Tư tưởng của người xưa đơn thuần, giao tiếp với nhau tình nghĩa sâu đậm. Người thời nay mà nghe đến những chuyện nghĩa khí của cổ nhân, thì đúng là chuyện khó tin nổi.
Những năm Trinh Nguyên triều đại nhà Đường, có một người tên là Dương Thành cùng với em trai thứ ba ẩn cư trong núi Hạ Dương tại Thiểm Châu. Hai anh em thề cả đời không lập gia đình và sẽ sống cùng nhau.
Bọn họ mặc dù cuộc sống đạm bạc, ở trong một gian phòng, mỗi ngày trà thô cơm nhạt, ngủ trên giường mây chiếu lá, đắp vải thô làm chăn, nhưng hai người đều sống rất vui vẻ.
Về sau bọn họ gặp phải năm thiên tai, hai người đều che giấu tung tích, không cho họ hàng thân thích đến thăm, vì không muốn liên lụy tới ai. Họ kiếm vỏ cây dâu và cây du cắt nhỏ ra nấu cháo ăn, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy vẫn kiên trì đọc sách.
Bọn họ có một người hầu tên là Đô Nhi, anh ta cùng với chủ nhân đồng tâm hiệp lực, tuy trải qua thời gian khó khăn, nhưng tinh thần vẫn luôn vui vẻ.
Mọi người biết chuyện của Dương Thành thường so sánh ông với Quản Ninh thời Tam Quốc. Lúc ấy những người thân thích thấy bọn họ nghèo khó như vậy thì đều thương cảm, mọi người tặng cho họ đồ ăn ngon, nhưng bọn họ đều không chịu nhận, hoặc là cho chim ăn. Có một lần, có người đưa cho họ mười chén cám, bọn họ liền lập tức ăn hết.
Nước chư hầu ở Sơn Đông biết được hành vi cao thượng của bọn họ, liền phái sứ giả mang tới cho họ 500 xấp vải lụa. Dương Thành không nhận, nhưng nghe sứ giả nói rằng nếu ông không nhận thì sứ giả không được quay về, Dương Thành không biết làm sao đành phải chất vải vào một góc ở trong phòng, từ đó về sau mãi cũng không thấy sử dụng đến.
Không lâu sau, có một người hiểu biết lễ nghĩa tên là Trịnh Thích, vì có tang sự, nên phải tìm bạn bè để vay tiền nhưng không được. Lúc trở về thì đi ngang qua chỗ của Dương Thành, liền vào nhà để bái kiến Dương Thành.
Dương Thành nhìn thấy bộ dạng đau khổ, gầy yếu của anh ta, liền hỏi nguyên nhân vì sao mà thảm thương vậy, Trịnh Thích mới kể hết mọi chuyện cho Dương Thành nghe.
Dương Thành nghe xong liền nói: “Tôi thực sự cảm động trước phẩm đức của anh. Gần đây chư hầu có tặng một số vật phẩm, để ở đây cũng không biết dùng làm gì, tôi xin tặng tất cả cho anh, để anh làm cho tròn đạo hiếu”.
Trịnh Thích từ chối không nhận, Dương Thành nói: “Đây không phải là thứ tôi cần, anh còn nhường nhịn gì nữa?”. Trịnh Thích nói: “Anh đã cho tôi ân huệ lớn như vậy, sau khi tôi làm xong việc, xin làm người hầu của anh để đền đáp lại mối ân tình”. Nói xong liền rời đi.
Sau khi Trịnh Thích làm xong tang sự ở Đông Lạc, liền trở lại chỗ của Dương Thành để thực hiện lời hứa của mình. Dương Thành nói với anh ta: “Anh nếu như không còn nơi nào để đi, cứ ở lại đây cùng học với tôi là được rồi, cần gì cứ phải làm người hầu cho tôi?”.
Trịnh Thích nghe xong chảy nước mắt nói: “Nếu có thể được như vậy, thì người ti tiện như tôi đây thật may mắn biết nhường nào”.
Có điều, khả năng ghi nhớ khi đọc sách của Trịnh Thích rất kém. Sau một tháng, Dương Thành nói anh ta thử đọc một bài thơ cổ nhưng cũng không nhớ nổi. Dù vậy Trịnh Thích vẫn không ngừng học tập, chỉ là khi cùng nhau thảo luận, anh ta một câu cũng không trả lời được.
Trịnh Thích vô cùng xấu hổ, Dương Thành nói với anh ta: “Cái này là do anh chơi quá thân với em trai của tôi, cho nên hiệu quả không tốt. Ở phía Bắc có một ngôi nhà tranh lớn, anh có thể tới đó học tập một mình”. Trịnh Thích nghe xong rất cao hứng, lập tức chuyển tới đó ở.
Một tháng sau, Dương Thành gặp lại anh ta, cùng nhau thảo luận về “Quốc phong” trong Kinh Thi, Trịnh Thích tuy rất cố gắng, nhưng một câu cũng không đáp được, anh ta cảm thấy rất xấu hổ.
Cuối cùng Dương Thành vừa đi ra khỏi nhà được vài chục bước, Trịnh Thích đã treo cổ lên xà nhà tự vẫn. Người hầu đưa cơm nhìn thấy liền chạy về nói với Dương Thành, Dương Thành thương cảm khóc đến muốn ngất đi. Anh nói người hầu chuẩn bị rượu để làm lễ tế Trịnh Thích, hơn nữa còn tự mình đọc to văn tế trước điện thờ.
Anh ta tự trách bản thân: “Ta mặc dù không giết Trịnh Thích, nhưng Trịnh Thích lại vì ta mà chết”. Sau đó anh ta cởi áo của mình, rồi nhờ người hầu dùng cành mận gai quất xuống lưng 15 cái. Đánh xong lại mặc áo tang vào, rồi tiếp tục làm tang lễ cho Trịnh Thích.
Về sau Dương Thành được những thân sĩ ở địa phương tiến cử, làm Gián nghi đại phu. Khi Dương Thành nhận chức Thái thú Giang Hoa Đô, mỗi ngày đều nấu hai hộc gạo cùng một tô canh cá to, bất kể là sứ giả của hoàng đế hay dân trong thôn đều có thể tùy ý đến lấy ăn. Ông đối đãi với mọi người trước nay chưa từng phân biệt sang hèn, quả là tấm gương sáng cho muôn đời sau .
Chân Chân biên dịch