Mọi người đều biết, chó là bạn thân của con người và là con vật trung thành nhất trong các loài. Vào những lúc then chốt, chó thậm chí có thể xả thân mình cứu chủ. Đây có lẽ là nguyên nhân vì sao những người đi săn thường hay mang chó theo bên mình.
Vào thời Tam Quốc, thành phố Kỷ Nam, quận Tương Dương, có một người tên là Lý Tín Thuần. Nhà ông có nuôi một con chó, đặt tên là Hắc Long. Ông vô cùng yêu quí con chó này, bất luận là ra ngoài hay ở nhà đều dẫn con chó theo, khi ăn cũng chia phần cho nó.
Một ngày kia, ông ra ngoài thành, uống đến say bí tỉ, khi về nhà, còn chưa đến nơi đã ngã xuống đám cỏ nằm bất tỉnh nhân sự. Lúc này thái thú Trịnh Hà ra ngoài đi săn, nhìn thấy cỏ mọc um tùm, liền sai người châm lửa đốt. Nơi mà Lý Tín Thành nằm, vừa khéo lại là vị trí đám lửa cháy lan đến. Hắc Long nhìn thấy đám cháy kéo đến, liền dùng miệng lôi y phục của Lý Tín Thành, nhưng chẳng hề nhúc nhích.
Tranh vẽ của Giuseppe Castiglione, một nhà truyền giáo người Ý tại Trung Quốc thời nhà Thanh. (Ảnh comuseum.com)
Gần ruộng có một con suối nhỏ, cách nơi Lý Tín Thành nằm chỉ có mấy chục bước chân. Hắc Long liền chạy đến đó, nhảy vào con suối làm người mình ướt sũng, nó lại chạy về nơi Lý Tín Thành đang nằm, chạy hết vòng này đến vòng khác, để nước trên thân mình chảy xuống làm ướt xung quanh, như vậy mới có thể giúp chủ nhân tránh được đại nạn.
Hắc long chạy đi chạy về không biết bao nhiêu lần, sau cùng kiệt sức, chết bên cạnh chủ nhân. Sáng hôm sau, Lý Tín Thành tỉnh lại, nhìn thấy chú chó mà mình hết mực thương yêu đã chết, khắp người đều ướt sũng. Ban đầu vô cùng kinh ngạc, nhưng khi nhìn thấy đám cháy chung quanh, lúc này ông mới đau buồn khóc thương thống thiết.
Thái thú biết được chuyện này, cũng rất lấy làm thương tiếc con chó, ông nói: “Chú chó nhân nghĩa hơn cả người! Con người nếu không biết báo ân, há chẳng phải không bằng cả loài chó hay sao?”. Thế là ông căn dặn người hầu chuẩn bị quan tài và y phục để chôn cất con chó, còn đặc biệt xây một lăng mộ cao hơn mười trượng, đặt tên là “Mồ nghĩa khuyển”.
Tiểu Thiện, dịch từ Đại Kỷ Nguyên tiếng Hoa