Người thông minh không chống cự được nghiệp lực, người giàu có không thoát khỏi luân hồi. Chỉ có những người thành tâm tu luyện mới có thể thực sự được giải thoát. Câu chuyện nàng công chúa quyết tâm từ bỏ cuộc sống xa hoa, xuất gia cửa Phật khiến chúng ta cảm phục.
Khi Đức Phật còn ở trong thành Xá Vệ, Lộc Dã Uyển là nơi thuộc phạm vi trị vì của quốc vương Phạm Thí. Thời mà quốc vương Phạm Thí còn tại vị, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, khắp nơi hiện lên một cảnh tượng tràn đầy sức sống, hưng thịnh phồn vinh. Quốc vương Phạm Thí theo lý theo pháp cai quản đất nước, vậy nên dân chúng sống một cuộc sống an hòa, hạnh phúc.
Hy Ca Mỹ Nữ
Không lâu sau, hoàng hậu mang thai, mười tháng sau sinh hạ một bé gái đoan trang mỹ lệ, trong ngoài cung đình cùng cử hành một nghi lễ long trọng chúc mừng công chúa mới sinh. Trong lúc đặt tên, vì họ của hoàng tộc là “Hy Ca”, mà bé gái này lại có vẻ đẹp trời sinh, tú mỹ phi phàm, nên đã đặt tên là Hy Ca Mỹ Nữ.
Quốc vương đã mời tám người dì chăm sóc cho nàng, mỗi ngày đều hết lòng che chở thương yêu. Hy Ca Mỹ Nữ không chỉ xinh đẹp, mà còn thông minh hơn người. Nàng dưới sự chỉ dạy của các danh sư, ngay từ lúc nhỏ đã thông hiểu các loại văn võ, toán học, kinh sử, thi phú, cùng các loại học vấn khác, ngoài ra nàng còn đi sâu nghiên cứu Phật Pháp, có tín tâm tuyệt đối vào Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thường nương nhờ sức của ba mẹ để cúng dường Tam bảo.
Ca Hy Mỹ Nữ sau khi lớn lên, trong sáng hiền thục, tú lệ trang nghiêm, như hoa như ngọc, có thể nói là “Thiên hạ đệ nhất”, đến nỗi quốc vương của sáu nước láng giềng đều muốn hỏi cưới cô. Họ cử sứ giả mang thư đến Lộc Dã Uyển, bày tỏ ước vọng được kết thân, hỏi cưới con gái của ngài.
Quốc vương Phạm Thí sau khi nhận được lời ngỏ của quốc vương sáu nước, trong tâm cảm thấy bất an nghĩ: “Ta chỉ có một đứa con gái, nếu như chỉ nhận lời một người trong số họ, thì năm nước còn lại nhất định sẽ ôm hận trong lòng, nếu như dấy lên chiến tranh, sẽ nguy hại đến thần dân cả nước”.
Vì vậy, quốc vương Phạm Thí không dám nhận lời yêu cầu của bất kể quốc vương nào. Quốc vương sáu nước đều không kiềm chế được nỗi tức giận trong lòng, nên đã tự mình thống lĩnh đội quân lớn tấn công Lộc Dã Uyển, nhằm cướp người.
Ca Hy Mỹ Nữ muốn tự mình kén chồng để giải quyết phân tranh
Buổi sáng một ngày kia, quốc vương Phạm Thí bước lên tường thành Lộc Dã Uyển, cảnh tượng xuất hiện trước mặt chính là quân đội sáu nước. Ông cảm thấy hết thảy đều xong rồi, trong lòng vô cùng lo lắng, cất những bước chân nặng nề, mặt ủ mày chau trở về hoàng cung, sầu khổ suy tư. Lúc này, Ca Hy Mỹ Nữ đến bên phụ vương, nhìn thấy phụ vương mặt mày buồn bã, vội hỏi: “Phụ vương, có chuyện gì mà khiến người đầy tâm sự vậy?”
“Con gái ơi! Đây đều là vì con cả đấy!”, quốc vương đăm chiêu, ủ dột nói.
“Tại con sao? Có phải bởi con không đủ xinh đẹp hay không?”
“Không phải là vì không đẹp, mà là bởi con quá xinh đẹp, mới khiến cho quốc vương của sáu nước đều muốn lấy cho được con, cha sợ đắc tội với bất kỳ nước nào, vì vậy nên cứ một mực không nhận lời họ. Không ngờ hôm nay sáu nước cùng lúc kéo binh đến trước cổng thành, thật không biết phải làm thế nào mới tốt đây?”. Quốc vương Phạm Thí cười gượng.
Ca Hy Mỹ Nữ ngẫm nghĩ một hồi bèn hỏi: “Phụ vương, con gái có quyền để lựa chọn hôn nhân của mình hay không?”.
Quốc vương trả lời rất mau: “Tất nhiên là con có quyền lựa chọn rồi”.
Mỹ Nữ an ủi phụ vương, nói: “Phụ vương, xin chớ có đau buồn, cha nói với quốc vương của sáu nước đó rằng, con sẽ đích thân lựa chọn một vị hôn phu”.
Quốc vương nghe xong những lời này, trong lòng nhẹ nhõm rất nhiều, liền cử sáu vị sứ giả gửi thư sang 6 nước láng giềng, xin họ thu binh chờ đợi vài hôm, chuẩn bị tham gia ứng tuyển. Lúc này, sáu vị quốc vương đều ngạo mạn cho rằng Ca Hy Mỹ Nữ nhất định sẽ chọn mình, vì vậy, đã không hẹn mà cùng lui binh.
