Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn phủ nhận các cáo buộc của Mỹ về trộm cắp sở hữu trí tuệ, thậm chí còn tuyên bố luôn chú trọng bảo vệ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, những số liệu được công bố đó là để lừa dối nước ngoài.
Ngày 24/9, Trung Quốc ra mắt Sách Trắng “Thực tế xung đột thương mại Trung – Mỹ và lập trường của Trung Quốc”, theo đó khẳng định, hiện nay Trung Quốc rất chú trọng quyền sở hữu trí tuệ, giúp bảo vệ hiệu quả cho các sáng tạo của doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc. Sách Trắng cũng trích dẫn một số dữ liệu, chẳng hạn như, trong mười năm qua, việc sử dụng giấy phép bằng sáng chế và trả tiền bản quyền cho công nghệ của công ty nước ngoài tại Trung Quốc tăng gấp bốn lần, lên đến 28,6 tỷ USD vào năm 2017, đứng thứ tư trên thế giới, trong đó chi trả cho công nghệ nước ngoài được sử dụng trong lãnh thổ Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
>>> Trung Quốc: Đất nước được tự do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Nhưng có chuyên gia Mỹ nghiên cứu quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc chỉ ra, công bố của ĐCSTQ không hoàn chỉnh. “Nếu nghĩ rằng thứ gì có ý nghĩa cho các công ty Mỹ thì cũng có giá trị (ở Trung Quốc) thì rất khó để có được một phán quyết công bằng”. Mark Cohen, Giám đốc Trung tâm Luật và Công nghệ phân hiệu Berkeley Đại học California đã chia sẻ với kênh thông tin tài chính CNBC.
Mark Cohen từng có thời gian 4 năm phụ trách về vấn đề sở hữu trí tuệ tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, ông trích dẫn một danh sách dài các vụ kiện của công ty nước ngoài ở Trung Quốc, trong đó có hai vụ thua kiện của hai công ty là Micron Technology của Mỹ và Schneider Electric của Pháp.
Micron ban đầu là nguyên đơn của vụ kiện tụng sở hữu trí tuệ của Mỹ, nhưng ở Trung Quốc lại bất ngờ bị đảo ngược thành bị cáo, sau đó tòa án Trung Quốc đã phán quyết công ty này xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và Micron bị cấm bán một số sản phẩm ở Trung Quốc; tương tự là công ty Pháp Schneider cũng bị kết án vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bị phạt 45 triệu USD, cho đến nay, đây vẫn là số tiền phạt lớn nhất trong các phán quyết về sở hữu trí tuệ liên quan đến nước ngoài của Trung Quốc.
Số liệu của ĐCSTQ là lừa đảo
Tuy nhiên, người cả tin rất dễ bị lừa từ số liệu thống kê của ĐCSTQ, nếu chỉ nhìn vào bề ngoài dữ liệu sẽ dễ có kết luận sai lầm. Ví dụ, về tỷ lệ thắng kiện quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, đối với án kiện về bản quyền phát minh sáng chế, số liệu công bố của ĐCSTQ là khoảng 80% án kiện của công ty nước ngoài thắng kiện, nhưng công ty nước ngoài chiếm chưa đến 2% tỷ lệ vụ án dân sự sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Điều này khiến cho thế giới bên ngoài tưởng rằng, dường như chính quyền Trung Quốc “ưu ái” cho việc kiện tụng sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài, chính phủ Mỹ bất chấp đạo lý, và các công ty Mỹ lòng tham vô đáy.
Cohen cho biết, số liệu của ĐCSTQ khiến nhiều người hiểu lầm về vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc, nhưng trên thực tế, nếu thực sự liên quan đến “cốt lõi” vấn đề quyền sở hữu trí tuệ thì tình hình trở nên mơ hồ, các chỉ số khác của nhà chức trách Trung Quốc cũng tương tự như vậy.
