“Liệt nữ truyện” viết về 105 người phụ nữ mẫu mực thời cổ đại ở đất Trung Hoa. Trong số đó khéo hay lại có một cô gái mãi chưa gả được chồng, ngày nọ dựa vào cột nhà mà than thở không thôi. Và cũng bởi những lời than này mà được ghi vào sách.
Lỗ Quốc có một thành nhỏ tên là ấp Tất Thất, bên trong thành có một người phụ nữ đã quá tuổi lập gia đình mà vẫn chưa xuất giá. Lúc ấy Lỗ Mục Công, vị vua đời thứ 30 của Lỗ quốc tuổi đã già mà thái tử còn nhỏ tuổi.
Có một ngày, cô gái chưa chồng của ấp Tất Thất đứng dựa vào cột nhà buồn bã thở dài, người bên ngoài nghe thấy không ai là không thương cảm. Một vị phu nhân nhà hàng xóm đi ngang qua trước cửa liền hỏi rằng: “Cô vì sao mà bi ai như vậy? Có phải là muốn lấy chồng rồi không? Để tôi tìm cho cô một đức lang quân nhé!”.
Cô gái nói: “Tôi vẫn tưởng bà là người có kiến thức, hôm nay sao lại thiếu hiểu biết như vậy! Tôi đâu phải vì bản thân không lấy được chồng mà khổ não, tôi ưu sầu vì Lỗ Công già rồi mà thái tử thì lại còn quá nhỏ!”.
Phu nhân nhà hàng xóm nghe xong không khỏi bật cười, nói: “Đây là việc đáng buồn của Lỗ quốc, chứ có liên quan gì đến cô đâu!”.
Cô gái nói: “Bà nói sai rồi. Trước kia, một vị khách người nước Tấn đến ở tại nhà của tôi, ông ta buộc ngựa ở trong vườn rau nhà tôi. Không ngờ con ngựa giằng dây cương chạy loạn, dẫm đạp vườn rau xanh của nhà tôi, khiến cho tôi cả năm không có rau quỳ để ăn”.
“Con gái nhà hàng xóm bỏ trốn cùng người khác, họ lại kéo anh trai của tôi đuổi theo, không ngờ mấy ngày liền mưa dầm, nước sông tăng nhanh, anh trai trượt chân chết đuối, từ đó tôi đã mất đi anh trai”. (Dựa theo lễ xưa, con gái xuất giá, cha mẹ còn thì nghe theo cha mẹ, cha mẹ mất thì nghe theo anh em. Cô gái Tất Thất đã mất đi anh trai, khiến nàng đã đến tuổi hôn phối cũng không thể gả đi được).
Những chuyện này tưởng chừng không liên quan gì, nhưng cuối cùng lại ảnh hưởng trực tiếp tới cô. Từ hoàn cảnh của mình, cô gái liên tưởng đến vua của một nước: “Hôm nay Lỗ Công đã già, nhưng thái tử lại còn rất nhỏ, trong nước ngu muội, quan viên dối trá sẽ dần dần nhiều lên”.
Cô thở dài nói: “Lỗ quốc sẽ có nạn, quân thần phụ tử đều sẽ phải chịu nhục nhã, mối họa rồi cũng sẽ đổ vào người dân vô tội, phu nhân liệu có tránh khỏi? Cho nên tôi mới buồn bã không thôi. Phu nhân sao có thể nói điều này không có quan hệ gì với mình được?”.
Phu nhân nhà hàng xóm nghe cô gái nói như vậy, thì cúi đầu tạ lỗi: “Cô suy nghĩ chu toàn như vậy, tôi lại không hiểu mà đã thất lễ với cô”.
Ba năm sau, Lỗ quốc quả nhiên đại loạn. Hai nước Tề, Sở thừa cơ đánh vào nước Lỗ, khiến đất nước này mấy năm liền không yên ổn. Đàn ông ra tiền phương tác chiến, đàn bà ở hậu phương phụ trách cung ứng và vận chuyển vật tư, không ai có thời gian mà đi làm những công việc hàng ngày nữa, khiến việc nhà không chăm nom, nữ công không làm, ruộng thiếu người trồng trọt. Toàn bộ Lỗ quốc hiện ra cảnh tượng tiêu điều.
Ai có thể như cô gái Tất Thất này, dựa vào tuổi tác của nhà vua và thái tử, liền lường trước được mối họa Lỗ quốc sẽ gặp phải! Đời sau quân tử tán thưởng người con gái Tất Thất, nói nàng có suy nghĩ sâu xa. Trong “Thi Kinh” có câu: “Người hiểu ta, nói ta biết lo nghĩ, người không hiểu ta, nói ta cầu điều chi”, thật đúng trong tình huống này vậy.
(Trích trong “Liệt nữ truyện”)
>>> Thời cổ đại, vì sao người ta gọi hoàng đế qua đời là băng hà?
>>> Cổ học tùy bút: Thứ nhất học làm người, thứ hai học tri thức
Chân Chân, theo NTDTV