Tào Quốc Cữu là một trong số 8 vị tiên (Bát Tiên) của Đạo giáo. Ông bởi một lòng cầu Tiên học Đạo mà rời bỏ vinh hoa phú quý chốn kinh thành. Dưới đây là câu chuyện đi tìm Đạo của ông.
Có một ngày, Lã Động Tân hóa thân thành một đạo sĩ vân du bốn phương, mang theo bảo kiếm Đồ Long, lưng đeo hồ lô Kim Đan, tay cầm phất trần chuôi ngọc. Khi đến bên bờ phía nam sông Hoàng Hà, vừa khéo gặp được Tào Quốc Cữu đến từ Biện Kinh. Tào Quốc Cữu muốn đến núi Chung Nam cầu Tiên học Đạo, gọi thuyền đưa qua sông. Chủ thuyền này là nhờ công việc đưa khách sang sông mà nuôi sống cả nhà, đòi ông trả tiền trước mới đưa qua sông.
Tào Quốc Cữu bởi rời kinh vội vàng, sờ vào áo không có đồng xu nào, liền lầy kim bài ngự tứ mà anh rể là Hoàng đế ban tặng, trên đó có khắc tám chữ lớn “Quốc cữu đáo xứ, như trầm thân hành” (Nơi quốc cữu đến, giống như nơi trẫm quang lâm).
Những người trên thuyền và trên bờ nhìn thấy, vội vàng quỳ xuống hô lớn ba lần “Vạn Tuế!”. Nhưng vị đạo sĩ vân du đó không những không quỳ, trái lại còn ưỡn ngực trừng mắt, dùng cây phất trần chuôi ngọc chỉ vào đầu mũi của Tào Quốc Cữu, nói rằng: “Ông muốn cầu tiên học Đạo, thế mà lại lấy kim bài ra để doạ bách tính, đó chẳng phải là bậy bạ sao!“.
Tào Quốc Cữu nhìn kỹ vị đạo nhân trước mặt, thấy vị này râu dài đến ngực, tiên phong đạo cốt, bất giác quỳ mọp xuống đất, miệng đáp liên hồi: “Đệ tử không dám! Không dám!”, rồi bèn liệng tấm kim bài xuống sông. Lã Động Tân vẫy nhẹ cây phất trần, Tào Quốc Cữu hai mắt nhắm lại, liền cảm thấy hai bên sườn có gió mát, mở mắt nhìn thử, thấy mình đã bay qua bờ phía bắc bên kia sông Hoàng Hà. Ông quay đầu nhìn về nơi xa, thấy chiếc thuyền gỗ kia vẫn còn chưa nhổ neo.
Lã Động Tân nói: “Ta chính là Lã Thuần Dương đến từ núi Chung Nam, có tiên duyên với ông, đặc biệt đến đây chỉ điểm cho ông!”.
Tào Quốc Cữu gặp được chân tiên thì vui mừng khôn xiết, dập đầu khẩn cầu rằng: “Đệ tử đã nhìn thấu hồng trần, bỏ lại hậu lộc hoàng gia, liệng bỏ kim bài Hoàng đế ban tặng, là để tỏ rõ tấm lòng thành. Chỉ mong thượng tiên dẫn đệ tử lên núi Chung Nam tu hành học Đạo, nếu được vậy thật chẳng còn mong cầu gì hơn!”.
Lã Động Tân cười ha hả, nói: “Nói nghe sao dễ vậy! Núi Chung Nam là chốn bồng lai thắng địa, ông là phàm phu tục tử, trần duyên chưa dứt, làm sao đến được?”. Nói xong vẫy khẽ phất trần, không thấy tung tích đâu nữa.
Tào Quốc Cữu giận mình ngu ngốc, lúc nãy nếu như nắm lấy ống tay áo của tiên nhân, chẳng phải đã phi thăng cùng lúc rồi sao; nếu như người đã đến chỉ điểm, chính là đã kết hạ tiên duyên. Ông nhìn trời lễ bái, phát thệ nói: “Đệ tử Tào Hữu, một lòng cầu Tiên học Đạo, dẫu có trải qua nghìn trùng ma nạn, thịt nát xương tan, thề không hối hận!”. Nói xong, bèn tiếp tục đi về phía núi Chung Nam.
