Giúp người chính là giúp mình, cho người ta một cơ hội cũng là cho bản thân mình một đường lui. Vậy nên đừng ngần ngại khi làm việc nhân nghĩa ở đời.
Vào thời nhà Minh, tại Hồ Quảng có một vị thân sĩ trong làng, sau khi làm quan đã tích trữ được rất nhiều của cải, ông định dùng số tiền này đi chuộc lấy đất của tổ tiên đã bán từ trước đó.
Ông nói với con trai: “Hiện nay giá tiền mua đất, so với giá tiền trước kia bán đi đắt hơn rất nhiều lần. Cho nên cha dùng phương thức chuộc lại, lúc trước bán bao nhiêu tiền, thì giờ cũng dùng bấy nhiêu để chuộc lại, như vậy có lợi nhất”.
Lúc ấy, con trai của ông ấy mới có 12 tuổi, sau khi nghe xong thì im lặng. Một hồi lâu mới chậm rãi mở miệng hỏi: “Cha! Đất của tổ tiên nhà chúng ta truyền thừa, đã bán cho người ta mấy năm rồi ạ?”.
Người cha nói: “Bán đi đã được 30 năm”
Con trai lại hỏi: “Có bao nhiêu gia đình mua đất chúng ta vậy cha?”
Người cha trả lời: “Tổng cộng có hai mươi mấy gia đình nghèo khó mới mua đủ đất của chúng ta”.
Cậu con trai liền nói: “Con đã xem luật định của Đại Minh, sản nghiệp của tổ tiên bán đi quá 5 năm, nhất định không được phép chuộc lại. Cha vì sao không tuân thủ vương pháp thế?”
Người cha lúc đó không trả lời. Trong nhà có một vị khách liền nói: “Chuộc lại gia sản tổ tiên, là việc làm cho tổ tông mình!”
Người con trai nói với vị khách kia: “Ông chỉ hiểu được một phần thôi, đừng nịnh bợ làm tổn hại lý lẽ. Chẳng lẽ cha làm quan, lại không mua được miếng đất mới sao, đất mới rất tốt, chẳng thua kém gì đâu. Cần gì phải đi chuộc những ruộng đất kia chứ?”
Người cha nói: “Ta nhất định phải chuộc lại sản nghiệp tổ tiên, dân đen dám không phục sao?”
Con trai nói: “Con vốn sợ những người đó vì lo ngại thế lực của nhà chúng ta mà phải giao đất, như vậy miễn cưỡng chuộc đất sẽ tổn hại âm đức đấy!”
Người cha nghe con trai nói những lời này xong, suy nghĩ rồi nói: “Con trai hiểu được đạo lý tích âm đức là rất tốt, như vậy ta bây giờ sẽ trả lại cho bọn họ một chút chi phí phụ nữa!”
Con trai nói: “Chi phí phụ là việc nhỏ, nhà của chúng ta muốn mua đất thật dễ dàng, nhưng những gia đình kia muốn mua đất rất khó khăn. Ví như, người nông dân dựa vào mười mẫu đất trồng trọt để sống qua ngày, hôm nay chúng ta đem chuộc đất về, thì họ phải đi mua đất khác, cũng chỉ có thể mua được năm mẫu đất, chúng ta sao có thể nhẫn tâm khiến cả nhà bọn họ phải chịu đói, chịu khổ như thế được. Vì vậy con rất mong phụ thân không chuộc ruộng đất ấy, tích chút ít âm đức lưu cho đời sau.”
Người cha ngừng thật lâu rồi mới trả lời: “Con trai à! Con nói rất có đạo lý. Chỉ là 18 mẫu đất bên cạnh phần mộ của gia tổ chúng ta nhất định phải chuộc về, đất đó dùng để thờ cúng đó!”
Người con trai lại thỉnh cầu cha, xem xét giá đất hiện nay, công bằng mà mua bán. Người cha rốt cuộc cũng nghe theo đề nghị của người con. Những người dân nghèo kia cảm phục đức hạnh của cậu bé 12 tuổi này, nên đến “Đền Mãnh Tướng” cầu khẩn cho cậu được bình an.
Về sau, người con trai lúc 18 tuổi, thi cử đỗ đạt, được triều đình đề bạt đảm nhiệm Thái thú Nghiêm Châu.
Có một ngày, anh cưỡi ngựa đi nghênh đón chiếu thư của vua, lúc qua cầu con ngựa đột nhiên té ngã xuống sông, tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, bỗng nhiên nhìn thấy thần Mãnh Tướng giúp anh thoát nạn. Lúc này, anh mới hiểu đây là do người dân cảm phục đã đến “Đền Mãnh Tướng” cầu an cho mình.
Về sau, anh này sống đến hơn 80 tuổi; vị thân sĩ đó cũng bởi vì nghe lời thiện tâm của con trai, công bình đối xử mọi người, cả đời bình an cát tường, khỏe mạnh sống lâu.
Huệ Nhẫn, dịch từ Epoch Times