Người Trung Quốc cổ đại được cho là kỹ sư bậc thầy của thế giới, điều này được thể hiện qua các phát minh của họ.
Vào thời cổ đại, người Trung Quốc biết sử dụng crôm sớm nhất. Cụ thể, vào thời nhà Tần, khoảng năm 300 năm trước Công Nguyên, họ phủ crôm trên lưỡi kiếm để bảo vệ chúng khỏi các tác nhân oxi hóa của môi trường. Người Trung Quốc cũng là những người đầu tiên làm ra ngư lôi và pháo đài nổi di chuyển bằng các bánh xe nước. Họ cũng đã phát minh ra ống thở và thủy lôi. Trung Quốc cũng là một trong những nền văn minh đầu tiên sản xuất hàng hóa hàng loạt theo phương thức công nghiệp trên quy mô lớn.
Crôm
Peter Simon Pallas được cho là người phát hiện crôm vào thế kỷ 18, nhưng các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy vũ khí được phủ bởi một lớp Cr2O3 dày 10-15 µm trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng (khoảng 2000 năm trước), người đầu tiên thống nhất Trung Quốc. Vào thời đó, người cổ đại đã phủ crôm lên mũi tên và các cây thương độc đáo của họ, vốn có chiều dài lên đến hơn 3 mét. Người Trung Quốc cổ đại đã không đi theo thông lệ truyền thống, họ tạo ra các đầu mũi tên với bốn cạnh, điều này cho thấy họ đã có kiến thức về khí động lực học. Với hình dạng này, mũi tên của họ trở nên rất nhạy. Hầu hết vũ khí của Trung Quốc cổ đại thậm chí cả xe ngựa (dùng để đánh trận hay chạy đua) và những thanh kiếm trên các tượng lính đất nung phát hiện trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng đều được bọc trong crôm.
Tàu thủy
Tàu chiến và tàu dùng cho vận chuyển là yếu tố then chốt cho sự phát triển của bất kỳ đế chế Trung Quốc cổ đại nào, vì nơi đây sông ngòi hùng vĩ cũng như giao thông đường thủy khá thịnh hành.
Vì Trung Quốc cổ đại sở hữu những con tàu đồ sộ và vững chắc nên nhiều người cho rằng người đất nước cổ đại này có thể dễ dàng vượt biển tới Bắc Mỹ. Cũng chính vì điều này mà các nhà nghiên cứu nhận định DNA người Mỹ bản địa có thể bắt nguồn từ Trung Quốc. Hầu hết các tàu chiến đều có chiều dài hơn 90m và rộng hơn 20m. Con tàu lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc cổ đại là “Phi Vân Lâu Hang”, dài khoảng 550m và rộng khoảng 275m, nó được sử dụng như một pháo đài di động.
Con tàu sẽ tiếp cận tàu khác, cung điện hoặc thành lũy, tiếp đến 2000 binh lính trên tàu sẽ tiến công áp đảo đối thủ. Ở giữa tàu có một kết cấu quây kính 4 mặt có trang bị cửa sổ, và là nơi ẩn nấp của các cung thủ, tại đây họ sẽ nhắm bắn phe địch bằng cung tên. Không giống như những con tàu cổ đại di chuyển bằng mái chèo khác, một số tàu của Trung Quốc sử dụng bánh xe nước.
Để quay bánh xe nước này, binh lính dùng phương pháp vận hành giống như cách đi xe đạp, các cơ chế này được giấu kín nên kẻ thù thường nghĩ con tàu đã được cấp năng lượng bởi Thần. Hầu hết đối phương đều cảm thấy tê liệt vì sợ hãi, Trung Quốc đã chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến tinh thần này.
Ống thở, thủy lôi (mìn hải quân) và ngư lôi
Người Trung Quốc cổ đại với nhu cầu chinh phục “lãnh hải”, họ đã tạo ra những phát minh mang tính lịch sử. Ống thở là nền tảng của tất cả công nghệ hiện đại sử dụng dưới nước. Người Trung Quốc đã dùng ống thở để đột kích tàu địch vào ban đêm. Công cụ thở này chỉ có thể phát huy hiệu quả độ sâu tối đa 1m vì vậy người xưa đã ẩn dấu mình dưới cỏ dại hoặc ngụy trang để không bị địch phát hiện. Ống thở cũng được dùng vào cho mục đích khác là cho nổ mìn.
Sử dụng thuốc nổ cũng là một phát minh khác của Trung Quốc. Các chiến binh sẽ tạo ra loại công cụ dễ nổ có thể nổi trên mặt nước, người khác dùng ống thở lặn xuống nước và châm ngòi nổ ẩn dẫn đến thùng nén đầy thuốc súng. Khi tàu đối phương chạm phải, những thủy lôi này sẽ phát nổ và đánh chìm con tàu.
Có lẽ phát minh đáng kinh ngạc nhất là “ngư lôi”, nó gồm có ngòi nổ và thuốc nổ. Không giống như ngư lôi hiện đại, ngư lôi Trung Quốc cổ đại được bắn đi như một tên lửa, nó sẽ bay lướt qua mặt nước nhắm đến mục tiêu. Đây là một vũ khí vô cùng hiệu quả trong việc nhanh chóng công phá tàu của đối phương.
Người Trung Quốc cổ đại sở hữu trí tuệ bác đại tinh thâm, và những phát minh của họ vẫn là điều con người hiện đại chúng ta ngày nay cần phải học hỏi.
Iris, Hàn Mai – Theo Vision Times