Tinh Hoa

Chớ trách Thần Phật không từ bi, là do con người không sớm ngộ mà thôi!

Thần Phật luôn từ bi điểm hóa, cảnh báo con người vượt qua kiếp nạn. Chỉ là con người vẫn trong mê mờ mà không tin không nghe. Đọc lại những câu chuyện cổ dưới đây, hy vọng sẽ hữu ích cho bạn.

Hòa thượng Tế Công. (Ảnh: Internet)

Vào thời triều Tống, trong một thôn làng nhỏ phong cảnh xinh đẹp ở dưới chân một ngọn núi lớn, có một gia đình đang hân hoan rước dâu về nhà, tân lang tân nương bái thiên địa, bái phụ mẫu, phu thê giao bái. Người trong thôn đang vui mừng ăn uống chúc phúc, tiếng sáo tiếng trống náo nhiệt, thì bỗng nhiên có một hòa thượng tên là Tế Công, tay cầm quạt rách, điên điên khùng khùng bước vào. Vị hòa thượng nói với người trong thôn rằng, núi lớn đằng sau sắp sập xuống chôn vùi cả thôn, mọi người hãy mau chạy thoát thân.

Nhưng tất cả mọi người đều coi Tế Công điên khùng nói gở, họ xúm vào mắng chửi ông. Lúc này cô dâu đi ra khuyên nhủ mọi người, bảo họ đưa cho hòa thượng điên một bát cơm. Ngay lập tức Tế Công liền nghĩ ra một kế sách, ông chặn ngang cướp lấy cô dâu, cõng cô lên lưng rồi bỏ chạy.

Hòa thường điên cướp cô dâu, như vậy có còn đạo lý nữa không! Vì thế, tất cả mọi người đang uống rượu cưới đều đuổi theo ông chạy ra khỏi thôn. Cũng vào lúc đó, núi lớn ở sau thôn đổ xuống, trong phút chốc cả thôn đã bị vùi lấp …

Đây chính là câu chuyện nổi tiếng “Tế Công cướp dâu”. Trong lịch sử nền văn minh Đông phương, lưu lại rất nhiều câu chuyện nói về Thần minh điểm hóa cứu người trong lúc nguy nan. Dưới đây chỉ là một vài câu chuyện được sưu tầm để chia sẻ với mọi người, hy vọng sẽ có ích cho con người ngày nay.

“Đũa Táo Lê, đại hỏa thiêu”

Định Lăng là lăng mộ vua Thần Tông triều nhà Minh, được xây dựng trên khu đất có phong thủy được vua kén chọn, nhưng không hiểu sao lăng mộ này lại liên tiếp bị cháy mấy lần.

Thông thường thì, lăng mộ vua tọa lạc trên phong thủy bảo địa là rất ít khi bị hỏa hoạn, vậy Định Lăng tại sao lại bị cháy nhiều lần như vậy? Vốn dĩ là, khi Thần Tông còn sống đã nhận được sự cảnh báo của Hỏa Thần.

Thần Tông – Chu Dực Quân là hoàng đế thứ 13 của triều nhà Minh, ông đăng cơ năm 10 tuổi, năm 21 tuổi ông huy động nhân lực xây dựng lăng mộ trên địa điểm mình đã chọn. Tuy nhiên sau khi lăng mộ xây xong, Thần Tông lại 25 năm liên tiếp bỏ bê việc triều chính, cả ngày chìm đắm trong tửu sắc. Đoạn thời gian này, ông không nghe bất cứ lời khuyên bảo nào, thâu đêm suốt sáng ở sau hậu cung, tầm hoan tán nhạc, để mặc cho các quan văn võ trong triều chia bè chia phái đấu đá tranh giành; khiến cho triều Minh thời bấy giờ ngày càng hủ bại hắc ám, dân tộc Nữ Chân ở Đông Bắc cũng thừa dịp lộng hành, vì thế làm cho triều Minh nguy cơ diệt vong càng nhanh hơn.

Kể rằng, Thần Tông trong một giấc mơ, đã nhìn thấy Hỏa Thần mặt đỏ, tóc đỏ, mặc quần áo màu đỏ; Hỏa Thần nói là do Thần Tông đã ngu ngốc vô đạo, hao người tốn của xây lăng mộ, khiến cho bách tính thiên hạ khắp nơi bất mãn oán trách, vì thế Thiên thượng phái Hỏa Thần đến thiêu hủy Đinh Lăng để trừng phạt ông. Trong mộng, Thần Tông rất kinh hãi, sau khi tỉnh lại mắt bên trái của ông không mở ra được, không lâu sau thì bị mù hẳn. Sau đó Thần Tông thần trí mê loạn, bệnh tật liên miên, chưa đến vài ngày thì qua đời. Tuy nhiên điều kỳ lạ là, sau khi Thần Tông băng hà, mắt phải của ông lại đột nhiên mở ta, mọi người làm thế nào cũng không làm nó nhắm lại được.

