Đại bàng, loài chim ăn thịt được mệnh danh là ‘Chúa tể bầu trời’, và là nỗi kinh hoàng cho động vật trên cạn lẫn dưới nước với những cú tấn công chớp nhoáng đầy bất ngờ.
Là chim săn mồi cỡ lớn thuộc bộ Ưng, lớp Chim, họ Accipitridae, đại bàng sinh sống trên các dãy núi cao và rừng nguyên sinh còn chưa bị con người chặt phá như bờ biển Úc, Indonesia, châu Phi… và chủ yếu là Lục địa Á-Âu với khoảng 60 loài, còn lại 11 loài khác được tìm thấy tại lục địa Bắc Mỹ, 9 loài ở Trung và Nam Mỹ và 3 loài ở Úc.
Có nhiều đặc điểm để nhận dạng các loài đại bàng khác nhau, nhưng đặc điểm quan trọng nhất là màu lông và kích thước từng loài. Loài đại bàng lớn nhất có chiều dài cơ thể hơn 1m và nặng 7kg. Loài bé nhất chỉ dài có 0,4m và nặng khoảng hơn 0,5kg. Chim mái thường lớn và nặng hơn chim trống khoảng 25%.
Theo một số tài liệu chưa được chứng minh thì đại bàng có sải cánh hơn 3m và nặng tới 30kg. Thực tế thì đại bàng nhỏ hơn thế. Sải cánh của chúng chỉ dài từ 1,5m cho đến 2m.
Thức ăn chủ yếu của đại bàng là các loài động vật có kích thước nhỏ như dơi đến kích thước to bằng một con nai Philippine. Ví dụ như ở đảo Luzon thì thức ăn chủ yếu của chúng là khỉ, chim, cáo bay và cá; còn ở đảo Mindanao thì lại là vượn cáo, rắn, thằn lằn… thậm chí chúng ăn cả các loài động vật móng guốc như lợn con, chó nhỏ. Từ trên cao, đại bàng có thể bổ xuống với tốc độ cực nhanh để tóm gọn và mau chóng hạ gục con mồi.
Đại bàng thường làm tổ trên núi hoặc cây cao. Tổ của chúng rất lớn, mỗi năm chúng lại tha về tổ nhiều cành cây mới để làm cho tổ kiên cố hơn. Tổ là nơi chim cái đẻ trứng. Mỗi kì sinh nở thì chim cái sinh 2 trứng. Do chim bố mẹ chỉ có khả năng nuôi một chim non nên thường sẽ có cuộc quyết đấu giữa hai chim con. Con nào thắng sẽ được nuôi cho đến khi trưởng thành.
Tổ của đại bàng biển Steller cao khoảng 15 – 20m, được xây trên các cây lớn (cao tới 150m, đường kính 2,5m). Mùa sinh sản thường vào tháng 2 – 3, còn trứng được đẻ vào tháng 4 – 5.
Theo khoahoc.tv