Tinh Hoa

Cổ nhân gương sáng còn soi, ân tròn nghĩa vẹn lưu danh anh hùng

Theo lời dạy của Khổng Tử, báo ân không đơn giản chỉ là đáp trả mà còn phải bày tỏ sự nhiệt thành. Trong Đệ Tử Quy, một bản văn vần mà trẻ em thuộc nằm lòng, viết rằng: “Ân phải báo, oán nên quên. Oán qua nhanh, ân lâu dài”.

Hàn Tín nhận thức ăn từ tay một lão nhân, tranh vẽ năm 1503 của họa sĩ Guo Xu.

Bài học về lòng biết ơn xuyên suốt trong lịch sử văn hóa Trung Hoa và được thể hiện qua câu chuyện của ba chính khách thời cổ đại.

Hàn Tín không quên bữa ăn lúc đói, rèn giữ chữ Tín

Hàn Tín là nhân vật anh hùng xuất hiện vào khoảng năm 200 TCN, cách đây hơn 2.000 năm. Ông có thể được xem là công thần góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nhà Hán. Thời niên thiếu, Hàn Tín phải sống cảnh nghèo túng và cơ cực, nhưng cũng chính môi trường ấy mà tính cách anh hùng của ông được tôi luyện.

Một lần nọ, Hàn Tín đói lả vẫn đang cố gắng bắt cá ở bờ sông. Có vài phụ nữ hay giặt quần áo gần đó, nhưng họ không mấy khi quan tâm đến thanh niên nghèo khó. Tuy nhiên, hôm ấy lại có người bỗng thấy thương hại và bố thí cho Hàn Tín ít thức ăn.

Sau khi ăn xong, Hàn Tín nói: “Thưa phu nhân, tôi sẽ báo đáp ân tình này”.

Người phụ nữ tỏ vẻ nghi ngại: “Này cậu trai trẻ, đến miếng ăn hàng ngày cậu còn chưa lo nổi. Tôi chỉ là thương hại cậu thôi, đừng nghĩ đến báo đáp chi cả”.

Hàn Tín vốn là người luyện võ và luôn mang theo kiếm bên mình. Một hôm, có tên vô lại chặn đường ông.

Hắn ta buộc Hàn Tín dùng gươm chặt đầu hắn nếu không thì phải chui qua háng của hắn để được đi tiếp. Thời đó, chui qua háng của người khác là hành động vô cùng nhục nhã, đặc biệt là đối với một chiến binh.

Việc kết liễu mạng sống của một tên vô lại có thể còn dễ dàng hơn đối với Hàn Tín, nhưng ông đã hành động ngược lại. Mặc cho gã đàn ông chế nhạo, Hàn Tín chấp nhận sự sỉ nhục và sau đó rời đi như chưa có gì xảy ra.

Sự việc sau này trở thành một thành ngữ lưu truyền trong dân gian là “hạ khố chi nhục”.

Thời gian trôi qua, Hàn Tín trở thành đại tướng quân, đánh bại mọi kẻ thù của nhà Hán và góp công dựng lập triều đại huy hoàng trong sử sách Trung Quốc.

Đúng như lời đã hứa, Hàn Tín tìm lại người phụ nữ đã cho ông thức ăn khi xưa, giờ đã là một bà lão. Ông đem đến một túi vàng và khăng khăng xin bà nhận lấy.

Thêm nữa, bản thân ông nhận ra rằng, sự sỉ nhục của kẻ vô lại và hành động tử tế của người phụ nữ đã rèn luyện nhân cách của mình. Ông tìm lại và ban thưởng cho người đàn ông khi xưa như một lời cảm ơn vì đã giúp cho ông bài học về tâm Đại Nhẫn.

Nhìn thấy cậu bé từng bị mình bắt nạt nay đã trở thành một vĩ nhân, người đàn ông cúi lạy trước Hàn Tín và cầu xin tha thứ.

Tần Mục Công thoát hiểm nhờ lấy ân báo oán

Tần Mục Công

Thế kỷ thứ 7 TCN, Tần là một nước chư hầu phía Tây luôn xảy ra xung đột với nhà Tấn hùng mạnh. Năm nọ, nước Tấn xảy ra nạn đói. Mục Công là người cai trị nước Tần, cảm thương cho hoàn cảnh đói khổ của dân Tấn nên quyết định vận chuyển lương thực vượt sông Hoàng Hà cứu đói.

Năm sau, khi Tần bị nạn đói hoành hành và hỏi xin nước Tấn giúp đỡ. Người cai trị Tấn quốc là Huệ Công, chẳng những từ chối viện trợ mà còn dẫn quân đánh chiếm.

Tần Mục Công vô cùng tức giận, lập tức dẫn quân ứng chiến. Nhưng binh lính nước Tấn nhanh chóng chiếm thế thượng phong và bao vây Tần Mục Công.

Khi tình cảnh như nghìn cân treo sợi tóc, một nhóm dân du mục gần 300 người, đột ngột đến giải vây, tổ chức đánh tỉa, tiêu hao đáng kể quân Tấn. Tình thế đảo ngược, quân Tần không chỉ thoát khỏi vòng vây mà còn chiến thắng và bắt được Tấn Huệ Công.