Ông cho biết, “Vấn đề chính mà chúng ta phải đối mặt trong quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc khác với các khu vực thương mại khác, bởi vì Trung Quốc (ĐCSTQ) có một hệ thống riêng do nhà nước quản lý và kiểm soát”.
Hai nhà kinh tế học người Mỹ là Thomas Hout và Pankaj Ghemawat cũng điều tra các vấn đề sở hữu trí tuệ tại các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, và đã công bố trên Tạp chí Bình luận Doanh nghiệp Harvard (HBR). “Các quản lý cấp cao chi nhánh Trung Quốc của các công ty đa quốc gia thừa nhận vấn đề đi khiếu nại hoặc kiện tụng về chuyển giao công nghệ bắt buộc (ở Trung Quốc) thường không có ích lợi gì”, họ viết.
Nói cách khác, nếu lãnh đạo của các công ty nước ngoài đều thừa nhận pháp luật của ĐCSTQ là vô dụng, vậy thì có thể tưởng tượng được độ tin cậy trong tuyên bố của ĐCSTQ về tỷ lệ thành công thắng kiện là như thế nào.
Có pháp luật không có nghĩa có pháp trị
Đã có phân tích cho rằng, trong 40 năm qua, ĐCSTQ du nhập nhiều khái niệm pháp lý của phương Tây liên quan đến kinh tế và kinh doanh, trong đó có sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, ĐCSTQ đã tăng cường tuyên truyền và tham khảo quy phạm pháp luật đối với quyền sở hữu trí tuệ, nhưng có luật pháp không có nghĩa là có pháp trị.
“Khung pháp lý là có, nhưng làm thế nào để thực hiện và thực thi các yêu cầu pháp lý này mới là vấn đề”, Cedric Lam, người phụ trách sở hữu trí tuệ Trung Quốc tại văn phòng luật Eversheds Sutherland chỉ ra.
Cedric Lam cho rằng, việc thiếu thực thi pháp luật ở Trung Quốc là vì “tính bất ổn” trong pháp luật của nước này. Thêm nữa, ngay cả khi chất lượng của các thẩm phán có thể được cải thiện, nhưng tiền lương của họ được trả bởi chính quyền địa phương của ĐCSTQ.
Bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ là phức tạp hơn so với tài sản hữu hình, một mặt là yêu cầu rất cao đối với trình độ thực thi pháp luật của thẩm phán, mặt khác cũng đòi hỏi có hệ thống tư pháp độc lập.
So với hệ thống pháp lý sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt tại Mỹ, việc thực thi bảo vệ sở hữu trí tuệ của ĐCSTQ không công bằng, trở thành con dấu cao su bị chính quyền lạm dụng.
Một cư dân mạng ở Thâm Quyến từng tham gia vào án kiện sở hữu trí tuệ hơn 10 năm cũng cho biết: “(Tôi) trải qua ít nhất bốn lần kiện tại cơ quan phúc thẩm, cảm giác của tôi đối với tính chính xác trong quyết định của cơ quan là như ném đồng xu!”.
Ông cho biết, đến cả loại vụ án phóng hỏa giết người còn không thể đảm bảo công bằng, hy vọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không khác gì “lý luận suông”.
Lấy luật chống độc quyền làm ví dụ, luật của ĐCSTQ không những không tham khảo nội dung luật chống độc quyền của châu Âu và Mỹ, mà còn áp dụng cách làm phá hoại pháp trị hiếm thấy trên thế giới.
Lạm dụng luật chống độc quyền
Robert Atkinson, chủ tịch của Tổ chức Công nghệ thông tin và Sáng tạo (ITIF) cho biết, công ty công nghệ Qualcomm của Mỹ là dẫn chứng tốt nhất cho thấy, cái gọi là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của ĐCSTQ. Tổ chức chuyên gia tư vấn này đã có thời gian dài theo dõi các trường hợp sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, là tổ chức tư vấn hàng đầu ở Mỹ.
