Con người làm chuyện xấu quá nhiều, sẽ có các loại thiên tai nhân họa xuất hiện. Bề mặt xem ra thì ngẫu nhiên, kỳ thực đều là Thiên ý. Mà loại Thiên ý này cũng là điều bất đắc dĩ của Thần.
Trong thị khu Lợi Châu (nay thuộc Tứ Xuyên) có một người cả ngày tóc tai bù xù, đi chân trần, mặc áo vải ngắn. Khi nói chuyện với mọi người, người này nói rất nhiều điều là việc trên trời. Có lúc bắt gặp được giấy bút, thì anh ta hớn hở vẽ lâu đài cung điện, các nhân vật bên trong đó cầm nhạc khí trên tay; hoặc là vẽ rồng cùng các loại loan điểu phượng hoàng trong mây và sương mù. Buổi tối thì anh ta ngủ ở trong miếu. Mọi người gọi anh ta là Thiên Tự Tại.
Phía Nam Lợi Châu có một cái chợ, nơi này tiếng người náo nhiệt. Một buổi tối nọ, trong chợ đột nhiên phát hỏa, khói lửa mịt mù cả một góc trời. Thiên Tự Tại ở trong miếu lẩm bẩm: “Người nơi này làm xằng làm bậy lâu nay, ông Trời sẽ diệt bọn họ“.
Nói xong dùng tay vốc nước trong bồn đá đặt trước bậc thềm mà vẩy lên trời. Lập tức có một luồng khí đặc biệt từ cửa miếu bay ra ngoài, biến thành một trận mưa lớn như trút nước, dập tắt toàn bộ ngọn lửa đang cháy rừng rực.
Sau sự việc này, chưởng quản Thần miếu thường đem chuyện nói với người khác. Vì vậy, Thiên Tự Tại liền lặng lẽ rời đi. Về sau, nơi này quả nhiên bị một trận hỏa hoạn đốt trụi, rất nhiều người đều mất mạng trong đám cháy. Lời Thiên Tự Tại từng nói đã ứng nghiệm.
Thiên Tự Tại cũng từng thử cải biến kết cục sự việc, cho nên anh ta mới sử dụng thần thông dập lửa. Chỉ là con người đã biến thành xấu, Thần cũng không còn cách nào khác. Thiên Tự Tại khi thấy loại kết cục như vậy, cũng chỉ có thể lựa chọn việc rời đi. Lần thứ hai hỏa hoạn xảy ra đã hủy diệt hoàn toàn địa khu đó.
Câu chuyện này lưu lại cho chúng ta một lời giáo huấn rằng: các vị Thần Phật không hề muốn giáng tai ương để trừng phạt nhân loại, các Ngài vẫn luôn cố gắng thay nhân loại hóa giải kiếp nạn, mong chờ con người hồi tâm hướng Thiện. Chỉ khi con người thật sự không tỉnh ngộ, cứ mãi làm xằng làm bậy, thì Thần Phật mới buộc lòng phải buông tay.
Thế Di