Từ thời xa xưa, ngôn ngữ Việt Nam đã rất đa dạng, phong phú. Nhất là những từ ngữ cổ bởi chúng có thể diễn tả sâu sắc nội tâm của con người, diễn tả chi tiết về sự vật, hiện tượng…. Cho đến ngày nay, chúng vẫn tồn tại nhưng lại thường bị mất nghĩa hoặc bị hiểu sai.
Dưới đây là một số từ cổ tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có ý nghĩa rất bất ngờ và thú vị.
Xinh xắn
Đa phần mọi người hay lầm tưởng ‘xinh xắn’ là từ láy và cho rằng chữ ‘xắn’ vô nghĩa. Nhưng không, đây là từ ghép đẳng lập, trong đó:
– Xinh là đẹp, cũng có nghĩa là lịch sự. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích ‘xinh trai’ là chàng trai lịch sự.
– Xắn là sáng, chói, cũng có nghĩa là đẹp. Chữ ‘xắn’ này, vốn là từ sinh đôi của chữ ‘xán’ trong ‘xán lạn’ có nghĩa là rực rỡ, sáng chói (thường bị viết sai thành ‘sáng lạng’).
Từ sinh đôi hay song lập thể (doublet) là một thuật ngữ của ngôn ngữ học, tạm hiểu là những cặp từ có chung nguồn gốc nhưng phát âm khác nhau.
Sáng láng
Đây là từ gốc Hán, viết là 爽朗, trong đó:
– Sáng âm Hán Việt đọc là ‘sảng’. Tên nữ diễn viên Trịnh Sảng chính là chữ này.
– Láng âm Hán Việt đọc là ‘lãng’.
Cả ‘sáng’ và ‘láng’ (tức ‘sảng’ và ‘lãng’) đều có nghĩa là sáng, rõ, trong.
‘Sáng láng’ là từ ghép đẳng lập trong khi vẫn hay bị nhầm là từ láy và chữ ‘láng’ thường không dùng một mình do nhiều người không rõ nghĩa.
Tinh tế
Từ gốc Hán, viết là 精细, trong đó:
– Tinh là gạo giã cho trắng sạch, những thứ đã lọc hết tạp chất gọi là tinh;
– Tế là những vật, những thứ nhỏ, mịn.
‘Tinh tế’ là từ ghép đẳng lập dùng để chỉ những thứ, những cảm xúc tỉ mỉ, kĩ lưỡng, chi tiết, sâu sắc, mang yếu tố tinh tuý.
Thân thích
Từ gốc Hán, viết là 亲戚, trong đó:
– Thân là gần, họ hàng gần, thường dùng chỉ họ bên nội;
– Thích là bà con khác họ, thường dùng chỉ họ bên ngoại.
Người ta vẫn nói ‘nội thân ngoại thích’ dùng để chỉ họ hàng hai bên nội ngoại. Ngày nay, chữ ‘thân’ thì còn dùng nhiều, khi nói ‘người thân’, người ta cũng không phân biệt bên nội hay bên ngoại. Nhưng chữ ‘thích’ này hiện nay rất ít khi dùng riêng biệt, khi nói ‘người thích’ thì hẳn là đang nói tới người mình thích và ngưỡng mộ.
Mông muội
Từ gốc Hán, viết là 蒙昧, trong đó:
– Mông là tối, bị che lấp. Chỗ mặt trời lặn gọi là đại mông;
– Muội là mờ mờ, tối tăm.
‘Mông muội’ không phải là từ láy mà là từ ghép, ban đầu dùng để chỉ giai đoạn đầu xã hội nguyên thuỷ, khi đời sống con người còn nhiều u mê, như ‘thời kì mông muội’. Về sau, ‘mông muội’ còn dùng để chỉ sự ngu ngơ, khờ dại, như ‘đầu óc mông muội’, ‘con người mông muội’.
Đo đạc
Từ Hán Nôm, trong đó:
– Đo là tiếng Nôm, viết là 都, đọc là /đo/, nghĩa là dùng thước để so xem dài ngắn rộng hẹp;
– Đạc là từ gốc Hán, viết là 度, (một âm khác là “độ”), đọc là /dù/, nghĩa là ước chừng, mưu tính.
‘Đo đạc’ là từ ghép, đều mang nghĩa là đo, ước chừng, tính toán khoảng cách. Hiện tượng ghép từ đồng nghĩa giữa Hán và Nôm thật ra rất phổ biến trong tiếng Việt.
Đau điếng
Từ Hán Nôm, trong đó:
– Đau là tiếng Nôm, viết là ?, đọc là /đau/, nghĩa là nhức nhối, xót xa, cũng có nghĩa là cực khổ, khó ở, bệnh hoạn;
– Điếng là từ gốc Hán, viết là 酊, đọc là /dīng/. Về nguồn gốc, chữ 酊 có âm Hán Việt là đính, nghĩa là (say) không còn biết gì.
Trong ngôn ngữ đời thường, ‘đính’ đã biến âm thành ‘điếng’, hiện tượng biến âm ~inh thành ~iêng khá phổ biến trong tiếng Việt, như ‘chinh’ thành ‘chiêng’ (‘trống chinh’ thành ‘trống chiêng’).
‘Đau điếng’ là từ ghép dùng để diễn tả con đau đến mức mất cảm giác, đau đến mức không còn biết gì.
Thu thập
Từ gốc Hán, viết là 收拾, đọc là /shōushi/, trong đó:
– Thu là bắt, như ‘thu giám’ là ‘bắt giam’;
– Thập là nhặt nhạnh.
‘Thu thập’ là từ ghép mang nghĩa là góp nhặt, tập hợp, gom góp lại.
Săn sóc
Từ Việt gốc Hán, trong đó:
– Săn là truy đuổi (trong săn thú, săn đuổi). Tiếng Hán viết là 趁, đọc là /chèn/, âm Hán Việt đọc là ‘sấn’;
– Sóc là chăn nuôi, nuôi dưỡng. Tiếng Hán viết là 畜, đọc là /chù/, âm Hán Việt đọc là ‘súc’ (trong gia súc).
‘Săn sóc’ là từ ghép với nguồn gốc là một ‘thuật ngữ’ của nghề chăn nuôi, chỉ việc săn bắt và nuôi dưỡng thú. Sau này, có lẽ người ta không săn bắt thú nữa (chuyển sang mua bán hết rồi) nên cái nghĩa săn bắt bị mờ dần đi, chỉ còn cái nghĩa chăn nuôi, nuôi dưỡng. Thành ra, ‘săn sóc’ trở thành động từ mang nghĩa chăm nom, chăm sóc.
Hống hách
Từ gốc Hán, viết là 吼吓, đọc là /hǒu xià/ trong đó:
– Hống là gào, thét, gầm, rống;
– Hách là doạ nạt.
‘Hống hách’ là từ ghép, ban đầu có nghĩa là lớn tiếng nạt nộ, gào thét để thị uy. Sau này dần biến nghĩa trở thành từ dùng chỉ thái độ ra oai để tỏ rõ uy quyền. Ví như việc cán bộ mà tỏ thái độ khinh khỉnh, coi thường dân thì bị cho là có thái độ ‘hống hách’ dù cán bộ không có gào thét gì.
‘Thái độ hống hách’ thật ra không đúng lắm, vì ‘hống hách’ là động từ, không phải tính từ, không thể dùng miêu tả thái độ.
Vũ Tuấn (sưu tầm)