Thông thường chúng ta thường nghĩ phạm những tội ác lớn như sát sinh, hại người mới phải nhận quả báo. Nhưng không ngờ dù khởi một ý nghĩ không tốt nhỏ trong tâm, cũng đều có báo ứng đang đợi ta rồi…
Một ngày nọ, Phật Thích Ca Mâu Ni đang giảng Pháp cho các đệ tử, đột nhiên Ngài gọi A Nan đến và nói: “Con hãy lấy một cái thùng không, đi tới một ngôi làng nhỏ cách đây 5 dặm, và hỏi xin bà cụ già đang giặt quần áo ở bên giếng nước một xô nước mang về, thái độ nên hòa ái lịch sự một chút nhé.”
A Nan vâng lời, đi lấy thùng rồi hướng về phía Sư Tôn chỉ để đi xin nước, lòng thầm nghĩ việc này khá đơn giản hẳn sẽ hoàn thành nhanh thôi. A Nan đi mãi, cuối cùng cũng đến ngôi làng kia. Quả nhiên có một bà lão đang ngồi bên giếng giặt quần áo.
Thấy bà lão, A Nan rất lịch sự tiến đến chắp tay thi lễ nói: “Thưa cụ, cụ có thể cho con xin một thùng nước được không ạ?”
Bà cụ ngẩng đầu lên thì thấy một chàng trai trẻ, tự nhiên trong lòng cảm thấy bực bội, tức giận nói: “Không được, giếng nước này chỉ để người trong thôn dùng, bất kể người ngoài nào cũng không được lấy”.
Sau đó, bà lão đuổi A Nan đi, mặc cho anh có cầu xin thế nào cũng vô dụng. A Nan bất lực đành xách thùng không trở về rồi thuật lại cho Sư tôn và mọi người nghe. Đức Phật gật đầu, bảo A Nan ngồi xuống rồi nói Xá Lợi Phật đi thay.
Xá Lợi Phật đi mãi, cuối cùng cũng tới ngôi làng kia và cũng gặp bà lão tóc bạc đang giặt quần áo bên giếng nước.
Xá Lợi Phật cũng cung kính hỏi xin bà lão: “Cụ ơi, cụ có thể cho con xin một thùng nước không ạ?”
Bà lão ngẩng đầu lên nhìn thấy chàng thanh niên bỗng có cảm giác vui vẻ lạ thường, như thể người quen lâu ngày không gặp vậy. Bà lão đáp: “Được được, nào qua đây ta giúp con..” Thậm chí, sau khi múc đầy xô nước, bà còn bảo Xá Lợi Phật đợi một chút để chạy về lấy ít đồ ăn khô đưa cho ngài mang đi đường ăn.
Xá Lợi Phật xách nước về và cũng thuật lại câu chuyện cho Sư Tôn cùng mọi người nghe. Các đệ tử có mặt ai cũng khó hiểu thắc mắc, sao lại cách cư xử của bà lão lại có sự khác biệt lớn đến vậy.
Phật Thích Ca bèn giải thích: Trong tiền kiếp có lần bà lão này từng chuyển sinh vào cõi súc vật, là một con chuột, khi chết bên đường bị ánh nắng Mặt trời thiêu đốt. Lúc đó A Nan là một thương gia, khi đi ngang qua nhìn thấy con chuột chết thì kinh sợ, căm ghét, bịt mũi bỏ đi. Còn Xá Lợi Phật khi ấy là một sĩ tử đang trên đường lên kinh ứng thi, thấy con chuột trong lòng tội nghiệp bèn vốc một ít đất bên đường lấp lên.
Trải qua nhiều kiếp khác, giờ đây họ mới gặp nhau và phát sinh sự đối xử khác biệt như vậy. Thái độ của bà lão với A Nan chính là đáp trả sự thờ ơ, ghét bỏ của anh hồi trước. Còn việc thiện đãi Xá Lợi Phật chính là để báo ân người từng tốt với mình.
Thế mới thấy nhân quả, đức nghiệp của con người không chỉ xuất phát từ hành động, lời nói, mà ngay từ ý nghĩ đã sản sinh rồi. Quả đúng với câu nói: “Lòng người sinh một niệm. Trời đất đều thấu tỏ. Thiện ác mà không báo. Càn khôn ắt vị tư”.
Do đó trong giới tu luyện yêu cầu rất nghiêm khắc việc tu sửa từng ý từng niệm. Bởi chỉ cần động một niệm cũng là tạo nghiệp rồi. Huống chi việc nói lời ác khẩu, gây tổn thương hay hãm hại người khác.
Phật gia giảng: Con người sống chính là vì nghiệp lực luân báo, mọi sự trên đời đều có nhân duyên. Có duyên mới gặp, không duyên không gặp.
Ngày nay, chúng ta không khỏi gặp chuyện chẳng hiểu vì sao có người cứ luôn bắt nạt mình, đánh chửi mình, thậm chí có khi chính là người thân thích ruột thịt… Nhưng cũng có người vừa gặp đã nhiệt tình giúp đỡ như quen biết từ lâu. Kỳ thực không có gì ngẫu nhiên. Làm điều tốt kết thiện duyên, làm chuyện xấu kết ác duyên. Mục đích cuối cùng là để kết thúc duyên nợ. Hiểu được việc nhân quả rồi, mới có thể bình thản đối diện kiếp nhân sinh.
Hồng Liên (t/h)