Chuyện trên đời dù lớn dù nhỏ đều có những quy luật của nó, hết thảy đã được an bài một cách tỷ mỉ. Bậc trí giả sẽ thuận theo thiên ý mà hành xử, sống cuộc đời thong dong chẳng ưu phiền.
Trong “Tân Đường Thư – Lục Tượng Tiên Truyền” có ghi lại một chuyện như sau: Vào triều vua Đường Duệ Tông, có viên quan Giám sát ngự sử tên là Lục Tượng Tiên. Ông không những khoan dung độ lượng, tài học cao siêu, năng lực xuất chúng, mà còn có tài can gián, được Hoàng đế hết sức kính trọng.
Tuy vậy, có một lần ông làm Hoàng Đế nổi giận, bị giáng chức và chuyển đi Ích Châu nhậm chức Trưởng sử đốc phủ Ích Châu, kiêm Án sát sử Kiếm Nam.
Sau khi đến Ích Châu, Lục Tượng Tiên đối với dân chúng mười phần khoan dung nhân từ. Ngay cả với phạm nhân, ông cũng không muốn dùng hình phạt thân xác. Thuộc hạ của ông là Tư Mã Vi nói: “Bách tính nơi này mười phần ngoan cố, rất khó quản giáo, ngài nên dùng hình phạt nghiêm khắc để kiến lập uy vọng cho mình. Nếu không, thì chẳng kẻ nào sợ ngài cả”.
Lục Tượng Tiên nghe vậy lắc đầu bảo: “Ta có ý hoàn toàn khác. Dân chúng như vậy là bởi cai quản chưa tốt, nếu ông cai trị tốt, thì xã hội an định, trăm họ an cư lạc nghiệp, dân chúng vì thế mà phục tùng ông, cần gì phải dùng đến hình phạt nặng nề để mà dựng lập uy vọng chứ?”.
Vì vậy, Lục Tượng Tiên tự mình soạn ra một bộ pháp lý mà cai trị Ích Châu, được dân chúng vô cùng kính phục.
Trí giả không nhìn sự tình bề ngoài
Lục Tượng Tiên trong thời gian đương nhiệm vị trí Trưởng sử đốc phủ của Ích Châu Tứ Xuyên và vị trí Án sát sử của Kiếm Nam, với sự chính trực, khoan dung và nhân từ, ông không sử dụng các hình phạt nghiêm khắc để cai trị đất nước.
Bồ Châu ở tỉnh Sơn Tây được xem là sáu thị trấn lớn của thời cổ đại. Lục Tượng Tiên lúc đó đương nhiệm chức Thứ sử Bồ Châu, khi các vị quan nhỏ có tội thì Lục Tượng Tiên cũng chỉ dùng lời nói để cảnh cáo.
Các vị quan lớn thì cho rằng nên phạt trượng để thiết lập quan uy, nhưng Lục Tượng Tiên lại cho rằng người trong thiên hạ đều hiểu biết lý lẽ, không cần dùng những hình phạt cực đoan mà làm cho mọi chuyện diễn biến phức tạp hơn, nếu cứ phải dùng đến hình phạt thì cũng giống như đang lạm dụng chức quyền để trị đất nước.
Lục Tượng Tiên nói rằng: “Thiên hạ vốn chẳng nảy sinh sự tình gì lớn, chỉ do một số ít kẻ thiển cận, hạng người tầm thường không có năng lực, tự mình làm cho sự việc lộn xộn, kết quả là những chuyện vốn dĩ giải quyết dễ dàng lại hóa ra hỏng cả. Ta cho rằng cần từ căn bản mà giải quyết mọi sự, sau này có thể giảm bớt rất nhiều phiền toái”.
Trên đời này không có chuyện gì là vô duyên vô cớ, mọi biểu hiện của sự vật sự việc đều là định luật của vũ trụ và quy luật của sự tất yếu. Đã là tất yếu thì hãy để nó thuận theo tự nhiên, hoặc dùng sự thiện giải để trị tận gốc sự việc, vậy thì không có gì là không thể giải quyết.
“Quân tử trọng đạo bất trọng khí” cũng mang ý nghĩa như vậy: vạn vật đều là khí (công cụ), lớn thì có vũ trụ, đất trời, quốc gia và xã hội, nhỏ thì có những vật do con người tạo ra, bao gồm xe hơi hoặc thậm chí là bụi trần đều được gọi là khí.
Người xưa cho rằng đặc tính và tinh thần của vũ trụ từ trên xuống dưới đều xoay quanh nguyên lý và quy luật chuyển động của tất cả sự vật, và bản chất tinh thần của âm dương, chính tà và thiện ác. Xem trọng nguyên lý và quy luật của sự vật sự việc mà không xem trọng biểu hiện bên ngoài, đó chính là quân tử bất khí.
Trong mắt trí giả không có sự việc bề mặt, mà thông qua biểu hiện của sự vật và con người mà tìm ra bản chất và lời giải đáp, thiện giải thuận theo tự nhiên, đây chính là cảnh giới dùng vô vi mà trị. Chỉ những người thấy sắc nổi lòng tham sẽ tự cảm thấy phiền não và làm phiền người khác, những người nhiều chuyện chỉ biết so đo lợi ích được mất bên ngoài, đó mới chính là tai họa khiến thiên hạ đại loạn.
Thiên hạ vốn chẳng có sự tình gì lớn lao
Câu thành ngữ: “Dung nhân tự nhiễu” có nghĩa là người tầm thường thì thích khuấy động mọi thứ lên và tự làm khó mình. Nó được dùng lần đầu tiên trong quyển “Tân đường thư” – “Lục Tượng Tiên truyện”: “Thiên hạ bổn vô sự, dung nhân tự nhiễu chi vi phiền nhĩ”, ý rằng thiên hạ vốn là không có chuyện gì, người thường tự sinh ra chuyện, từ đó tự chuốc lấy ưu phiền.
Người lấy được thiên hạ, sẽ hiểu rằng mọi việc trong thiên hạ đều là nhân quả tất yếu của sự vận động của đạo trời, chuyện tất yếu thì sẽ không có thị phi. Người theo chủ nghĩa lợi ích thường nói chuyện thị phi của người khác, gây kích động, họ lúc nào cũng gây sự vô cớ, gieo mâu thuẫn khắp nơi và sẽ cai trị đất nước một cách tàn ác. Những người hành xử trái với luật nhân quả của trời đất, tất nhiên sẽ không bao giờ lấy được thiên hạ.
Cổ nhân rất xem trọng mệnh trời, để mọi thứ thuận theo ý trời. Dùng tâm bình thường để đối mặt với mọi vật mọi việc, dùng bất động để ức chế vạn động, dùng bất biến để thích nghi với vạn biến! Trị nước, tu đạo và làm người, đều phải lấy tinh thần và quy luật của việc tu tâm đồng hóa vũ trụ làm cơ sở, mới có thể đạt được kết quả tốt.
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)