Người ta thường nói rằng, cuộc đời không biết ra sao ngày mai, ý rằng bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy đến trong nay mai mà con người không ngờ tới được. Một người giàu có hôm nay nhưng cũng có thể trở nên kiết xác trong ngày mai, và ngược lại một người luôn đen đủi cũng có thể bất ngờ đổi vận. Câu chuyện về ‘anh chàng vận rủi’ dưới đây là một ví dụ.
Năm Thành Hóa triều Minh, ở phía ngoài cửa Xương Môn thành Tô Châu có một người họ Văn tên Thực, tên chữ Nhược Hư. Chàng này từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, mọi loại cầm kỳ thi họa, thổi sáo, đánh đàn, ca múa đều biết cả. Chỉ có là không chăm chú việc kinh doanh để sinh sống, buôn bán thường bị thua lỗ.
Chẳng hạn như có một lần chàng ta nghe nói ở Bắc Kinh mùa hè buôn quạt rất lời, bèn mua rất nhiều quạt xếp, rồi mời những người có tiếng ở đấy như Văn Trưng Minh, Chúc Kỹ Sơn đến vẽ thư họa lên quạt, vẽ xong đóng hòm chở đến Bắc Kinh. Thế nhưng mùa hè năm đó, ở Bắc Kinh mưa liên miên, trời không hề nóng. Văn Thực cùng bọn người làm công cả ngày cứ phải ở trong nhà vì mưa, chẳng bán được cái quạt nào. Đến mùa thu, mở hòm ra xem thì quạt giấy bị ẩm nên mốc hết. Những chuyện như vậy thường luôn xảy ra với Văn Thực nên mọi người đặt cho chàng ta biệt hiệu là “Chàng lỡ vận”, có nghĩa là “Kẻ luôn gặp rủi ro”.
Thế nhưng “kẻ rủi ro” này cũng có lần vận đổi. Đó là lần ấy có một số người buôn bán đường biển định cùng nhau đi xa một chuyến. Văn Thực biết được nên cũng muốn đi theo, bèn tìm đến người dẫn đầu là Trương Đại. Trương Đại vốn tính hào hiệp, hay giúp đỡ người, nghe Văn Thực xin đi cùng thì bằng lòng ngay. Trước khi thuyền rời bến, ông ta còn đưa cho Văn Thực ít bạc bảo mua ít đồ ăn mang lên thuyền. Văn Thực cầm tiền vừa ngượng ngùng vừa cảm kích.
Chàng ta đến chợ, song không biết mấy đồng tiền trong tay nên mua cái gì đây. Lúc này đang mùa cam quýt, khắp chợ chỗ nào cũng bán quýt. Quýt ở đây trồng ở Động Đình Sơn vùng Thái Hồ, tuy không có tiếng như quýt Quảng Châu, Phúc Kiến, song quả nào cũng rất ngọt, giá lại rẻ. Chàng ta ngẫm nghĩ một lúc, thấy rằng mua quýt là tốt nhất, một là số lượng nhiều, có thể chia ra mọi người cùng ăn cho vui, hai là ăn quýt có thể giải khát, đi đường rất tốt. Lúc chàng thuê người gánh hơn một trăm cân quýt xuống thuyền, một số người vỗ tay cười lớn: “Ông Văn mua về nhiều quả quý thế!”.
Văn Thực nghe nói vậy thì ngượng quá không biết trốn đi đâu. Thuyền nhổ neo, đi liền bốn năm ngày đến quốc đô nước Cát Linh. Vừa ghé bến là những người buôn bán ào ào lên bờ. Ở Cát Linh, hàng hóa Trung Quốc có thể bán giá cao gấp ba. Cứ trao qua đổi lại như vậy có thể kiếm được khá nhiều tiền, cho nên những người này mặc dù rất vất vả khổ sở song đều rất vui. Chỉ có Văn Thực không có hàng cũng không có tiền, chỉ đành coi hàng cho họ ở trên thuyền.
Chàng ta ngồi trên thuyền lâu quá, thấy buồn tẻ, chợt nhớ đến sọt quýt mình mang lên để trong khoang đã nhiều ngày, bèn nhờ một phu thuyền khiêng giúp ra rồi đổ tất cả xuống sàn. Những trái quýt đỏ rực đầy ván thuyền. Người Cát Linh đi qua nhìn thấy không biết là cái gì mà đỏ vậy. Văn Thực thấy họ ngạc nhiên thì chỉ cười thầm. Chàng ta chọn lấy một trái bóc vỏ ăn, người trên bờ mới biết là thứ này ăn được, lại thấy Văn Thực ăn rất ngon lành khiến họ thèm ứa nước miếng.
Lúc đó có người không nhịn được, hỏi mua một trái ăn thử. Văn Thực buột miệng nói luôn: “Bác thực sự muốn mua thì cứ một đồng một trái”. Người kia lấy ra một đồng bạc trắng đổi lấy một trái quýt, bóc ngay ra ăn. Ăn xong bác ta thích thú kêu lên: “Quả là rất ngon!”, rồi lại móc ra mười đồng mua mười trái nữa. Người trên bờ xúm xít xem rồi tranh nhau móc tiền ra mua. Chỉ một lúc, chỗ quýt trên sàn thuyền bán hết sạch chẳng còn trái nào. Đợi cho người Cát Linh đi hết, Văn Thực mới đem số tiền bán quýt ra đếm, tất cả được hơn một ngàn đồng, mừng quá đến ngỡ ngàng cả người. Bọn đi thuyền mua bán xong trở lại thấy Văn Thực kể như vậy đều bảo rằng “anh chàng đen đủi” đã gặp thời đổi vận.