Sứ giả đem tình hình chân thật báo cáo lại với quốc vương, quốc vương nghĩ trong lòng: “Bất kể con gái chọn trúng vị quốc vương nào, chỉ mong những quốc vương khác đều có thể tâm phục khẩu phục! Chỉ cần quốc thái dân an, thì ta đã mãn nguyện rồi!”. Quốc vương dần dần bình tĩnh trở lại.
Sáu vị quốc vương ứng tuyển sau khi trở về, mỗi bên đều sửa sang cung điện. Đợi đến ngày hẹn, họ đeo trên mình các loại trang sức quý giá, dắt theo voi, châu báu, tài vật và quyến thuộc đến Lộc Uyển Dã đúng hẹn. Mỗi người ngồi trên ghế sư tử, chờ đợi Ca Hy Mỹ Nữ đến nơi.
Ca Hy Mỹ Nữ thân đeo trang sức, mình mặc xiêm y lộng lẫy, cưỡi trên lưng voi, không nhanh không chậm đi ngang qua trước mặt mỗi vị quốc vương. Cuối cùng, cô chân thành nói với các quốc vương rằng: “Ta không nguyện ý cùng với bất kỳ ai sống cuộc sống thế gian phù phiếm ảo tượng này, ta sẽ đi lễ bái Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, xuất gia học đạo”. Sau khi nói xong, Ca Hy Mỹ Nữ liền rời khỏi.
Ca Hy Mỹ Nữ xuống tóc xuất gia, Thế Tôn khai thị về nhân duyên đời trước
Sáu vị quốc vương cùng quyến thuộc nhìn thấy hình bóng của nàng từ từ rời đi thì cảm thấy rất thất vọng. Tuy nhiên, họ lại cảm thấy cô gái xinh đẹp này thật hiếm thấy, có nguyện ý quy y Phật Đà, chứ không muốn tận hưởng vinh hoa phú quý của thế gian con người.
Quốc vương Phạm Thí cùng hết thảy gia quyến cũng tận mắt chứng kiến hết thảy điều này. Họ bán tín bán nghi đi theo sau Ca Hy Mỹ Nữ, để xem những lời nàng nói rốt cuộc là thật hay giả?
Ca Hy Mỹ Nữ có lúc thì cưỡi trên lưng voi, có lúc thì cất bước đi bộ về phía trước, dọc đường gian nan vất vả, cuối cùng đã đến nơi an trú của Đức Phật. Gặp được Đức Phật, nàng chắp tay dưới chân Ngài, cung kính đảnh lễ khẩn cầu: “Thế Tôn, con nguyện xuất gia dưới giáo Pháp của Ngài, thọ trì giới luật thanh tịnh, xin Ngài ân chuẩn”.
Đức Phật vui vẻ nhận lời, rồi tìm trưởng ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề đến, đích thân gửi gắm Ca Hy Mỹ Nữ cho bà.
Trưởng ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề liền cạo đầu cho Ca Hy Mỹ Nữ, truyền dạy toàn bộ giới luật, đồng thời cũng truyền Pháp tương ứng cho nàng. Nàng tinh tấn tu trì, chẳng bao lâu sau, liền đoạn tuyệt hết thảy phiền não, chứng đắc quả vị A La Hán.
Lúc đó, những người đi theo sau cũng đã đến nơi, nhìn thấy Ca Hy Mỹ Nữ thật sự đã xuất gia, và chứng đắc quả vị, đều cảm thấy vô cùng ly kỳ. Ca Hy Mỹ Nữ lại đến trước mặt Thế Tôn tạ lễ, Thế Tôn cũng truyền Pháp cho những người theo Ca Hy Mỹ Nữ đến đây.
Lúc đó, chúng tỳ kheo hỏi Thế Tôn: “Thế Tôn! Ca Hy Mỹ Nữ do nhân duyên gì mà có thể sinh ra trong dòng dõi đế vương? Lại vì nhân duyên gì mà tướng mạo trang nghiêm, và có thể sinh khởi tín tâm lớn đối với Pháp của Như Lai, chứng đắc Thánh Quả mau chóng đến vậy? Cúi xin Thế Tôn từ bi diễn thuyết cho chúng con được rõ”.
Thế Tôn nói với mọi người: “Đây là duyên bởi nguyện lực trước đây của cô ấy. Cách đây rất lâu, thời mà người Hiền Kiếp thọ đến hai vạn tuổi, Đức Như Lai Ca Diếp xuất thế. Thời bấy giờ Lộc Dã Uyển có một vị thí chủ tài sản rất nhiều, con dâu nhà ông sinh hạ được một bé gái xinh đẹp, cô gái này sau khi lớn lên đã sinh khởi tín tấm rất lớn đối với Đức Như Lai Ca Diếp. Cô mượn sức của cha mẹ xây dựng tinh xá, dùng để cúng dường Đức Như Lai Ca Diếp và chúng tăng, và được cha mẹ đồng ý, cô đã xuất gia tu hành, một đời giữ giới thanh tịnh, tinh tấn nghe Pháp tu học”.
Trước lúc lâm chung, cô đã phát một nguyện: “Nguyện đem hết thảy công đức bố thí cúng dường, trì giới, tu học, v.v…Trong một đời của ta, đời đời kiếp kiếp sinh ra trong nhà giàu có, tướng mạo trang nghiêm, và có thể xuất gia dưới giáo Pháp của Đức Thích Ca Thế Tôn, chứng đắc quả vị A La Hán”. Tỳ kheo ni phát nguyện này chính là Ca Hy Mỹ Nữ, bởi vì nguyện lực trước đây của cô đã chín muồi, vậy nên đời này có thể sinh ra trong nhà giàu có, thân tướng trang nghiêm, đồng thời khởi tín tâm đối với ta, xuất gia làm ni, chứng đắc Thánh quả”.
Tiểu Thiện, dịch từ secretchina.com