Vào cuối tháng 7/2018, Qualcomm công bố từ bỏ việc mua lại nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu của Hà Lan NXP, do thương vụ này có giá trị thị trường lớn (khoảng 44 tỷ USD), đã kéo dài từ lâu, gây chú ý trên toàn cầu. Trước đó đã có 7 quốc gia hay vùng lãnh thổ ban hành luật chống độc quyền, bao gồm Liên minh châu Âu đã thông qua luật này, nhưng duy có ĐCSTQ nhiều lần cho biết đang nghiên cứu, thực tế cách làm cản trở không bình thường này đã làm Qualcomm cuối cùng phải quyết định từ bỏ thương vụ của mình.
Vì hành vi này của ĐCSTQ mà sau khi Chính phủ Trump quyết định tiếp tục thúc đẩy trừng phạt thuế đối với Trung Quốc, thêm vào việc Mỹ vừa tha cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc ZTE, thương vụ Qualcomm thất bại khiến cả giới chính trị và kinh doanh Mỹ khá tức giận.
Theo hai nguồn tin tham gia vào cuộc thảo luận giữa Qualcomm và ĐCSTQ tiết lộ, cơ chế quản lý thị trường của ĐCSTQ đã có các điều khoản không thể đáp ứng được, trong đó có yêu cầu trụ sở chính tại San Diego của nhà sản xuất chip Qualcomm phải bán hầu hết các công nghệ sáng chế của NXP, đây là một trong những lý do chính phá hỏng giao dịch này.
Nhìn lại trước đó, Qualcomm cũng từng là đối tượng bị tòa án Trung Quốc (ĐCSTQ) lấy lý do vi phạm các quy tắc chống độc quyền để trừng phạt. Atkinson chỉ ra, ĐCSTQ không chỉ yêu cầu Qualcomm trả tiền phạt quá cao mà còn yêu cầu chuyển nhượng giấy phép công nghệ cho các công ty Trung Quốc với mức giá chiết khấu, nhưng không có quốc gia nào khác trên thế giới làm như vậy.
Một báo cáo khác của ITIF cũng chỉ ra, mục đích ĐCSTQ công bố luật chống độc quyền là để kết tội “độc quyền” đối với những công ty thu được quyền sở hữu trí tuệ một cách hợp pháp, sau đó lạm dụng hệ thống tư pháp để thu phí quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc dựa trên cơ sở kinh tế thị trường.
Theo báo cáo, tòa án Trung Quốc phần lớn là “con dấu cao su” do chính quyền quyết định, các công ty nước ngoài không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ. Thông thường, sau khi các công ty nước ngoài bị ép phải trả một số tiền phạt lớn, thay đổi các điều khoản kinh doanh, hoặc là phải quyết định bán sản phẩm ít hơn cho người Trung Quốc, hoặc phải chuyển giao thêm nhiều tài sản trí tuệ và công nghệ cho các công ty Trung Quốc.
Chuyên gia vấn đề Trung Quốc Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) tại Washington cho biết, nhà cầm quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn “tay trong tay” với các công ty Trung Quốc, đây đã là tiêu chuẩn làm việc.
Ông chỉ ra, do sự phụ thuộc giữa Chính phủ Trung Quốc và giới doanh nghiệp nhà nước, ĐCSTQ luôn đứng sau hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc, thậm chí còn chấp nhận việc sử dụng cơ quan quân sự hoặc tình báo để giám sát các công ty tư nhân nước ngoài.
Trung Quốc không có phân biệt rõ ràng giữa Chính phủ và lợi ích thương mại như ở các nước bình thường. Derek Scissors cho biết, ở nước Mỹ thì Chính phủ và hoạt động kinh tế là các lĩnh vực riêng biệt, chính phủ Mỹ sẽ không bao bọc che chở cho các doanh nghiệp Mỹ hoặc có động thái để gây tổn hại cho đối thủ cạnh tranh thương mại nước ngoài, nước Mỹ không cho phép có cơ chế khuyến khích hành vi như vậy.
Theo Trithucvn