Lần ấy kiếm được một món tiền, Trương Đại khuyên Văn Thực nên mua một số hàng của Cát Linh đem về Trung Quốc bán. Văn Thực lắc đầu lia lịa, rằng mình không phải người biết buôn bán, lần nào làm cũng lỗ. Mọi người nghe nói thế đều thôi không nói gì nữa.
Mấy ngày sau, Trương Đại cho thuyền quay về nước. Một hôm đang đi trên biển, bỗng mây đen kín trời, song dữ dâng cao, biết là giông bão đến nơi. Người trên thuyền vội kéo buồm nương chiều gió tìm nơi ẩn nấp. Một lúc sau, thuyền theo gió trôi đến cạnh một đảo nhỏ, phải thả neo dừng lại tạm nghỉ.
Mọi người nghỉ cả, chỉ có Văn Thực cứ nằm ngồi không yên. Chàng ta mang trong người khá nhiều bạc, chỉ tức là không bay ngay được về nhà, trong lòng bực bội, bèn quyết định lên đảo chơi một lát. Có người khuyên rằng nơi hoang đảo này chẳng có gì thú vị, nên nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng chàng ta nhất quyết cứ lên.
Đứng trên đảo, Văn Thực nhìn ra biển cả thấy cảm khái muôn phần, bụng nghĩ mình suốt đời lao đao nghèo túng, lần này lại may mắn kiếm được những hơn một ngàn đồng bạc trắng, không biết có phải đây là số mình không? Đang nghĩ vớ vẩn, chợt nhìn thấy trong bụi cỏ gần đấy có một vật gì rất lớn, bèn bước tới gần xem thì thấy một cái mai rùa khổng lồ. Thấy lạ, Văn Thực bèn tháo vải quấn chân ra, xỏ vào giữa cái mai rùa rồi làm như phu kéo thuyền, lôi nó tới chỗ bờ. Mọi người thấy vậy đều cười anh chàng ngốc. Chàng ta cũng cười nói: “Các người đừng có cười! Đây là thứ hàng ngoại tôi đem về đấy, về nhà thế nào cũng có chỗ dùng”.
Được cái là thuyền khá rộng nên để được vừa cái đồ chơi đó. Mấy ngày sau, thuyền tới Phúc Kiến. Vừa cập bến, những người buôn bán trên thuyền đều lên bờ tìm mối mua.
Phúc Kiến vốn là nơi có tiếng, được xem là “con đường tơ lụa trên biển”, lại có rất nhiều thương nhân ngoại quốc cư trú, trong số đó có một người Ba Tư tên là Ma Pao Ca, ông này thường xuyên giao thiệp với dân buôn đường biển. Vừa lên bờ là những người này đến thẳng tiệm của Ma Pao Ca, vừa ăn uống vừa bàn chuyện mua bán. Văn Thực chẳng có hàng gì, Ma Pao Ca không để ý đến.
Ngày hôm sau, Ma Pao Ca lên thuyền xem hàng, nào ngờ vừa bước lên, ông ta bị thu hút bởi cái mai rùa khổng lồ của Văn Thực. Đến lúc biết thứ này là của cái người bị mình lạnh nhạt hôm qua, ông ta lập tức xin lỗi không ngớt, rồi vào tiệm rượu bày tiệc thết đãi Văn Thực như khách quý. Rượu được ba tuần, Ma Pao Ca mới hỏi Văn Thực cái mai rùa đó giá bao nhiêu. Bấy giờ Văn Thực mới biết đây là vật quý hiếm, song chàng ta cũng không biết nó đáng giá bao nhiêu tiền. Phân vân mãi, chàng ta mới ấp úng ra giá là năm vạn đồng. Không ngờ Ma Pao Ca vừa nghe xong đã kêu lên rằng vậy thì Văn Thực thiệt quá, bèn gọi Trương Đại tới làm chứng, ký giao kèo với Văn Thực, đợi lúc hai bên điểm chỉ vào bản giao kèo xong xuôi, ông ta mới nói rõ điều bí ẩn.
Thì ra, đây không phải là cái mai rùa mà là xác con đà long. Loại này da có thể bịt trống đánh lên tiếng vang xa đến trăm dặm. Đà long phải hàng vạn năm mới thoát xác một lần. Xác nó có hai mươi bốn chẽ gân, trong mỗi chẽ gân có một hạt trân châu lớn, gọi là dạ minh châu. Loại dạ minh châu này đem sang Ba Tư mỗi hạt giá năm vạn đồng, hai mươi bốn chẽ gân là hai mươi bốn hạt, sẽ là bao nhiêu tiền?
Nghe Ma Pao Ca nói vậy, mọi người đều trợn mắt há miệng. Còn Văn Thực thì thấy thỏa lòng quá, chẳng còn hối tiếc gì nữa. Lần này đi biển, chàng ta mới thực sự hiểu được là “vật hiếm rất quý”. Có được gia tài năm vạn đồng thế là có thể yên ổn cuộc sống, muốn buôn bán cũng có vốn, muốn cưới vợ sinh con cũng yên tâm chẳng phải lo lắng điều gì.
Mai Mai sưu tầm