Truyện cổ tích không hoàn toàn chỉ là trí tưởng tượng phong phú của tác giả, mà còn là cảm hứng từ những tác phẩm dân gian. “Cô bé lọ lem” trong truyện cổ Grimm cũng dựa trên câu chuyện truyền miệng dân gian ở châu Âu.
“Cô bé lọ lem” (Cinderella) là một nhân vật cổ tích của anh em nhà Grimm. Đó là cô gái có tấm lòng lương thiện, bị mẹ kế độc ác bắt nạt, cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của bà Tiên mà sánh đôi cùng hoàng tử, viết nên một tình yêu tuyệt đẹp. Câu chuyện này cho thấy nhân quả báo ứng, đồng thời cũng chứng minh cho câu tục ngữ “ở hiền gặp lành” và được lan truyền rộng rãi trong dân gian.
Truyện kể rằng, Cinderella là cô bé mồ côi từ nhỏ, phải sống cùng người mẹ kế có tâm địa độc ác, cùng với hai cô chị gái xấu tính. Mẹ kế và các chị kế ngày ngày ăn sung mặc sướng, còn Cinderella phải sống một cuộc sống cực khổ, trở thành kẻ hầu người hạ, làm tất cả mọi công việc nặng nhọc trong nhà. Bà Tiên thấy cô đáng thương liền quyết định ra tay giúp đỡ, nhờ vậy mà Cinderella biến thân trở thành một cô gái xinh đẹp và cao quý, khoác lên mình bộ váy dạ hội lộng lẫy, và có cơ hội được gặp hoàng tử. Chàng hoàng tử vừa gặp Cinderella đã đem lòng yêu mến, nhưng sau đó cô nhanh chóng biến mất và chỉ để lại một chiếc giày pha lê, khiến hoàng tử phải đi khắp nơi tìm kiếm. Và kết thúc cuối cùng thật có hậu, Cinderella trở thành vợ của chàng hoàng tử.
Cho đến hiện nay, “Cô bé lọ lem” là tác phẩm nổi tiếng và có ý nghĩa nhân văn, tôn vinh đạo đức và sự khiêm tốn của mỗi người. Thậm chí cụm từ “cô bé lọ lem” còn dùng để chỉ những cô gái xuất thân nghèo khổ nhưng có thể gặp được chàng hoàng tử của đời mình.
Có học giả cho rằng, trên thực tế truyện “Cô bé lọ lem” được sáng tạo trên một truyền thuyết cổ xưa ở châu Âu. Nguyên mẫu câu chuyện bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại và có liên quan đến nguồn gốc của kim tự tháp thứ ba ở Giza.
Ba kim tự tháp nổi tiếng nhất thế giới nằm ở Giza, ngoại ô thành phố Cairo. Đó là ba tòa tháp được xây dựng với các đền thờ và các nhà phụ khác và tượng nhân sư nổi tiếng. Kim tự tháp vĩ đại thứ nhất là lăng mộ của Khufu, vị pharaon thứ hai của triều đại thứ tư. Kim tự tháp thứ hai là lăng mộ của Khafre, vị pharaon thứ tư của vương triều thứ tư. Kim tự tháp thứ ba thuộc về Menkaure, cháu trai của Khufu. Câu chuyện mà chúng ta đang nhắc đến có liên quan đến kim tự tháp thứ ba này.
Truyền thuyết kể rằng, một ngày, vị pharaon của triều đại thứ tư là Menkaure nằm phơi nắng trong cung điện. Khi vị vua trẻ đang nói chuyện với quan cận thần, đột nhiên có một con đại bàng bay qua đầu vua, móng vuốt của nó thả một vật rơi xuống.
Vua Menkaure vô cùng kinh ngạc, liền nhặt thứ kỳ lạ đó lên xem, thì ra đó là một chiếc dép lông của phụ nữ, bên trong nhét đầy cát. Người đương thời quan niệm dép là biểu tượng của sinh mệnh, nhà vua cho rằng vì chiếc dép này từ trên trời rơi xuống nên là một điềm lành, vì thế liền cho người đi tìm chủ nhân của chiếc dép trong dân gian.
Lúc này, một cô gái trẻ tên Rhodopis đang vô cùng tức giận. Bởi vì khi cô đang vui vẻ tắm trên sông thì một con chim đại bàng bỗng từ đâu xà xuống và cắp mất một chiếc dép mà cô để trên bờ. Con đại bàng nhanh chóng bay đi không để lại dấu vết, khiến Rhodopis chỉ có thể về nhà bằng chân trần.
Các sứ giả của cung điện chia nhau đi khắp nơi tìm kiếm chủ nhân của chiếc dép, mãi tới vài ngày sau họ mới đến làng của Rhodopis. Chân của Rhodopis vừa khít với chiếc dép, vì thế các sứ giả liền dẫn Rhodopis vào cung gặp nhà vua. Vị vua trẻ Menkaure vừa nhìn thấy Rhodopis đã đem lòng yêu thương, quyết định cùng nàng tổ chức hôn lễ. Chuyện tình của vua Menkaure và Rhodopis cũng trở thành một câu chuyện đẹp. Nhiều năm sau khi Rhodopis qua đời, vua Menkaure vô cùng đau khổ, và để tưởng nhớ vợ mình, ông đã ra lệnh xây dựng một kim tự tháp nơi hai người có thể cùng nhau nhắm mắt, đó cũng chính là kim tự tháp thứ ba của Giza ngày nay.
Có vị học giả cho rằng, chiếc dép lông trong truyền thuyết đã biến thành chiếc giày thủy tinh trong tác phẩm của anh em nhà Grimm, có lẽ là do sơ suất trong quá trình phiên dịch. Chữ lông trong tiếng Pháp là “vaire”, nhưng dịch giả lại sử dụng sai thành từ “verre”, mà “verre” có nghĩa là thủy tinh. Do đó, các thế hệ sau dựa trên truyền thuyết này mà lưu truyền từ đời này qua đời khác. Và khi Grimm viết “Cô bé lọ lem”, giày thủy tinh đã trở thành đôi giày pha lê tuyệt đẹp dưới ngòi bút của tác giả.
Theo ĐKN