Cây Tāne Mahuta có nghĩa là “Chúa tể rừng xanh”, một loại cây có hình dáng khổng lồ, được đặt theo tên của một vị thần trong đền thờ Tane Mahuta của người Maori.
Cây đại thụ khổng lồ
Đôi khi dáng vẻ khổng lồ của một vật thể có thể khiến người ta cảm thấy sợ hãi. Đó không phải là một cảnh tượng hiếm thấy khi du khách nhìn thấy cây Tāne Mahuta, loài cây kauri to lớn nhất trên thế giới, mọc ở rừng Waipoua của Vùng Northland, New Zealand. Ngay cả một cây kauri có kích thước trung bình cũng mang hình dáng rất khổng lồ.
Chu vi của nó thường lên đến hơn 5m và chiều cao trên 30m. Đó là lý do tại sao mà bất kỳ khu rừng nào có sự xuất hiện của loài cây này đều được gọi là rừng kauri, bất kể chúng có phải là loài cây chiếm ưu thế trong khu vực đó hay không.
Tên “Tane Mahuta” có nghĩa là “Chúa tể rừng xanh”, được đặt theo tên của một vị thần trong đền thờ Tane Mahuta của người Maori. Với chu vi lên đến 16m, chiều cao khoảng 45m tương đương với tòa nhà 14 tầng, cây Tane Mahuta đã khiến cho tất cả những người hàng xóm của mình cảm thấy ngại ngùng.
Phải mất một thời gian dài để cây Tane Mahuta vươn tới chiều cao đó và người ta ước tính nó có độ tuổi từ 2.500 đến 3.000 năm.
Nếu Tāne Mahuta được xem là chúa tể của khu rừng vì là cây kauri lớn nhất thế giới, thì “người hàng xóm” của nó – cây Te Matua Ngahere, nghĩa là “Cha đẻ của rừng” lại giữ kỷ lục là cây “mập” nhất. Chu vi của nó rộng đến 17m. Người ta ước tính niên đại của nó là khoảng 4.000 năm tuổi, còn lâu đời hơn cả những bảng chữ cái đầu tiên được biết đến.
Thật dễ hiểu vì sao những loài cây này lại chiếm vị trí trung tâm trong vũ trụ học của New Zealand.
Điểm độc đáo của cây khổng lồ
Bên cạnh dáng vẻ khổng lồ trên mặt đất, cây kauri còn độc đáo với một mạng lưới rễ cây dày đặc cắm vào lòng đất.
Không giống như nhiều loài cây cao lớn khác tự nuôi dưỡng chính mình bằng các quặng khoáng sản lắng đọng dưới lòng đất, kauri mở rộng tua mỏng dọc theo bề mặt mặt đất và hút chất dinh dưỡng từ chất hữu cơ phân hủy.
Tuy nhiên với kích thước to lớn, chúng cũng cần một cái gì đó để giữ được sự vững chắc cho mình. Vì vậy, trong bộ rễ của cây kauri sẽ có những chiếc rễ to cắm sâu xuống lòng đất làm nhiệm vụ này. Chúng sẽ không tham gia vào quá trình hút chất dinh dưỡng.
Thật không may, hệ thống dưỡng chất cũng có thể khiến những cây kauri khổng lồ này dễ bị tổn hại. Trong những năm gần đây, chúng đã mắc phải một căn bệnh mới gọi là “kauri dieback”. Nguyên nhân là do chất ô nhiễm bên ngoài thấm vào các rễ cây nông trên bề mặt.
Đôi khi nguyên nhân còn xuất phát từ các loài động vật có vú lang thang và bàn chân của những người đi bộ tham quan. Đó là lý do tại sao bạn sẽ phải cởi giày ra nếu muốn đến thăm quan cây Tāne Mahuta hoặc Te Matua Ngahere.
Uniwriter, theo c.com