Khi an táng thi thể Thần Tông xong, có người phát hiện góc phía trên đằng sau bia đá của Định Lăng xuất hiện một vật hình tròn màu trắng, vào mỗi đầu tháng và cuối tháng âm lịch, vật màu trắng hình tròn này lại phát sáng, mọi người gọi nó là “ánh trăng của Đinh Lăng”. Có người nói, cái vật màu trắng hình tròn là con mắt bên trái của Thần Tông biến thành, nó cùng với con mắt phải không nhắm kia trông nom lăng mộ của mình.

Không lâu sau khi Thần Tông được chôn trong Định Lăng, có một ông lão ăn mặc rách rưới đến thôn Đinh Lăng xin ăn. Người tốt ở trong thôn đều rất thương hại ông, ngày ngày luân phiên nhau bố thí thức ăn cho ông, duy chỉ có vài hộ nhà giàu có, không những không cho ông, mà còn chửi bới đuổi ông ra khỏi cửa.

Có một ngày, ông lão đột nhiên thay đổi, mặc quần áo sạch sẽ đi vào trong thôn, bày ra vài sạp hàng ở trên đường, bên trên để đũa, táo đỏ, lê và vài cái bánh nướng. Khi có người đến mua đồ thì ông lại lờ đi, chỉ có chậm chạp cất giọng lên rao: “Đũa… Táo… Lê… Bánh nướng, Đũa… Táo… Lê… Bánh nướng”. Ông lão rao liên tiếp 3 ngày như vậy, đến ngày thứ tư thì không thấy ông đâu nữa. Lúc này “ánh trăng” trên bia đá của Định Lăng lại càng sáng hơn. Khi đó người trong thôn chợt nghĩ đến chuyện Thần Tông mơ thấy Hỏa Thần, nên đã liên tưởng tiếng rao hàng của ông lão, thấy rằng câu  “Đũa… Táo… Lê… Bánh nướng” ( 大火燒,) đọc đồng âm với “Mau rời đi, đại hỏa thiêu” (快早離, 大火燒).

Thế rồi, một người truyền 10 người, 10 truyền 100 người, sau đó hầu như tất đều mọi người đều kéo nhau rời đi để tránh nạn, chỉ có vài hộ giàu có không tin lời cảnh báo, và cũng vì tiếc nuối gia sản nên vẫn không động tĩnh gì. Và vào đúng canh 5 ngày hôm đó, một ngọn lửa lớn đã thiêu rụi lăng mộ Định Lăng và thôn Định Lăng. Mấy hộ vì nuối tiếc tài sản và không tin lời cảnh báo đã bị lửa lớn thiêu cháy, từ đó trở đi bia đá của Định Lăng cũng không còn thấy phát sáng nữa.

Định Lăng. (Ảnh: Internet)

Hòa thượng ngốc

Vào triều Thanh thời vua Khang Hy, tại một khu buôn bán náo nhiệt ở thành thị nọ, không biết từ lúc nào xuất hiện một vị hòa thượng. Không ai biết vị hòa thượng này đến từ đâu, cũng không biết được pháp danh của ông là gì, chỉ biết rằng vị hòa thượng này suốt ngày khùng khùng ngốc ngốc, toàn thân dơ bẩn, trông chẳng khác gì ăn mày. Dù cho trời lạnh nóng thế nào, ông cũng chỉ có mặc một chiếc áo cà sa rách nát. Người trong khu chợ đều gọi ông là “hòa thượng ngốc”. Ông chưa bao giờ nói chuyện nghiêm túc với người khác, khi nghe ông nói thì cảm thấy lời nói khùng khùng điên điên, nhưng đến sau khi có sự việc thật sự phát sinh, thì mọi người mới thấy trong lời nói của ông thực sự có ẩn ý.

Tưởng Lão phu nhân, phụ mẫu của Vương Thiếu Tế là một nhà giàu có trong thành, hàng ngày niệm Phật tu tâm, hành thiện tích đức, thường bố thí cho người nghèo khó. Lão phu nhân nghe kể về vị hòa thượng ngốc này, thì trong tâm rất kính trọng ông, vì thế bà đã tìm đến hỏi thăm, và có ý mời ông về, sống nhờ ở Vương phủ. Và hòa thượng ngốc đã đồng ý. Sau đó, ngày ngày Lão phu nhân chiêu đãi ông 3 bữa cơm, đối đãi với ông như là khách quý. Cuộc sống ở Vương gia rất thoải mái, hòa thượng ngốc cả ngày lúc nào cũng vui vẻ, thỉnh thoảng còn đối đáp qua lại với Lão phu nhân.

