Tinh Hoa

Chuyện ông Xiển Bột làm thơ “Ngông cuồng ngu ngộ”

Bậc đại trí thường trông giống kẻ khờ, thường nhận thiệt thòi về mình, bị người ta ức hiếp, nạt dối cũng mỉm cười cho qua, lại tránh danh lợi như tránh thuốc độc. Người bình thường khó mà lý giải được cảnh giới tinh thần của họ.

Xiển Ngộ hay còn gọi là Xiển Bột, tên thật là Nguyễn Văn Xiển, người làng Hoàng Bột, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Ông được cho là hậu duệ của Trạng Quỳnh (chắt của Trạng Quỳnh). Xiển Ngộ thông minh hoạt bát, học giỏi, người đời cho ông là “Ngộ chữ” (điên vì nhiều chữ quá) và gọi ông là Xiển Ngộ. Cái tên này đã thành phổ biến khắp vùng Thanh Hoá.

Một hôm, Xiển Ngộ đi thi nhưng thi trượt. Buồn rầu, cùng các bạn hỏng thi ngồi than phiền, chực mượn rượu tiêu sầu, nhưng ai cũng đều nhẵn túi cả. Một bạn đố Xiển dám vào xin tiền Tôn Thất Thuyết, lúc ấy đang làm Tổng đốc Thanh Hoá, có tiếng là hách dịch lắm. Xiển nhận làm ngay.

Sáng sớm hôm sau, Tôn Thất Thuyết ra công đường thấy một người quỳ ở sân, quát lính hỏi tên kia muốn kêu gì. Xiển đứng dậy trình ngay:

“Con muốn chết, đến đây để nhờ lưỡi gươm của cụ lớn hoá kiếp cho”.

Tôn Thất Thuyết quát:

“Tên này thật là điên cuồng ngu ngộ. Vì sao mày lại muốn chết?”

Xiển đáp:

“Bẩm cụ lớn, con là học trò thi hỏng, nhà lại nghèo, sống thêm hổ bút hổ nghiên, nên muốn chết cho rảnh”.

Thuyết thấy Xiển có vẻ thư sinh nho nhã, nói năng lại hoạt bát, liền bảo:

“Nếu là học trò giỏi mà thi hỏng thì cũng đáng thương. Còn như học trò lười, dốt, thì chết đi cũng phải. Bây giờ ta sẽ ra đề cho ngươi vịnh thử bài thơ xem ngươi là học trò hạng nào”.

Rồi Thuyết lấy ngay đầu đề là “điên cuồng ngu ngộ“.

Xiển ứng khẩu đọc luôn bốn câu thơ như sau:

“Cao Tổ điên hào kiệt

Võ Ðế ngộ thần tiên

Tăng Ðiểm cuồng thiên địa

Nhan Tử ngu thánh hiền”

Dịch nghĩa:

“Cao Tổ điên đảo người hào kiệt

Vũ Ðế giác ngộ chuyện thần tiên

Tăng Ðiểm ngông cuồng với trời đất

Nhan Tử ngu ngơ mà thánh hiền”.

Bốn nhân vật kể trên đều là những bậc vua chúa thánh hiền tài giỏi trong sử sách: Hán Cao Tổ có tài thuyết phục làm cho những người tài giỏi phải theo mình; Hán Vũ Ðế giác ngộ chuyện thần tiên; Tăng Ðiểm là học trò của Khổng Tử, nổi tiếng với chí hướng cao khiết; Nhan Tử (Nhan Hồi) là học trò giỏi nhất của Khổng Tử. Bề ngoài, ông có vẻ như người ngu đần, nhưng thực ra là bậc thánh hiền.

Nghe bài thơ, Tôn Thất Thuyết biết Xiển là người tài giỏi, học rộng, trí nhanh; trong chớp mắt biến bốn chữ chê thành bốn chữ khen, để tỏ chí khí của mình. Thuyết bèn thưởng cho Xiển ba mươi quan tiền, và động viên Xiển cố gắng học thêm nữa.

Bậc đại trí thường trông giống kẻ khờ, thường nhận thiệt thòi về mình, bị người ta ức hiếp, nạt dối cũng mỉm cười cho qua, lại tránh danh lợi như tránh thuốc độc. Người bình thường khó lý giải được cảnh giới tinh thần của họ. Danh-lợi-tình chẳng làm họ động tâm, vậy rốt cuộc họ coi trọng điều gì?

Trong “Tả truyện” có ghi chép lại rằng, vào năm Tống Tương Công 15, có một người đã mang một miếng ngọc quý đến tặng cho đại phu Tử Hãn. Tử Hãn nói: “Miếng ngọc là bảo bối của ngươi, ‘không tham’ là bảo bối của ta. Nếu như ta nhận bảo bối của ngươi thì hai ta đều bị mất bảo bối rồi. Ngươi hãy cầm đi đi!”

Thì ra, điều mà người quân tử coi trọng chỉ có một chữ: Đức

Người xưa thường nói: “Tổ tiên tích đức, con cháu hưởng phúc”, “Hãy tu nhân tích đức”, “Đừng làm việc thất đức”… chính là chỉ ý này. Đức ấy sở dĩ trân quý, là vì người có đức sẽ được thiện báo và phúc thọ, đời này chưa được thì đời sau được, con cháu cũng được thừa hưởng phúc đức từ ông bà tổ tiên. Còn kẻ vô đức ắt sẽ trong thống khổ mà hoàn trả ác nghiệp. Sinh mệnh của một người trong luân hồi đời đời kiếp kiếp, sướng khổ đều do đức nhiều hay ít mà quyết định.

Ngày nay, hỏi có mấy người ghi nhớ trong tim lời căn dặn của cha ông? Coi sự gian trá, mánh khóe là khôn ngoan, ấy là cái “khôn dại”. Vì tài vật và danh vọng chẳng lâu bền mà đánh đổi đức của bản thân, có đáng không?

Theo Daikynguyenvn