Không những là nền tảng đứng sau sự thành công của tiền ảo Bitcoin, công nghệ Blockchain còn đang được ứng dụng thử nghiệm để phục vụ đa dạng lĩnh vực. Đây là một công nghệ đầy hứa hẹn, tuy nhiên các công ty cần hướng đến người dùng nhiều hơn.
Những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực blockchain cũng như những người sử dụng tiền ảo đầu tiên trên thế giới đang có những thành quả bước đầu, thế nhưng rất nhiều người trong số họ còn tin rằng mình đang thay đổi thế giới. Chính những niềm tin của họ sẽ có vai trò rất lớn trong việc thiết lập một định hướng cũng như mục đích chung cho xã hội. Tuy nhiên, niềm tin ấy cũng có thể mang lại sự ngộ nhận, phớt lờ những ý kiến trái chiều khác và càng khiến cho việc mang một công nghệ có tính đột phá như vậy đến với những người khác càng thêm khó khăn hơn.
Cả mặt lợi và hại của xu hướng công nghệ blockchain đã được mang ra thảo luận tại một hội nghị gần đây của công ty CryptoWorld với tiêu đề: “Phố Wall và Internet Tiền tệ” được tổ chức tại New York. Chủ trì hội nghị – bà Ronnee Ades và ông Albert Neubert đã tập hợp những nhà khởi nghiệp, nhà phát triển, nhà báo nổi tiếng về lĩnh vực công nghệ blockchain cũng như những đại diện ngân hàng và giới luật sư vốn còn lạ lẫm về lĩnh vực này.
Hội nghị đã cung cấp cái nhìn phong phú và thú vị từ phương diện kinh tế đến xã hội về công nghệ blockchain. Tôi cảm thấy rất vui khi có dịp cùng thảo luận về việc định giá tiền ảo và những giao dịch tiền ảo ban đầu. Không chỉ thế, tôi còn học hỏi được rất nhiều từ những chia sẻ của các thành viên “kì cựu” thuộc hệ thống công nghệ blockchain.
Định hướng xu thế Blockchain
Xu thế blockchain sẽ kích thích thái độ làm việc tích cực, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro cũng như thái độ hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong cùng một mạng lưới. Tất cả những điều này là nhân tố tích cực trong cuộc vươn lên như “vũ bão” của công nghệ blockchain từ một ẩn số trở thành một động lực phát triển đáng kể. Tuy nhiên, sau khi công nghệ blockchain được ủng hộ rộng rãi thì vào giai đoạn sau, chính định hướng này sẽ tạo nên thách thức.
Sự thách thức ấy sẽ bắt đầu khi xuất hiện nhóm doanh nghiệp đầy tham vọng nhưng lại ngày càng sa vào lối tư duy trắng-đen (lối tư cực đoan). Khi ấy định hướng cho sự thành công của họ sẽ như sau: hoặc là bitcoin sẽ thống lĩnh hệ thống tiền tệ, hoặc là công nghệ blockchain sẽ “cải cách toàn diện” mọi giao dịch tài chính hiện tại. Khi chỉ chú ý đến sự “phá vỡ mọi quy luật truyền thống” ấy của blockchain, các nhà khởi xướng blockchain đôi khi đã xem nhẹ tầm quan trọng của sự ủng hộ từ những doanh nghiệp khác trong lĩnh vực tài chính cũng như nhiều lĩnh vực khác
Mọi người đã có những nhận định tương tự trong giai đoạn Internet bắt đầu phổ biến. Nhưng bên cạnh mạng lưới hàng ngang (P2P) và những công ty khởi nghiệp ra đời từ việc ứng dụng blockchain, nhiều công ty hiện nay sử dụng công nghệ này để tối đa hoá lợi ích của họ. Nếu như những doanh nghiệp đầu tư vào blockchain xem nhẹ điều trên thì không khác gì họ để tiền trên bàn cho người khác lấy mất.
Công nghệ blockchain cần người tiêu dùng sử dụng
Lối tư duy cực đoan của một bộ phận chủ doanh nghiệp sẽ tạo ra một lời tiên tri tự hiện thực hoá.
Để có thể trở thành một cuộc cách mạng, công nghệ blockchain phải được người tiêu dùng cũng như các công ty hiện nay ủng hộ. Điều này đòi hỏi những tổ chức cung cấp công nghệ này phải hiểu được cách truyền tải những công dụng đến khách hàng mới, đồng thời nhận thức được mối quan tâm của họ. Không nhất thiết khách hàng cần phải biết thông tin kĩ thuật về cách vận hành của blockchain, họ chỉ cần cảm thấy tiện lợi khi sử dụng một công nghệ mới như vậy.
Tôi không có ý quy chụp mọi doanh nghiệp ở lĩnh vực blockchain là những người coi thường nhu cầu và mối lo của người dùng. Chỉ là tại hội nghị hôm ấy, tôi cảm thấy nhiều người đã xem những nhu cầu và mối lo ấy là những thử thách hơn là cơ hội cho một cuộc cách mạng.
Họ đã sai. Công nghệ blockchain chỉ thực sự mang lại lợi ích tối ưu khi nó đáp ứng được nhu cầu của người dùng chứ không phải thông qua một cuộc “đổi mới ép buộc”. Kết quả của cuộc cách mạng công nghệ blockchain có thể không phải là sự “cải cách toàn diện” như các nhà khởi xưởng đã hình dung. Tuy nhiên, những ai tiếp cận công nghệ blockchain với lối tư duy cực đoan ắt sẽ mang về cho mình phần thua thiệt mà thôi.
Tác giả: Max Gulker
Max Gulker hiện đang nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ. Ông là tiến sĩ kinh tế học của trường Đại học Stanford và đã tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Michigan.
Những quan điểm trong bài báo là quan điểm riêng của tác giả và không hoàn toàn phản ánh quan điểm của Tờ The Epoch Times.
Uniwriter, theo Epoch Times