Tình trạng vào mạng xã hội và chơi game online nhiều tới mức nghiện đã và đang gây ra rất nhiều hậu quả. Theo các chuyên gia tại ĐH Harvard và Vermont, người nào rơi vào tình trạng nghiện mạng xã hội trong thời gian dài có thể mắc bệnh tâm thần.
Tình trạng nghiện mạng xã hội của giới trẻ diễn ra khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới trong thời gian qua. Trên thực tế, không ít người dành nhiều giờ trong ngày để vào Facebook, Instagram hay Twitter và các mạng xã hội khác.
Theo số liệu thống kê trên trang Social Media Today, giới trẻ hiện bỏ ra trung bình khoảng 9 giờ/ngày để vào mạng xã hội. Những người có các biểu hiện như vào mạng liên tục, cứ một thời gian ngắn lại vào mạng một lần để kiểm tra có thông tin gì mới hay không, có nhiều người “like” ảnh không… thường dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng nghiện mạng xã hội.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo đáng sợ về những tác động tiêu cực do việc nghiện mạng xã hội mang lại.
Cụ thể, GS. Sir Simon Wessely – Chủ tịch Trường Cao đẳng Tâm lý học Hoàng Gia (Anh) cho rằng, mạng xã hội gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của giới trẻ. Đây chính là một trong các nguyên nhân khiến người trẻ tuổi cảm thấy không hạnh phúc.
GS. Wessely không phủ nhận những ảnh hưởng tích cực mà mạng xã hội mang lại. Tuy nhiên ông cho rằng, nếu như mọi người, đặc biệt là giới trẻ không cân nhắc và tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội sẽ gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý, tinh thần và sức khỏe khi rơi vào trạng thái “nghiện”.
Theo ông, điều quan trọng là mọi người sử dụng mạng xã hội như thế nào để tránh bị tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần.
Các chuyên gia tại ĐH Harvard và Vermont cũng cảnh báo, nếu người nào rơi vào tình trạng nghiện mạng xã hội trong thời gian dài thì sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập, làm việc mà thậm chí có thể mắc bệnh tâm thần.
Cụ thể, việc đăng một số lượng lớn hình ảnh trên các mạng xã hội có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh trầm cảm.
TS. Andrew Reece, đồng tác giả của nghiên cứu tại ĐH Harvard cho biết: “Mặc dù chúng tôi có quy mô khảo sát khá nhỏ nhưng chúng tôi có thể quan sát thấy sự khác biệt giữa các bài đăng trên mạng xã hội của các cá nhân trầm cảm và không trầm cảm. Điều quan trọng là chúng tôi cũng chứng minh rằng các dấu hiệu của trầm cảm có thể được quan sát thấy thông qua các bài đăng trên mạng xã hội, trước khi người dùng tiếp nhận chẩn đoán lâm sàng”.
Báo động về tình trạng nghiện mạng xã hội của giới trẻ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tình trạng này cũng không phải là ngoại lệ. Sẽ không khó để bắt gặp những hình ảnh các em học sinh, sinh việc liên tục “cắm mặt” vào máy tính, điện thoại nhiều giờ mà quên ăn, quên ngủ, bỏ bê học hành…
Theo thống kê năm 2015 của Facebook, ở Việt Nam, mỗi tháng có tới 30 triệu người dùng và những người này dành trung bình 2,5 giờ/ngày để vào Facebook. 3/4 trong số đó là những người trẻ, nằm trong độ tuổi từ 18 – 34. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến kết quả học tập, làm việc, nó còn gây ra rất nhiều hậu quả đối với sức khoẻ, trong đó điển hình nhất là tình trạng mắc bệnh tâm thần.
Bác sĩ La Đức Cương, giám đốc bệnh viện Tâm thần TW1 cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị tâm thần với nguyên nhân do “nghiện” mạng xã hội.
Các bệnh nhân mắc tâm thần do nghiện mạng xã hội, nghiện game chủ yếu là thanh thiếu niên từ cấp 2 trở lên và nhiều nhất là ở lứa tuổi cuối cấp 3, sinh viên ĐH. Đây là thời điểm các bạn trẻ có những thay đổi trong tâm lý, tính khí bốc đồng, tâm hiếu thắng nhiều hơn và cũng bị vướng nhiều cám dỗ hơn.
Theo bác sĩ Cương, trong số các bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, có tới 12 – 15% người mắc bệnh là do nguyên nhân nghiện mạng xã hội và nghiện game. Các bệnh nhân đến viện thường rơi vào các trạng thái đã mắc trầm cảm với các biểu hiện như thất thần, trạng thái đờ đẫn, không tập trung, cơ thể suy nhược, có bệnh nhân bị sút cân nghiêm trọng… Đặc biệt, gần đây, có một trường hợp nam sinh bị lên cơn co giật do sử dụng mạng 10 tiếng mỗi ngày.
Trước những tác động tiêu cực từ việc nghiện mạng xã hội mang đến, các chuyên gia khuyên mọi người hãy giảm bớt thời gian sử dụng hoặc thử sống không có mạng xã hội trong một tuần. Khi ấy, bạn sẽ nhận thấy những lợi ích khi cai nghiện mạng xã hội như khả năng tập trung trong học tập, làm việc cao hơn, có nhiều thời gian làm các công việc khác thay vì chỉ ngồi một chỗ lướt web… Việc sử dụng mạng xã hội chỉ mang lại lợi ích cho người dùng khi sử dụng đúng mực.
Hồng Liên (t/h)