Chu Du trong tác phẩm “Tam Quốc Diễn Nghĩa” là một người hữu dũng hữu mưu, nhưng tâm địa lại hẹp hòi, hay đố kỵ. Thế nhưng, những ghi chép trong tài liệu lịch sử “Tam Quốc Chí” về con người thực của Chu Du lại hoàn toàn không phải vậy.
Trong “Tam Quốc Chí” có ghi chép rằng, Chu Du (175-210) tên tự là Công Cẩn, sinh ra trong một đại gia tộc có nhiều người làm quan ở huyện Thư, Lư Giang, An Huy ngày nay. Ông nội của ông là Chu Cảnh và chú là Chu Trung đều làm quan Thái úy (một trong 9 chức quan thời xưa). Cha của ông là Chu Dị từng làm quan huyện lệnh Lạc Dương. Có thể nói, gia tộc Chu Du là một trong những gia tộc hiển hách trong lịch sử Trung Hoa.
1. Biết trước Lưu Bị là kẻ “kiêu hùng”
Chu Du từ lâu đã biết Lưu Bị sẽ không một lòng phụ tá Tôn Quyền, vì thế từng xuất kế sách giải quyết, chỉ là vào lúc đó Tôn Quyền không chịu tiếp thu.
Chu Du dâng tấu nói: “Lưu Bị có tư thái kiêu hùng, còn có các mãnh tướng Quan Vũ, Trương Phi, hắn không cúi mình trước người khác lâu dài. Theo ngu kiến của thần, kế sách tốt nhất hiện giờ là đưa Lưu Bị chuyển đến quận Ngô, cấp cho hắn cung điện xa hoa nhất, cùng với một số mỹ nữ và những món đồ mà hắn thích, để cho hắn thỏa thích hưởng thụ.
Đồng thời phân tách hai người Quan Vũ và Trương Phi ra, phái họ đến các địa điểm khác nhau, như vậy sẽ dễ dàng chế ngự họ, cũng là để họ có thể cùng ta tác chiến lâu dài. Nếu hôm nay nhân nhượng, để 3 người họ ở cùng với nhau, cùng chung một chiến trận, e rằng sẽ như giao long gặp được mây mưa, kết quả không hồ nào có thể dung nạp được!”.
Tôn Quyền nghĩ đến Tào Tháo ở phương Bắc đang hiệu triệu anh hùng khắp nơi trong thiên hạ, lại lo lắng rằng Lưu Bị có thể sẽ nhất thời chuyển ý, vì vậy đã không tiếp thu ý kiến của Chu Du. (Trích trong “Tam Quốc Chí”).
2. Lòng dạ rộng rãi kết giao sinh tử với Tôn Sách
Chúng ta biết cả Tôn Sách và Chu Du đều là những nhân tài hiếm có, mà hai người họ lại kết giao sinh tử. Điều này đủ để thấy Chu Du không phải là người đố kỵ với tài năng của người khác. Ngoài ra Chu Du còn là người tinh thông âm nhạc, nho nhã khôi ngô toàn tài.
Chu Du để cho Tôn Sách cư ngụ tại một ngôi nhà lớn ở phía Nam, còn thường xuyên đến hậu đường bái kiến mẹ của Tôn Sách, rất quan tâm đến cuộc sống của gia đình họ. Thúc phụ của Chu Du là Chu Thượng, là thái thú Đan Dương. Trong lúc Chu Du đang trên đường đến viếng thăm Chu Thượng, thì Tôn Sách dự định vượt sông Trường Giang, đến Lịch Dương.
Tôn Sách phái người đưa tin cho Chu Du, Chu Du liền lãnh binh đến nghênh đón Tôn Sách. Tôn Sách rất vui mừng nói: “Ta gặp được đệ, đại sự thuận lợi rồi”. Thế là Chu Du cùng Tôn Sách tiến về phía trước đánh hạ Hoành Giang, Đương Lợi.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của tác giả La Quán Trung, Chu Du bị miêu tả thành một nhân vật ghen ghét Gia Cát Lượng, lòng dạ hẹp hòi, nhiều lần muốn đẩy Gia Cát Lượng đến chỗ chết.
Thậm chí người đời còn lưu truyền rằng, trước khi chết, Chu Du đã than thở rằng: “Đã sinh Du, sao còn sinh Lượng”…tất cả đều không phải sự thật. Chu Du thật sự trong lịch sử là người khí phách phi phàm, có tấm lòng khoan dung độ lượng và rất cao thượng.
Trong “Tam Quốc Chí” viết về Chu Du: “Tính tình khoáng đạt, đại lượng…là bậc kỳ tài!”. Ông đối với người bề dưới đều có lễ nghĩa, được mọi người vô cùng kính trọng.
Ngoài ra từ khi còn thiếu niên Chu Du đã rất tinh thông âm nhạc. Khi người gảy đàn mắc lỗi nhỏ nào, cho dù có uống hết 3 chum rượu, Chu Du cũng nhất định nghe ra, rồi quay đầu lại nhìn, vì thế lúc đó người đã nói: “Từ khúc sai, Chu Lang ắt quay đầu lại”.
Thời kỳ Tam Quốc, xuất hiện rất nhiều các bậc kỳ tài và mưu sĩ trụ cột quốc gia. Gia Cát Lượng là một mưu sĩ nổi danh, Chu Du không những là mưu sĩ mà còn là một vị tướng tài.
Lê Hiếu biên dịch