Thiết nghĩ, vị Quốc Cữu này, trong phủ là áo gấm cơm vàng, châu ngọc vây quanh, phú quý vô cùng. Khi đi ra ngoài nếu không ngồi kiệu thì cũng là cưỡi ngựa, trước sau có người hộ tống uy phong biết mấy; đế giày của ông còn sạch gấp mười lần mũ nón của bá tánh bình dân. Giờ đây, đi được mấy ngày, vết bỏng dưới lòng bàn chân giống như những chùm nho, cất một bước phải cắn răng chịu đựng; lại nói trên người không một xu dính túi, nơi ăn chốn nghỉ cũng là cả một vấn đề. Ông đành phải bán áo gấm, đai ngọc lấy tiền làm lộ phí, giày báu hoàng cung đổi thành một đôi giày vải, chỉ mong sao có thể đi lại nhẹ nhàng.
Đến một ngày, Quốc Cữu đi đến huyện Phú Thủy, Tần Trung, lúc này tiền đã tiêu xài hết, trên người cũng không còn vật gì đáng giá có thể bán được nữa; bụng đói cồn cào, khắp người mệt mỏi không còn chút sức lực, đành phải tựa lưng vào góc tường bên mái hiên của một cửa hàng. Trong lúc nửa mơ nửa tỉnh, bỗng nhiên cảm thấy có người lay vai mình, mở mắt ra nhìn thử, thì ra là một viên thái giám trong cung.
Thái giám kêu lên rằng: “Quốc Cữu gia, người khiến chúng thần phải tìm kiếm vất vả quá! Sau khi người rời khỏi kinh thành, nương nương nhớ người, không màng đến cơm nước, ngọc thể bất an. Chúng thần phụng ý chỉ của Hoàng thượng đến đón người trở về kinh thành”. Nói xong, quay lại đằng sau vẫy tay: “Mau đến đây, Quốc Cữu gia ở đây này!”.
Trong nháy mắt, một chiếc kiệu gấm vàng đã được khiêng đến trước mặt Quốc Cữu, ông được người thái giám đó kéo lên, dìu về phía cửa kiệu.
Lúc này, Quốc Cữu bỗng nhiên tỉnh táo, nhớ lại lời thề “thịt nát xương tan, quyết không hối hận”. Ngay tức khắc ông dốc hết sức lực, chạy thoát khỏi đám quân lính đang cố đưa ông lên kiệu. Ông nhìn kỹ lần nữa, thì không còn thấy bóng dáng của viên thái giám và kiệu lớn kia đâu nữa, chỉ thấy từ không trung có một tấm thiếp màu vàng rơi xuống, trên đó viết rằng:
Văn hỏa công lai vũ hỏa luyện,
Bất kinh cửu chuyển bất thành đan.
Vị tằng ma đắc trần duyên tịnh,
Nan thượng chung nam đệ nhất sơn.
Tạm dịch:
Lửa nhỏ nung rèn đến lửa to,
Không trải chín vòng không thành đan.
Trần duyên nếu như không gột sạch,
Khó đến Chung Nam đệ nhất sơn.
Sau khi đọc xong, trong lòng Quốc Cữu hiểu rõ lúc nãy chính là tổ sư Thuần Dương dùng thần thông huyễn hóa để khảo nghiệm bản thân mình. May mà trong mông lung còn có thể tỉnh táo, nếu như một chân bước vào kiệu lớn, chẳng phải bao nhiêu công sức đều đã đổ xuống sông xuống biển rồi sao? Ông mau chóng cất tấm thiếp đó vào trong ngực áo. Và kỳ lạ thay, ngay lúc đó ông bỗng cảm thấy hai mắt sáng lên, trong miệng có vị, không đói không khát, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Ông vừa cất bước đi thì cảm thấy giống như đi trong gió vậy, một ngày có thể đi được lộ trình bằng ba ngày trước đây.
