Tinh Hoa

Chuyện xưa nhắc rằng: Con người là anh linh của vạn vật

Thời xưa, ngựa rất được cổ nhân coi trọng, nó được coi như một bảo bối trong nhà, nhìn ngựa có thể nhận ra vị thế của một người. Tuy nhiên, lại có những câu chuyện rất ý nghĩa nhắc nhở rằng, con người mới là anh linh của vận vật, mới đáng được xem trọng nhất.

(Ảnh: Internet)

Quân tử không vì súc sinh mà hại người

Trong “Sử ký – Tần bản kỷ” ghi lại: Năm 645 TCN, Tần Mục Công và Tấn Huệ Công giao chiến với nhau tại Hàn Nguyên. Khi đó Tấn Huệ Công để lại đội quân chủ lực ở phía sau, lao lên đánh quân Tân rồi giả vờ bị thất thế tháo chạy. Tần Mục Công và binh lính đuổi theo, không thể bắt được Tấn Huệ Công, mà lại bị quân Tấn bao vây đánh trả, kết quả khiến Tần Mục Công bị thương. Đúng lúc này thì có một nhóm 300 người ở dưới núi Kỳ Sơn chạy như bay ra tập kích quân Tấn, cứu Tần Mục Công thoát khỏi vòng vây. Họ chính là những người đã ăn thịt con tuấn mã của Tần Mục Công trước đây.

Ngày trước, Tần Mục Công bị mất con tuấn mã, khoảng 300 người nông dân dưới núi Kỳ Sơn đã bắt con ngựa này giết thịt ăn. Cuối cùng quan phủ điều tra ra và bắt giữ bọn họ, khi chuẩn bị xử trí theo theo luật pháp thì Tần Mục Công nói:

“Quân tử sẽ không vì súc sinh mà hại người. Ta nghe nói nếm qua thịt ngựa mà không uống rượu, thì sẽ bị đau bụng”.

Vì thế, Tần Mục Công ban rượu và miễn tội cho tất cả. Ba trăm người này nghe nói Tần tiến đánh quân Tấn nên cũng muốn ra trận để giúp đỡ. Và cứ thế họ tiến về phía trước, thì vừa vặn đúng lúc Tần Mục Công đang bị truy đuổi, thế là ai cũng cầm binh khí liều chết lao vào, và cuối cùng đã báo đáp được ân đặc xá.

Sở Trang Vương mai táng cho ngựa

Trong “Sử ký – Hoạt kê liệt truyện” có ghi lại rằng, Sở Trang Vương rất yêu quý một con ngựa, ông cho nó mặc áo gấm, ở trong phòng đẹp, nuôi nó bằng mứt hoa quả. Sau đó con ngựa này vì quá béo nên đã mắc bệnh mà chết, Sở Trang Vương hạ lệnh cho quần thần làm tang lễ cho nó, hạ lệnh phải cho nó vào quan tài rồi mới an táng. Các đại thần trong triều ai cũng can ngăn Sở Trang Vương rằng không thể làm như thế. Nghe vậy Sở Trang Vương vô cùng tức giận ra lệnh: “Nếu ai còn có ý kiến về việc chôn cất con ngựa thì sẽ xử tội chết!” .

(Ảnh: Internet)

Ưu Mạnh là nghệ nhân âm nhạc ở nước Sở. Ông có thân hình cao tám thước, có tài hùng biện, ông thường dùng những cách nói chuyện rất hài hước để khuyên can Sở Trang Vương.

Ưu Mạnh nghe chuyện Sở Trang Vương muốn an táng cho ngựa, liền vào cung, lúc đi vào cửa điện, thì ông ngửa mặt lên trời khóc lớn. Trang Vương giật mình hỏi nguyên do. Ưu Mạnh nói: “Ngựa đã chết là vật quý của Đại Vương, đường đường là Sở quốc, đất rộng của nhiều, mà bây giờ chỉ có mỗi đại thần đến làm lễ an táng, vậy là quá keo kiệt rồi! Thưa Đại Vương, phải là Quân Vương đứng ra làm lễ tang thì mới là đúng”. Nghe vậy Trang Vương nói: “Vậy làm như thế nào?”.

Ưu Mạnh trả lời: “Thần thỉnh cầu dùng quan tài bên ngoài được bao bởi những loại gỗ quý thượng hạng có khắc hoa văn, còn bên trong thì phải được lát bằng mỹ ngọc hoa lệ. Sau đó điều động quân sĩ đào huyệt, để người tuổi già sức yếu đắp mộ, mời sứ thần Tề quốc, Triệu quốc đến đứng ở phía trước phụ lễ, sứ thần Hàn quốc, Ngụy quốc đứng ở phía sau bảo vệ; rồi xây một ngôi miếu thờ, giết dê bò lợn để cúng tế, và lệnh cho người trong vùng phải cung phụng miếu này. Như vậy các nước nghe thấy, sẽ đều biết Đại Vương trọng ngựa hơn người”.

Trang vương nói: “Đến bước này thì ta càng thiếu sót! Nên làm gì bây giờ?”. Ưu Mạnh nói: “Vậy hãy an táng nó như những gia súc khác. Xây cái lò đất làm quách, nồi đồng làm quan tài, dùng gừng táo làm gia vị, dùng mộc lan để khử tanh, dùng gạo làm đồ cúng, dùng ánh lửa làm xiêm y, đem nó an táng ở bên trong dạ dày mọi người”. Sau đó Trang Vương nghe theo lời của Ưu Mạnh phái người đem xác con ngựa giao cho quan chủ quản nhà bếp trong cung.

Sau này cũng có chuyện tương tự xảy ra vào thời kì Hán Vũ Đế. Chuyện kể rằng, có một lần Ðại Uyên dâng tặng cho Đại Hán một con ngựa Hãn Huyết Bảo Mã. Hán Vũ Đế vô cùng yêu quý con ngựa này, và đã cùng với nó xông pha bao trận mạc, lập không ít công lao. Đến khi nó chết, Hán Vũ Đế muốn làm hậu táng cho nó, và cũng bị các đại thần khuyên ngăn. Sau đó, Vũ Đế đã bỏ ý định này.

***

Người xưa quý trọng ngựa, coi đó là bảo bối trong nhà. Không ít người so sánh giữa con ngựa của thời xưa và một chiếc ô tô thời thượng của ngày nay. Nhiều người cho rằng, người thời xưa chọn cho mình một con ngựa tốt, đẹp mã, giống như người ngày nay chọn mua cho mình một chiếc xe hơi hiện đại và đắt tiền vậy!

Một con ngựa quý, hay một chiếc xe thời thượng, dù sao nó cũng có thể thể hiện được địa vị của một con người trong xã hội. Tuy nhiên, nó không thể nói lên tất cả. Bởi dù sao, nó cũng chỉ là của cải vật chất phù du, rồi cũng có lúc sẽ rời bỏ chúng ta đi mà thôi. Vậy nên, cớ chi chúng ta phải tiếc nuối? Sinh mệnh con người mới là anh linh của vạn vật, mới là thứ vô giá đáng được chúng ta trân quý nhất trên đời này.

Lê Hiếu, dịch từ epochtimes.com