Sao Mộc thực chất là một hành tinh khí khổng lồ với khối lượng bằng 2,5 lần tổng khối lượng tất cả các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời cộng lại. Vì thế việc hạ cánh xuống đây cũng tựa như bạn đáp xuống một đám mây trên Trái đất vậy.
Thuận theo việc khoa học ngày càng phát triển, khát vọng chinh phục vũ trụ của con người cũng ngày càng lớn. Tuy nhiên vũ trụ lại là nơi “dễ đi khó về”, thậm chí việc khám phá những hành tinh ngay trong Hệ Mặt trời cũng là những nhiệm vụ vô cùng gian nan….
Như chúng ta đã biết cách tốt nhất để khám phá một vùng đất mới chính là đặt chân đến đó. Vì vậy nhân loại đã lần lượt đưa các phi thuyền đến Mặt Trăng, sao Kim, sao Thổ, vệ tinh Titan của Sao Thổ và rất nhiều nơi khác.
Tuy nhiên có một vài nơi ngay trong Hệ Mặt trời mà chúng ta sẽ không bao giờ “đặt chân” đến được. Một trong số đó là sao Mộc.
Sao Mộc chủ yếu được cấu tạo từ khí hydro và khí heli. Vì vậy, việc cố gắng đáp phi thuyền lên đó cũng giống như việc chúng ta ngồi trên máy bay và đi xuyên qua từng đám mây ở Trái Đất. Trên thực tế, sao Mộc chính là một đám mây khổng lồ mang hình dáng của một hành tinh trong Hệ Mặt Trời.
Tiếp theo, sẽ có một câu hỏi lớn đặt ra đó là: Nếu sao Mộc là một đám mây thì chúng ta có thể bay xuyên qua “đám mây” đó không? Thực tế là chúng ta thậm chí còn không đi được nửa đường. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta cố tiến sâu vào sao Mộc?
Trước tiên, bầu khí quyển của sao Mộc không có oxy. Vì vậy, nếu muốn đưa con người lên đó, hãy chắc chắn rằng lương oxy mang theo trên tàu vũ trụ phải thật đầy đủ. Vấn đề tiếp theo là nhiệt độ sẽ ngày càng gia tăng một cách chóng mặt nên hệ thống điều hòa phải thật tối tân mới có thể đảm bảo mọi trang thiết bị trên tàu không bị hỏng hóc. Nếu thực hiện được, có lẽ đó sẽ là một chuyến đi lịch sử của nhân loại.
Về kích thước, sao Mộc lớn gấp 10 lần Trái Đất. Dưới sức tác dụng của trọng lực của sao Mộc, khi tiến vào bầu khí quyển ở đây, bạn sẽ di chuyển với tốc độ 177.000km/h, trong khi ở Trái Đất là 1.670km/h.
Vì đây là hành tinh được cấu tạo bằng khí nên bầu khí quyển của nó khá dày đặc, đến nỗi khiến bạn cảm giác như đang đâm đầu vào một bức tường. Tuy nhiên, chừng đó vẫn không đủ để chặn một chiếc phi thuyền hiện đại.
Sau khoảng 3 phút, chúng ta sẽ có thể đi được khoảng 250km vào sao Mộc. Tại đây bạn sẽ cảm nhận được toàn bộ vòng quay của nó. Mộc Tinh là hành tinh có tốc độ quay nhanh nhất hệ Mặt Trời, mỗi ngày của nó chỉ dài bằng 9,5 giờ Trái Đất, điều này đã tạo ra những cơn gió có tốc độ hơn 480km/giờ trên khắp hành tinh.
Đi thêm 120km nữa là sẽ đến giới hạn thăm dò của con người ở sao Mộc. Đây là nơi xa nhất mà Tàu thăm dò Galileo có thể đến được vào năm 1995, nó ở đó được 58 phút và sau đó bị nghiền nát hoàn toàn bởi áp lực.
Tại đây, áp lực cao gấp 100 lần bề mặt Trái Đất. Bằng mắt thường chúng ta sẽ không thể nhìn thấy bất cứ gì mà phải dựa vào các thiết bị khám phá môi trường chuyên dụng.
690km tiếp theo, áp lực tăng gấp 1.150 lần. Tuy nhiên bạn vẫn có thể sống sót nếu phi thuyền được thiết kế có khả năng chịu được áp lực tương tự tàu Trieste – tàu ngầm lặn sâu nhất thế giới. Nhưng chỉ cần đi sâu thêm một chút là vượt quá khả năng chịu đựng của nó.
Giả sử bằng cách nào đó chúng ta có thể tiến sâu hơn và khám phá thêm được một số bí mật của sao Mộc, nhưng dẫu vậy bạn cũng sẽ không cách nào truyền thông điệp đó về Trái Đất vì toàn bộ sóng radio đã bị bầu khí quyển ở độ sâu này hấp thụ.
Xuống tiếp 4.000km, nhiệt độ sẽ là 3.371ºC, vừa đủ làm nóng chảy Vonfram – kim loại có nhiệt độ nóng chảy cao nhất trong vũ trụ mà con người từng biết đến.
Ở độ sâu 20.800km là lớp trong cùng của sao Mộc. Áp lực ở đây cao gấp 2 triệu lần ở bề mặt Trái Đất và nhiệt độ cũng cao hơn bề mặt của Mặt trời. Những điều kiện khắc nghiệt như vậy sẽ làm thay đổi tính chất hóa học của Hydro. Các phân tử sẽ liên kết với nhau tạo thành một dạng chất rất khác thường gọi là “Hydro kim loại”.
Hydro kim loại dày đặc như một tảng đá và khi muốn đi sâu hơn, lực nổi (buoyancy force) của khối Hydro sẽ xuất hiện và nó có tính đối kháng với trọng lực. Khi cả 2 lực cân bằng nhau, phi thuyền của bạn sẽ rơi vào tình trạng “nổi lềnh bềnh” và trôi tự do ở tầng này của sao Mộc. Không thể lên, không thể xuống và cũng không có cách nào thoát khỏi nó.
Tất cả đủ để nói rằng, việc cố gắng du hành đến sao Mộc là một ý tưởng khá tồi. Nhân loại có thể không bao giờ nhìn thấy được những gì đang diễn ra bên dưới những đám mây hùng vĩ kia mà chỉ có thể chiêm ngưỡng hành tinh khổng lồ đầy bí ẩn này từ xa.
Hoàng An (Theo Business Insider)