Một ngày, Tào Quốc Cữu đi đến ngoại thành huyện Đan Phượng, nhìn thấy có một con sông trong suốt. Hỏi thăm cụ già bên đường, cụ già nói rằng đây gọi là sông Đan, thuận theo đây mà đi thì có thể nhìn thấy núi Chung Nam. Quốc Cữu rất đỗi vui mừng, bèn men theo bờ sông mà đi. Bỗng nhiên nhìn thấy có một người đang ôm lấy một cây khúc gỗ từ thượng nguồn trôi đến, lớn tiếng kêu cứu mạng, âm thanh nghe rất rõ ràng. Vậy là ông không màng đến bản thân mình có biết bơi hay không, cũng không kịp cởi bỏ y phục, “ùm” một tiếng nhảy vội xuống sông cứu người. Vừa hay có một cơn sóng lớn ập đến, đẩy người kia đến gần bờ. Ông dốc hết sức lực, cuối cùng cũng dìu được người đó lên bờ.
Người rơi xuống nước là một cậu thiếu niên ngoài chợ, Tào Quốc Cữu hỏi cậu tại sao lại bị rơi xuống xông? Cậu còn chưa mở miệng, hai hàng nước mắt đã trào ra, cậu nói: “Cha cháu là một thương nhân buôn bán đồ cổ, quanh năm bôn ba bên ngoài. Ngày trước có nhờ người gửi một lá thư về nhà kể rằng, vì ông mua một cái đai ngọc nên bị quan sai bắt nhốt, nói là vật của hoàng gia, sao lại có thể rơi vào tay ông được? Bị tình nghi là trộm, hiện giờ cha cháu bị nhốt trong nhà lao huyện Phú Thủy. Cháu từ biệt mẹ đến đây thăm cha, bởi lòng như lửa đốt, bước lên cây cầu bắc qua sông, chẳng may sẩy chân rơi xuống. May mà cháu ôm được một cây cọc gỗ từ thượng nguồn trôi đến ….”. Nói xong lại khóc nức nở không thôi.
Tào Quốc Cữu nghe xong thì giật mình, không ngờ bản thân mình bán đai ngọc lại liên lụy người vô tội, bèn nói với cậu bé rằng: “Cậu bé này, cái đai đó chính là tôi bán cho cha cậu. Cậu hãy cùng tôi đến huyện nha biện minh, để cho cha cậu sớm ngày được thả”. Cậu thiếu niên này vốn rất hiểu chuyện, nói: “Ân nhân, thế không phải sẽ làm làm lỡ chuyện lớn của ông sao?”.
“Không hề gì, không hề gì cả! Tôi là người nhàn hạ, không có chuyện gì lớn, cứu giúp cha cậu quan trọng hơn”, Quốc Cữu đáp.
“Ân huệ của ân nhân, thật không biết lấy gì báo đáp ….. “, cậu từ trong ngực lấy ra một miếng ngọc bích, hai tay dâng lên nói: “Mong ân nhân nhận lấy vật này!”. “Cha cậu bị đai ngọc của tôi liên lụy, lẽ ra nên đi giải oan cho ông, nào dám mong cầu báo đáp, vật này tuyệt đối không dám nhận!”, Quốc Cữu từ chối.
Bỗng nhiên cậu thiếu niên đó nổi giận, ném miếng ngọc trong tay xuống đất, không ngờ lại hiện ra hai con hạc tiên, đang vỗ đôi cánh.
Tào Quốc Cữu không khỏi kinh ngạc, định thần nhìn thử, trước mặt không còn thấy cậu bé kia đâu nữa, chỉ thấy Thuần Dương tổ sư, tay cầm cây phất trần đang mỉm cười.
Sau đó hai người họ cưỡi trên lưng hạc, bay lên núi Chung Nam. Miếng ngọc đó đã trở thành bảo vật trong tay Tào Quốc Cữu. Ông cuối cùng đã tu đạo thành Tiên, còn câu thơ viết trên tấm thiếp vàng đó chính là bí quyết chỉ đạo sự tu luyện của ông.
(Câu chuyện dựa theo “Uyên Giám Loại Hàm”)
Tiểu Thiện, dịch từ epochtimes.com