Dưa hấu thật tuyệt khi giúp ta xua tan cảm giác nóng bức của mùa hè. Nhưng có lẽ bạn sẽ không tin rằng loại trái cây vô hại này lại là nguyên nhân bắt đầu một cuộc chiến ở thành phố Panama – Chiến tranh dưa hấu.
Quay lại những năm 1856, việc xây dựng đường sắt Panama đã giúp cho Panama trở thành một khu vực giao thông quan trọng của người Mỹ. Đây là điểm đến hoàn hảo cho những ai muốn đi qua miền Tây nước Mỹ, nơi có Cơn sốt vàng California.
Tuy nhiên, việc hoàn thành công trình này cũng làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp cho người dân bản địa Panama, công nhân Mỹ xuất hiện càng nhiều khiến 2 bên nảy sinh căng thẳng.
Và cho đến khi một lượng lớn công nhân Mỹ dừng chân ở thành phố này để chờ lên tàu đi về phía Tây, phong trào chống Mỹ bùng nổ mạnh mẽ tại Panama.
Lý do là vì nhiều công nhân chỉ quan tâm đến việc tìm vận may mà không hề tôn trọng phong tục địa phương.
Mặc dù không có cuộc xung đột bạo lực nào giữa người bản địa và người Mỹ được ghi nhận, nhưng vào ngày 15/4/1856 căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm với sự bùng nổ cuộc chiến dưa hấu.
Mọi thứ bắt đầu khi 1000 công nhân trên con tàu hơi nước John L. Stephens với lộ trình hướng về thành phố Panama. Tuy nhiên, do có một vài sự cố nên chuyến tàu đã đến trễ.
Các bến cảng bị quá tải và hành khách không thể lên bờ. Do đó, họ được di chuyển đến một hòn đảo gần đấy, mọi người phải chờ đợi một con tàu địa phương đến đón mình.
Trong thời gian này, các công nhân đã uống rượu, nên khi tàu đến đón, rất nhiều người say khướt và trở nên ngỗ ngược.
Khi con tàu cập bến thành phố Panama, một người đàn ông say rượu tên là Jack Oliver quyết định tìm dưa hấu ăn, vì cho rằng nó là thứ tuyệt vời để giải quyết đói khát.
Khi đến các gian hàng trái cây của những thương buôn địa phương, Jack đã lấy một miếng dưa hấu mà không chịu trả 10 xu cho người bán, vì cho rằng giá bán quá cao.
Điều này khiến người bán hàng tức giận rút dao ra và yêu cầu Jack phải trả đủ tiền.
Chứng kiến sự việc, một người bạn cũng đang say rượu của Jack đã ném đồng xu về phía gian hàng. Hành động này càng khiến cho những người có mặt tại đó càng tức giận hơn.
Lúc này người đàn ông địa phương bắt đầu vung dao và hét vào mặt những người Mỹ, khiến căng thẳng gia tăng. Trong tình trạng say khướt, Jack đã rút súng ra đe dọa người đàn ông.
Ngay lập tức, một thương buôn khác đã nhảy bổ vào Jack và giành lấy khẩu súng. Khẩu súng bị cướp cò và bắn về phía những người xung quanh, khiến đám đông kích động và thế là một cuộc bạo động nổ ra.
Rất nhiều người dân Panama tham gia vào cuộc chiến và tấn công người Mỹ. Một số người còn cướp tài sản của các công nhân. Khi cuộc bạo loạn lên đỉnh điểm thì nhiều cửa sổ bị đập vỡ và các tòa nhà bị phá hoại.
Khi lực lượng cảnh sát địa phương đến ngăn cơn bạo loạn, một sĩ quan bị trúng đạn, khiến cảnh sát tham gia vào cuộc bạo loạn chống lại người Mỹ.
Nhận thấy cuộc chiến khốc liệt như vậy, trưởng ga đã gọi đến trung tâm đường sắt để cầu cứu nhưng không thành, sau đó ông cũng thiệt mạng trong cuộc bạo loạn. Vài giờ sau, một đoàn tàu lửa chở nhóm công nhân đường sắt được trang bị vũ trang đến. Họ nổ súng vào những người bạo loạn và buộc đám đông phải giải tán, kết thúc cuộc chiến.
Kết quả là có 15 người Mỹ và 2 người Panama thiệt mạng, nhiều người khác cũng bị thương.
Dù cuộc chiến đã chấm dứt nhưng sự kiện này khiến ngoại giao giữa chính phủ Panama và Mỹ rơi vào khủng hoảng. Hai bên đưa ra nhiều nhận định khác nhau và mâu thuẫn về những gì đã xảy ra.
Trong đó, Thống đốc Panama – Anito cho rằng chính công nhân Mỹ thực hiện hầu hết các lần nổ súng. Một số ý kiến khác thậm chí còn nói rằng người Mỹ đã tự giết mình do cướp cò trong lúc tranh chấp.
Nhưng chính phủ Mỹ bác bỏ những điều này, liên tục lên án hành động của phía Panama và đòi bồi thường thiệt hại.
Vào tháng 9, quân đội Mỹ đã chiếm lấy thành phố Panama trong vài ngày để bảo đảm an ninh cho khu vực. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Mỹ phải thực hiện, để đảm bảoquá trình vận chuyển hàng hóa qua eo đất này diễn ra bình thường.
May mắn là sự việc đã trở lại bình thường sau cuộc bạo loạn dữ dội, và quân đội Mỹ rút về nước sau vài ngày.
Cuối cùng, chính quyền tỉnh New Grenada bồi thường cho Mỹ như là một lời xin lỗi chính thức. Từ đó các hoạt động kinh doanh theo thông lệ ở thành phố Panama đã được khôi phục.
Tóm lại, cuộc bạo động được gọi là chiến tranh dưa hấu đơn giản chỉ vì một công nhân Mỹ say rượu muốn ăn dưa hấu mà không chịu trả tiền!
>>> Chiêm ngưỡng “Cuộc chiến tranh hoàng hôn” giữa hai công viên quốc gia
>>> Những câu chuyện cảm động trong chiến tranh
Tú Văn, theo TVN