Ở chân núi Yến Sơn, có một thôn tên gọi là “Khao Sơn”, hiện đã đổi thành “Thiên Phật viện”. Đằng sau việc đổi tên này là một câu chuyện ý nghĩa liên quan đến mối quan hệ giữa con người và Thần Phật.
Tương truyền rằng, cách đây rất lâu, con người nơi đây dần dần trở nên tự tư tự lợi, chỉ biết đến bản thân mình, chẳng thiết gì đến người khác. Họ vì lợi ích cá nhân mà chuyện xấu xa gì cũng làm, đạo đức đã trở nên vô cùng bại hoại. Con người đã chẳng còn tin rằng quy luật “thiện ác hữu báo” là thiên lý, họ cũng không tin vào sự tồn tại của Thần Phật. Vậy nên số phận những người này không tránh khỏi được quy luật đào thải của vũ trụ, tức là những thứ xấu xa cần bị thanh lý để tái tạo sinh mệnh mới tốt đẹp hơn, tái thiết cộng đồng loài người thuần thiện hơn.
Chư Thần Phật theo đó chuẩn bị dùng lửa lớn để thiêu hủy con người cùng thôn xóm nơi đây, nhưng Thần Phật vốn từ bi vô hạn, các Ngài vẫn muốn cấp cho con người, vốn đã rất bại hoại này, một lần cơ hội lựa chọn nữa. Thế là Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn liền biến thành một anh chàng bán hàng rong, lưng đeo đôi quan gánh, một giỏ đựng đầy táo và đào, giỏ kia đựng đầy than lửa, loại dùng để nướng bánh.
Người bán hàng rong vừa đi, vừa không ngừng dùng lời lẽ từ tốn nói với mọi người rằng: “Mau mau tránh đại hỏa thiêu nào! Mau mau tránh đại hỏa thiêu nào!” (Can tảo nhi đào đại hỏa thiêu). Liên tục suốt mấy ngày liền, anh không ngừng bảo những con người mê muội mau chóng rời khỏi đây vì một ngọn lửa lớn sẽ thiêu hủy ngôi làng cùng nhóm người xấu.
Tuy nhiên, mấy ngày trôi qua mà chẳng có người nào lĩnh hội được hàm nghĩa trong câu nói đó, mọi người chỉ tin vào những điều hiện thực được nhìn thấy trước mắt. Họ thấy rằng người bán hàng rong chỉ đơn thuần là đang cố tình nói trại đi các món hàng của mình là “táo khô (can tảo), quả đào (đào), than đốt lò (đại hỏa thiêu)”.
Vào buổi chiều nọ, bầu trời trở nên u ám, gió Tây Bắc thổi rất mạnh, còn kèm theo mưa tuyết. Thời tiết rất lạnh, một cụ bà tốt bụng đã mua một ít táo khô. Bà thấy người bán hàng rong đang rét đến run cầm cập, liền mời anh về nhà sưởi ấm.
Nhân lúc sưởi ấm, cả hai cùng chuyện trò, người bán hàng rong nói với bà cụ rằng, đứa con gái của bà, vốn đã được gả cho viên quan họ Vương, đang mắc bệnh nặng nhờ anh chuyển lời, hy vọng bà cùng cả nhà ngày mai đi gặp mặt lần cuối, nếu không sau này sợ rằng chẳng còn cơ hội thấy mặt nhau nữa. Vậy nên, sáng hôm sau khi trời vừa tảng sáng, cả nhà bà cụ vội vội vàng vàng đến nhà cô con gái để thăm bệnh.
Đến nơi, họ trông thấy cô con gái chẳng có bệnh tình gì cả nên vô cùng tức giận, lớn tiếng nguyền rủa người bán hàng rong. Tuy nhiên cũng trong ngày hôm đó, khi cả nhà vừa rời khỏi làng không lâu, thì nơi đó bất ngờ xảy ra hỏa hoạn, người sống sót chẳng còn lại mấy ai. Lúc này, cả nhà cụ bà mới hiểu ra người bán hàng rong không phải lừa gạt mà là cứu họ.
Sau khi sự việc xảy ra, mọi người mới hiểu được hàm nghĩa của “táo khô, quả đào, lửa lớn thiêu”, chính là: Hãy mau mau rời khỏi, sắp xảy ra hỏa hoạn rồi! Nhưng lúc đó đã quá muộn màng.
Từ đó về sau, vì cảm nhớ ân đức của Quan Âm Bồ Tát, mọi người liền đem tên thôn “Khao Sơn” đổi thành “Thiên Phật viện”.
Kỳ thực, trước khi kiếp nạn ập đến,Thần Phật sẽ cảnh tỉnh con người, thông qua các phương thức truyền tải gián tiếp để báo cho người đời biết về tai họa sắp ập đến, chỉ là người đời quá mê muội nên không ngộ ra mà thôi.
Chú thích của người dịch về “táo khô, quả đào, lò lửa”:
- Táo khô: tiếng Hoa 干枣, âm Hán Việt đọc là can tảo, từ này nghe rất giống 干早 (can tảo), nghĩa là nhân lúc còn sớm.
- Quả đào: 桃 (đào), từ này trong tiếng Hán đọc giống từ 逃 (đào), nghĩa là chạy thoát, chạy trốn.
- Lò lửa: tiếng Hán trong bài này đọc là “大火烧” (Đại hỏa thiêu), nghĩa là lửa lớn cháy đến nơi rồi.
Các món hàng của người bán rong khi gộp lại thành câu có nghĩa là: “nhân lúc còn sớm, hãy chạy đi, lửa lớn cháy đến nơi rồi” là vậy.
- Kinh thành bị bão cát vùi lấp trong một đêm: Sự thật hay truyền thuyết?
- Những cảnh báo trong Kinh Phật về hiện tượng “Mặt trăng máu”
Tiểu Thiện – Dịch từ Epoch Times