Chuyện đời bao thứ giả tạo, giả từ hạt gạo, đến giả cả lòng người, ấy thế mà cái giả đó nó rất tinh vi, nên nhanh chóng biến thành thật, âu cũng nhờ công lao đóng góp của những người “dù ngây ngô nhưng lại thích tung hô”.
Hãy cảnh giác với phượng hoàng giả
Chuyện kể về một người sống trong trong rừng nọ, một ngày kia, anh ta chọn lấy một con gà rừng đem ra chợ bán. Một người đi đường nhìn thấy con gà có bộ lông cánh sặc sỡ, cảm thấy rất là lạ, ông bèn hỏi người bán, “đây là gà gì?”. Chủ gà đang hứng chí bèn nói dối ông ta rằng: “Ông đúng là ếch ngồi đáy giếng, không hiểu sự đời, đây là phượng hoàng đó, gà đâu mà gà!”
Người đi đường vừa nghe xong, lập tức móc từ trong túi ra một món tiền lớn, xin mua lại con “phượng hoàng”.
Chủ gà giả vờ không chịu, người đi đường đó lại trả giá gấp đôi, quyết mua cho bằng được, chủ gà mới chịu bán.
Người đi đường kia, sau khi mua được rồi, muốn đem phượng hoàng dâng lên cho Sở Vương để được trọng thưởng. Ngờ đâu ngày hôm sau, con gà đã chết mất. Ông ta cả ngày ôm lấy con gà chết, nghẹn ngào khóc lóc, quả thật rất đỗi bi thương.
Chuyện này chẳng mấy chốc đã đồn khắp cả nước Sở, lại thêm những người ở đầu đường xó chợ thêm mắm thêm muối, khiến ai ai cũng nghĩ đó là phượng hoàng thật. Mọi người kéo đến chia buồn, người nào người nấy cũng đều than tiếc không thôi .
Sở Vương sau khi hay tin, cũng rất lấy làm tiếc nuối. Vì để tán dương tấm lòng trung thành của người dâng phượng hoàng kia, Sở Vương đích thân triệu kiến, còn tặng thưởng cho ông ta số tiền gấp 10 lần số tiền mua gà.
Thế là gà rừng bỗng đâu chết rồi lại hóa thành phượng hoàng.
Rõ ràng chỉ là một con gà rừng, người trong rừng kia chỉ thuận miệng đặt điều dối trá để lừa gạt, thêm vào đó nữa là sự khờ khạo của người dâng phượng hoàng, làm cho chuyện bé xé ra to, rồi rùm beng khắp chốn, từ đó khiến hết thảy người dân trong nước tưởng rằng đó là phượng hoàng thật.
Qua chuyện này có thể thấy, dối trá thêm vào đó là sự vô tri cùng cái lối hùa theo một cách mù quáng sẽ làm nảy sinh ra những thứ hoang đường đến dường nào!
Thử tưởng tượng mà xem, nếu như nội dung được làm giả là chính sách quốc gia; người đặt điều dối trá lại là kẻ điều hành đất nước, nắm quyền thế trong tay (những người loại này, ngày nay quả thực nhiều không đếm xuể !), thế thì con người thế gian đều sẽ dễ bị mắc lừa, hậu quả thật khôn lường.
Mấy bạn lương thiện ơi, mong rằng các bạn từ câu chuyện này mà rút ra bài học, đề cao cảnh giác với vô số “phượng hoàng giả” trong xã hội ngày nay.
Lời dối trá lại nghe theo mà nói thật lại không tin
Chu Mục Vương sau khi chinh phạt Khuyển Nhung, giành được thắng lợi, nên nhận được rất nhiều kì trân dị bảo do người thua cuộc tiến cống, trong đó có hai báu vật hiếm có trên đời:
Một là Côn Ngô kiếm, dài một thước tám, được rèn từ thép tinh khiết trên núi Côn Ngô, hào quang lóe sáng, sắc bén vô cùng, dùng nó để chém sắt, chẳng khác chi chém bùn.