Cả Tần Mục Công lẫn quân Tấn đều bối rối, không biết những người này là ai? Tại sao họ lại ra tay tương trợ?

Hóa ra, những người này đến để trả nợ. Vài năm trước, họ đã bắt và giết thịt một số chiến mã tinh nhuệ của Tần Mục Công. Hay tin, Tần Mục Công không cầm được cơn thịnh nộ, muốn mau chóng đi hỏi tội. Nhưng nghĩ lại, giết chết mấy trăm người cũng không giúp cho chiến mã của ông sống lại. Thế nên ông quyết định ban thêm một ít rượu ngon và thức ăn cho họ. Sự khoan dung và độ lượng của Tần Mục Công đã cứu ông thoát khỏi nguy hiểm.

Ngũ Tử Tư thọ ân người đánh cá, rút quân báo đáp

Tượng đài tướng quốc Ngũ Tử Tư tại thành phố Tô Châu.

Hai thế kỷ sau thời Hàn Tín, nước Ngô hùng mạnh đem quân đánh nước Trịnh. Tấn Định Công, người cai trị nước Trịnh, phải lo toan mọi bề để tìm cách thoát khỏi tình trạng khó khăn này. Ông hứa sẽ trả công hậu hỷ cho bất cứ ai có thể giúp Trịnh quốc thoát khỏi diệt vong.

Bốn ngày qua đi nhưng chưa có phương cách gì. Cuối cùng, một ngư dân trẻ tuổi xin yết kiến và nói: “Tôi có thể đẩy lùi quân Ngô”.

Vị tướng quân hỏi: “Ngươi cần bao nhiêu người và ngựa?”

“Tôi không cần binh sĩ hay vũ khí. Chỉ cần mái chèo này là đủ”, người ngư dân trả lời.

Sau đó, anh thẳng tiến về phía doanh trại của Tướng quốc Ngũ Tử Tư.

Ngày trước, Ngũ Tử Tư vốn là quan nhân nước Sở, quê nhà của ông. Khi vua Sở nghe lời dèm pha từ kẻ xấu, buộc tôi cha và anh của ông. Ông biết rồi sẽ đến lượt mình nên nhanh chóng trốn thoát. Mặc cho binh lính truy đuổi, ông cố tìm cách trốn khỏi nước Sở, chờ ngày giành lại công lý cho gia tộc.

Trên đường đi, Ngũ Tử Tư đến bên sông Dương Tử hùng vĩ. Ẩn trong đám sậy, ông nhìn thấy một người đánh cá già nua. Lão đánh cá nhìn thấy bóng người trong đám lau, bèn gọi ra; biết chuyện Ngũ Tử Tư muốn bỏ trốn, lại quan sát thấy vóc dáng mà đoán biết đây không phải người bình thường, đồng thời cũng thấy được sứ mệnh của mình chính là cứu con người đặc biệt này thoát hiểm, ông lão quyết định đưa Ngũ Tử Tư sang sông. Sau khi sang bờ, ông lão đánh đắm thuyền tự vẫn để thoát khỏi tra hỏi và bảo toàn tính mệnh cho Ngũ Tử Tư.

Chứng kiến cảnh đó, Ngũ Tử Tư khóc than mà rằng: “Tôi sống nhờ lão bá, lão bá lại phải chết vì tôi. Thật là một thảm kịch!”.

Sau này, Ngũ Tử Tư trở thành Tướng quốc phò tá cho nhà Ngô.

Đoạn nói về chàng ngư dân trẻ, anh vừa cất tiếng hát vừa khua mái chèo đến gần doanh trại của Ngũ Tử Tư.

“Ngài có nhớ, ngài có nhớ, ai đã từng trốn trong lau sậy?

Có nhớ người đánh cá già hôm nào đã đưa ngài qua sông Dương Tử?”

Vị tướng hỏi vọng ra từ lều của mình: “Này chàng trai trẻ, cậu là ai?”

“Ngài không nhận ra mái chèo này sao? Cha tôi từng dùng nó để cứu ngài”, chàng trai đáp.

“Ta còn nhớ”, Ngũ Tử Tư nói, “Cậu là con trai của lão bá, nhưng sao cậu lại ở đây?”

“Ngài đang xâm chiếm quê hương tôi”, người thanh niên nói, “Nếu tôi có thể chấm dứt cuộc chiến này, Tấn Định Công sẽ ban thưởng cho tôi. Tướng quân, xin hãy nhớ đến người cha quá cố của tôi!”.

“Nhờ ơn cứu mạng của cha của cậu mà ta mới có được ngày hôm nay. Làm sao ta lại dễ dàng quên cho được?”, Ngũ Tử Tư nói và sau đó nhanh chóng lui quân về nước Ngô.

Chàng ngư dân trẻ trở thành anh hùng, được ban thưởng một trăm mẫu đất màu mỡ cùng chức quan địa phương.

Hành động và tính cách của Ngũ Tử Tư được ghi nhớ như là một khuôn mẫu vẹn nguyên truyền thống Trung Hoa. Đây cũng là một minh chứng cho câu: ‘Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo’.

An Nhiên – Theo Epoch Times