“Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” làm người mà không biết kính sợ Thần Phật, dám đấu với trời, đấu với đất, đấu với người, không việc ác nào không dám làm thì trước sau cũng bị trừng phạt thảm khốc.
Cách đây vài ngày, chúng tôi đi công tác đến huyện Tuy Trung, tỉnh Liêu Ninh, công việc cũng nhàn nhã, nên bạn bè tại đó mời chúng tôi đến thăm Cửu Môn ở Vạn Lý Trường Thành. Lên đến nửa đoạn đường phía Nam của Vạn Lý Trường Thành, chúng tôi gặp một người đàn ông đang bán một loại rượu đặc biệt, mang tên “Hảo hán suất uyển tửu” (Anh hùng ném chén rượu).
Người đàn ông này rất nhiệt tình và mau miệng, trong giờ cơm trưa đã uống nửa chén rượu, khuôn mặt đỏ tía tràn đầy hưng phấn, rao bán hàng một cách vô cùng đắc ý và hài lòng. Vì cảm thấy có duyên, nên chúng tôi đã tới bắt chuyện với anh ta, cũng tranh thủ dừng chân nghỉ ngơi.
Nói đến rượu, gương mặt anh ta đầy tự hào, liền kể lại một câu chuyện. Cửu Môn là ranh giới giữa Hà Bắc và Liêu Ninh, còn nhà của anh ta nằm ở một ngôi làng miền núi của tỉnh Hà Bắc cách Cửu Môn không xa, anh là một thợ rèn tay nghề giỏi và rất nhiệt tình.
Do thôn làng của anh ở vùng xa xôi, đi lại khó khăn, nên những nông cụ hay vật liệu xây dựng gạch vữa đều do ông nội của anh ta làm ra, miễn là những người hàng xóm cần đến, thì ông nội đều nhiệt tình giúp đỡ.
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, ngôi làng miền núi xa xôi này cũng bắt đầu xuất hiện các loại vận động, hiếm khi được yên tĩnh. Ông nội tốt bụng của anh ta nhìn thấy dân làng phải chịu khổ như vậy, liền nói: “Cứ tiếp tục thế này, bà con sẽ không còn gì để ăn”. Từ đó, ông âm thầm chế tạo các loại công cụ trong suốt một thời gian dài.
Đến một ngày nọ, ông nội gọi cha của anh tới trước mặt và nói: “Cha sống không được bao lâu nữa, nên nhân lúc còn có thể làm việc, cha đã làm sẵn một số công cụ, con hãy giữ gìn cẩn thận, để sau này người trong làng còn có thể dùng”. Chẳng bao lâu thì ông nội qua đời, để lại bộ công cụ cho dân làng nơi hẻo lánh này có thể sử dụng để kiếm sống.
Vì ông nội và cha của anh ta được người trong làng kính trọng, nên sau khi trong làng thành lập công xã nhân dân, thì cha của anh được mọi người bầu làm đội trưởng sản xuất, ông đã làm việc vô cùng chăm chỉ và nhiệt tình. Người trong làng muốn đưa cha của anh vào Đảng, nhưng ông nói: “Tôi tin vào Thần linh, tin vào thiện ác hữu báo” nên kiên quyết không gia nhập Đảng.
Sau đó, Cách mạng Văn hóa bắt đầu diễn ra, những cuộc vận động như phá tứ cựu, bài trừ mê tín đã khiến những hiện vật cổ trong làng đều bị phá hủy. Điều này đối với những thôn dân kính Thần trọng đức cảm thấy rất khó hiểu. Tuy nhiên, cũng có một vài người thiếu suy suy nghĩ, lợi dụng thời cơ nổi lên làm xằng bậy.
Trong thôn có một dòng suối trong vắt, bên cạnh dòng suối có một con rồng đá, không ai biết nó được tạo ra từ ngày tháng năm nào. Dòng suối này tuy không lớn, nhưng nước suối không bao giờ cạn. Vào đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, một nhóm người đã lên núi và đập gãy đầu rồng, rồi ném vào đầm nước Long Đàm. Chẳng bao lâu liền xuất hiện một trận lũ lớn làm ngập hết các con đường từ Hà Bắc đến Liêu Ninh, khiến giao thông bị tắc nghẽn.
Người dân địa phương đã tạo một đường bằng cáp treo nối giữa hai ngọn núi, người đi bộ phải đi lại bằng đường này. Một ngày nọ, kẻ đã đập đầu rồng cũng đi lên cáp treo, khi những người phía trước đều đã đi qua hết, đến lượt người này vừa đi đến giữa đường thì dây cáp bỗng đứt, khiến anh ta ngã xuống vực mà chết.
Sau khi đầu rồng bị đập đi thì dòng suối cũng khô cạn. Cha của anh ta đã luôn lo lắng về điều này: “Rồng là một vị Thần, làm sao mà có thể để người ta bắt nạt được?”. Thế là, cha anh ta đã đi đến Long Đàm để tìm đầu rồng, nhưng vì chỗ nước quá sâu, ông không thể vớt đầu rồng lên được. Ông lại băng đường núi rất xa, đi về phía Liêu Ninh, mượn máy bơm nước của người khác, bơm hết nước lên, rồi vác đầu rồng lên núi, sau đó lắp chiếc đầu rồng lại một cách hết sức kính cẩn.
Dân làng nghe nói rằng đầu rồng đã được tìm về, liền kéo nhau đến bên dòng suối để thờ cúng. Nhưng có một đứa bé đã nghịch ngợm lấy tay tát vào mặt rồng, lúc đó cũng không ai để ý tới, thế rồi lúc đi xuống núi thì một tai nạn đã xảy ra: một đám ong bắp cày đột nhiên bay đến vây quanh tấn công đứa bé khi nãy tát vào mặt rồng. Đứa bé che mặt nhưng tránh không kịp, trong lúc hoảng loạn đã ngã xuống vách đá mà chết.
Sau một thời gian dài, dòng suối lại xuất hiện trở lại, và những hố đá lại đầy nước trong xanh. Vào cuối những năm 1980, có một năm bị hạn hán kéo dài, nhiều con sông và ao hồ bị khô cạn, không có nước dẫn vào đồng ruộng, ở khu vực xung quanh có rất nhiều giếng, nhưng lại không có nước. Cha của anh ta cũng đào một cái giếng nhỏ trong sân nhà, bất ngờ là nước lại tuôn ra ngọt ngào thanh mát, cứ trào ra không ngừng, dân làng ở các vùng lân cận đã đến đây để lấy nước về dùng, họ đã giải quyết được nhu cầu cấp thiết.
Sau đó lại diễn ra cải cách và mở cửa, gia đình của anh ta bắt đầu sử dụng nước giếng để sản xuất rượu, gọi rượu đó là “Hảo hán suất uyển tửu”, hương thơm nồng đượm, vang danh khắp nơi, và cũng mang lại thu nhập rất tốt cho gia đình.
Câu chuyện được kể xong, rượu cũng đã uống xong, người đàn ông bán rượu mặt đỏ hồng hào, tâm đắc nói: “Đây chính là nguyên lý thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Làm người nhất định phải hành thiện tích đức, như vậy mới có thể được trời cao bảo hộ!”.
Tuệ Tâm, theo Secretchina