Một ngày nọ sau bữa cơm tối, hòa thượng ngốc đột nhiên cười đùa, giống như một đứa trẻ ngây ngô đến trước mặt lão phu nhân nói: “Thái phu nhân, tôi hôm nay …”. Thái phu nhân liền hỏi: “Xin hỏi cao tăng hôm nay muốn gì?”.

Hòa thượng ngốc do dự một lúc, rồi lớn tiếng nói: “Tối nay tôi muốn ngủ trên giường của bà”. Nói xong liền cười ha ha, những người hầu bên cạnh tức giận nói: “Hòa thượng ngốc, hàng ngày lão phu nhân đối đãi với ông rất tốt, coi ông như khách quý, hôm nay ông lại làm càn như vậy, thử hỏi có còn đạo lý không? Ông có muốn chúng tôi tống cổ ông ra đường không?”. Nhưng hòa thượng ngốc vẫn như là không nghe thấy, vẫn cười ha ha như cũ.

Lão phu nhân trầm tĩnh một lát, nói với những người hầu: “Không nên nhiều lời, hôm nay cao tăng khùng khùng dại dại, ta nghĩ nhất định có thiên cơ khó dùng lời nói ra. Hôm nay ta sẽ chuyển sang ngủ phòng khác, các người hãy dọn dẹp phòng ngủ của ta, để cho cao tăng nghỉ ngơi!”.

Người hầu thấy lão phu nhân nói vậy, cũng không dám trái ý, chỉ biết làm theo, nhưng trong đầu họ thì thật sự không thể hiểu nổi suy nghĩ của lão phu nhân.

Tối hôm đó, giống như những ngày trước, trên dưới tất cả đều đã yên giấc, trong ngoài đều tĩnh lặng, thỉnh thoảng chỉ có tiếng gió thổi từ xa vọng về. Đột nhiên, “sầm” một tiếng lớn, đánh thức tất cả mọi người. Người hầu vội vã chạy đến kiểm tra, phát hiện thấy mái phòng ngủ của lão phu nhân bị sập xuống, căn phòng bỗng chốc biến thành một đống gạch ngói vụn.

Đồ đạc bên trong bị phá hỏng nằm liểng xiểng lung tung hết cả. Lúc này lão phu nhân cũng chạy đến đứng trước đống đổ nát, buồn bã rơi lệ, than: “Ôi, đúng ra ta mới là người bị vùi dưới đống đổ nát này, cao tăng đã biết trước chuyện này, ông ấy đã thế thân cho ta…”

Lão phu nhân còn chưa nói xong, thì nghe thấy trong đống đá sỏi có tiếng loạc xoạc, rồi thấy Hòa thượng ngốc người đầy bụi bặm ngóc mình dậy, ông phủi phủi người, cười ha ha đi đến trước mặt lão phu nhân.

Lão phu nhân sợ ngây người, liền bước về phía trước, ân cần nghi hoặc hỏi ông: “Cao tăng, ông không sao chứ?”. Hòa thượng phủi phủi y phục nói: “Không sao”.

Ông nói tiếp: “Ôi, thật tiếc! Căn phòng đẹp vậy mà bị sập mất rồi!”, nói xong ông lại tiếp tục cười ha ha. Mọi người trong Vương phủ lúc này mới hiểu ra nguyên nhân hòa thượng muốn ngủ ở phòng của lão phu nhân. Vài năm sau, lão phu nhân qua đời, hòa thượng cũng chuyển đi, ai cũng muốn giữ ông lại nhưng giữ không được.

***

Thần trên Thiên thượng luôn từ bi, không đành tâm nhìn con người chịu khổ nạn. Họ luôn dành cho con người những cơ hội để tự giải thoát cho mình, bằng cách điểm báo cho con người qua các hình thức gián tiếp. Bởi vì thế gian là cõi mê, nên họ không thể trực tiếp hiển hiện để cảnh báo cho con người, con người cần phải ở trong mê mà ngộ ra chân lý.

Nhìn lại tất cả những câu chuyện cổ, truyền thuyết về đại kiếp đại nạn, thì thường thấy có một điểm chung; đó là khi đối mặt với nguy nan thì những người được đắc cứu là những người tốt đã vượt qua khảo nghiệm. Vì thế, làm người lương thiện luôn là một lựa chọn thông minh và sáng suốt nhất.

Lê Hiếu, dịch từ soundofhope.org