưng thực sự cũng không có gì hay ho.
3. Không nói lời thừa thãi
Có chuyện thì nói, không có chuyện gì thì giữ im lặng, lảm nhảm quá nhiều thường làm người ta khó chịu. Thực tế chứng minh, lời nói có nội dung thực chất, diễn đạt tinh tế mới có thể tăng sức hấp dẫn cho bản thân. Trong cuộc sống, những lý giải sâu sắc mới được yêu thích đón nhận, lời nói viển vông hời hợt chỉ khiến người ta chán ghét.
Vị trí thứ hai: Tâm
1. Nuôi dưỡng một tấm lòng lương thiện
Lương thiện là bản tính nguyên sơ của con người, là căn bản của làm người. Vậy nên người xưa mới có câu: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Mất đi sự lương thiện, con người liền không bằng cầm thú. Ác hữu ác báo, thiện hữu thiện báo, có một tấm lòng lương thiện, làm nhiều việc thiện, cuộc sống của bạn nhất định sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Vũ Quả từng nói “Lương thiện là viên trân châu hiếm có trong lịch sử, người lương thiện hầu hết đều vượt trội hơn người vĩ đại”.
Một người có thể không giàu sang, không nổi tiếng, nhưng nếu để mất đi sự lương thiện thì coi như mất đi gốc rễ. Gieo một hạt giống lương thiện sẽ giúp mọi người cảm nhận được hạnh phúc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
2. Nuôi dưỡng một tấm lòng vị tha
Nên đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và thông cảm cho những nỗi khổ của người ta. Mọi việc đừng chỉ vì mình có lý mà không khoan dung cho kẻ khác, rộng lượng được thì nên rộng lượng. Lòng khoan dung của bạn nhất định sẽ đổi lấy được sự tôn trọng từ mọi người. Bởi vì thấu hiểu, cho nên từ bi. Tất cả khoan dung đều là đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, thấu hiểu cho những cái khó của họ.
3. Nuôi dưỡng một trái tim khiêm tốn
Khiêm tốn cũng là tầm nhìn, người biết khiêm tốn nhất định sẽ nhìn ra được các phương diện xã hội càng lớn. Khiêm tốn một chút cũng không thiệt hại gì. Khiêm tốn là một loại sức mạnh, trái tim khiêm tốn như một nhánh cỏ dại, không chế nhạo thế giới bên ngoài, cũng không để ý đến những châm biếm của thế gian, yên lặng tích trữ sức mạnh cho bản thân. Khiêm tốn là một loại bao dung, núi không chê đá nhỏ mới có thể ngày một vĩ đại, biển không chê nước ít mới có thể ngày một rộng lớn.
Vị trí thứ ba: Hành vi
1. Không đi đường tắt
Thành công không có lối tắt, nhất định phải đánh đổi bằng nỗ lực của mình. Những kẻ mánh khóe cơ hội, mặc dù nhất thời có vẻ như đạt được một chút thành quả, nhưng nền móng không vững chắc thì cuối cùng cũng không có kết quả tốt.
2. Không vì lợi ích bản thân mà hại người
Việc mưu lợi cho bản thân mà hại người, nhìn thì thấy như được lợi trước mắt, nhưng người ta cũng không phải ngu ngốc, bạn đối xử với người khác thế nào, người ta cũng đối xử lại với bạn y như thế.
Bạn cho rằng mình có lời, nhưng kì thực lại đang bán rẻ nhân cách của mình. Giữa người với người vẫn là nên cùng nâng đỡ, hỗ trợ lẫn nhau.
3. Không chiếm món lợi nhỏ
Trên đời không có bữa cơm trưa miễn phí, bánh từ trên trời rớt xuống cũng không nhất định phải rơi trúng bạn. Người nào hay tranh thủ những lợi ích vặt vãnh, thường sẽ bị thiệt lớn, không phải là của mình, chi bằng từ bỏ! Chiếm món lợi nhỏ, lại mất đi sự tin tưởng của mọi người, cái đó chính là được không bù lại mất. Lúc đó có hối hận thì cũng đã muộn.
Tú Văn, theo secretchina