Món kia là vải giặt lửa, dùng để may áo bào, chỉ cần nhúng vào dầu dơ, không cần giặt rửa, mà chỉ cần bỏ vào ngọn lửa đang cháy bừng bừng, tấm vải ngay tức khắc cháy thành lửa đỏ, và vết bẩn sẽ trở thành màu của tấm vải. Lấy từ trong lửa ra, phẩy nhẹ một cái, áo bào tỏa sáng lung linh, lại trắng sạch như tuyết.
Tại nước Tây Chu, xưa nay chưa có ai từng trông thấy báu vật kỳ lạ như thế, vì vậy mọi người trong triều, người nào người nấy cũng đều thán phục không ngớt.
Sau khi tin này truyền đến hậu cung, hoàng thái tử biết được, liền cho rằng mọi người ăn nói lung tung, bởi vì vải vóc vốn rất sợ lửa, làm sao có thể dùng lửa để tẩy sạch vết bẩn cơ chứ? Còn kiếm bằng thép nếu chém phải gỗ cứng, lưỡi kiếm sẽ bị cùn ngay lập tức, sao có thể chém sắt như chém bùn được?
Vậy nên, hoàng thái tử nói: “Thiên hạ tuyệt đối không thể có những thứ này được”.
Một vị đại thần tên là Tiêu Thúc, lắc đầu nói: “Hoàng thái tử quả là tự tin thái quá, chẳng nhẽ những gì mình chưa thấy qua, thì trên đời này nó sẽ không tồn tại, cũng chính là không thể tồn tại, và cũng không cần phải tồn tại sao? Làm người sao mà có thể ôm giữ thái độ như thế được mà tồn tại giữa trời đất này?”.
Câu chuyện trên được trích ra từ “Liệt tử thang vấn”.
Lời bàn:
Thời xưa, thợ thủ công đã có được kỹ thuật luyện kim vô cùng tân tiến. Những thanh kiếm cổ được khai quật trong thời gian gần đây, có công nghệ dã luyện và xử lí bề mặt hết sức đặc thù. Chuyện này đối với khoa học hiện đại mà nói, đều là những khám phá mới cung cấp thêm rất nhiều hiểu biết.
Còn về vải chịu lửa, nếu ta đem a-mi-ăng trộn lẫn với hàng dệt may, sẽ tạo thành một trong những vật liệu chịu lửa quan trọng trong thời đại ngày nay được dùng trong hoạt động phòng cháy chữa cháy.
Những thứ này rõ ràng là tồn tại một cách khách quan, chỉ là vì hiểu biết của bản thân không nắm bắt kịp liền thẳng thừng phủ nhận. Rõ là người nông cạn nhưng lại thích đưa mình lên cao.
Tục ngữ xưa có nói: “Mắt thấy là thực, tai nghe là giả”, thực ra câu này được người xưa dùng để khuyên bảo con cháu rằng đối với bất kể sự việc gì, cũng đều phải chú trọng vào việc xem xét và không ngừng tìm tòi học hỏi, tận cho đến khi nhìn thấy rõ ràng mới thôi. Chứ đâu như người thời nay, hễ cứ không thấy là không tin, quả thực là đã tự phong bế kiến thức mình, rồi tự biến mình thành con ếch ngồi trong đáy giếng, kiến leo cành cụt vậy.
Nói đâu xa xôi, chuyện bên Tàu nó rành rành ra đấy. Khắp nơi trên thế giới, hàng trăm triệu người vui vẻ hứng thú tham gia một môn khí công rất tốt cho sức khỏe; môn tập này cũng lại khuyên bảo người ta tu tâm tính, không được sát sinh, ai ai cũng đều ca ngợi, hình ảnh đăng đầy rẫy trên Internet, chỉ cần gõ hỏi bác Google là rõ mười mươi. Ấy thế mà dân xứ ấy lại không tin, nghe đến lại tưởng là tà giáo nên hốt hoảng tìm cách tránh né, chạy cứ phải nói là “có cờ”. Thế mới nói, “không thấy thì không tin” nghe đã buồn cười, “thấy rồi lại không tin” còn buồn cười hơn.
Tiểu Thiện, dịch từ Epoch Times