Bà Brenda Wingfield là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nam Phi và là Giáo sư di truyền học tại Đại học Pretoria. Là một phụ nữ vừa thành công trong sự nghiệp khoa học, lại vừa làm rất tốt vai trò của một người mẹ trong gia đình, bà đã chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình.
Bí quyết đơn giản là “chịu khó”
Người ta thường hỏi tôi làm thế nào mà tôi thành công trong việc cân đối giữa gia đình và sự nghiệp khoa học của mình. Câu trả lời ngắn gọn là “chịu khó”, mặc dù đó là câu trả lời đơn giản và chân thực, nhưng nó chính là kim chỉ nam cho những người phụ nữ đang hàng ngày phải vật lộn với các vấn đề này. Đáng lẽ tôi nên đưa cả nam giới góp mặt vào “phương trình” này, bởi những vấn đề này cũng nên được nam giới coi trọng chứ không riêng gì nữ giới. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này tôi muốn nhấn mạnh vai trò của người mẹ và những ý kiến của tôi xuất phát từ quan điểm cá nhân mình.
Lời đầu tiên và quan trọng nhất mà tôi muốn bàn luận về đề tài đang gây tranh cãi này là bất cứ lúc nào cũng có rất ít người có thể tập trung vào hơn hai công việc tốn nhiều thời gian. Lý tưởng nhất là tập trung vào một hoạt động cốt lõi, nhưng ít bà mẹ nào có được sự xa xỉ ấy.
Một thông điệp không kém phần quan trọng dành cho những người phụ nữ đã có gia đình hay muốn lập gia đình là họ sẽ phải đưa ra những quyết định rất khó khăn. Một người phụ nữ không thể từ bỏ thiên chức làm mẹ, nhưng cô ấy có thể kiểm soát được thời gian để làm tròn thiên chức đó.
Mức độ thành công của một người phụ nữ trên cương vị một người mẹ hay một nhà khoa học phụ thuộc vào việc họ phân chia quỹ thời gian cho hai nhiệm vụ đó như thế nào. Tôi không cho rằng làm mẹ và xây dựng sự nghiệp là hai việc loại trừ lẫn nhau, nhưng để làm tốt cả hai vai trò đó đòi hỏi họ phải có “biểu đồ học tập”(1) rất lớn. Tôi thấy hầu hết các bà mẹ có chuyên môn nghề nghiệp đều có khả năng tổ chức tốt và họ sử dụng thời gian của mình rất khéo léo. Theo quan sát của tôi, những người không biết quản lý quỹ thời gian thường có vấn đề rất lớn trong việc giải quyết các sự việc cần đến họ.
Các bà mẹ có lối tư duy táo bạo
Đây chính là lý do mà tôi tuyển dụng các bà mẹ. Những người phụ nữ cân đối thành công giữa sự nghiệp và thiên chức của mình thường làm việc hiệu quả hơn nam giới. Trong môi trường làm việc đa nhiệm, các bà mẹ luôn có biểu hiện tốt hơn, vì họ thực sự có nhiều kinh nghiệm hơn.
Thêm vào đó, tôi cũng quan sát thấy các bà mẹ có khả năng “tư duy một cách táo bạo”. Họ không cần tham gia các khóa học đắt tiền để dạy họ lối tư duy gián tiếp và sáng tạo – vì họ đã và đang làm điều đó mỗi khi về nhà với con cái mình.
Trẻ nhỏ không quan tâm cho dù mẹ chúng đã có một ngày làm việc vất vả; chúng thường ích kỷ và luôn muốn mình là trung tâm. Vì vậy, mỗi khi ở nhà, các bà mẹ buộc phải nghĩ ra nhiều cách khác nhau để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến sự tập trung làm việc của họ.
Chẳng hạn như, nhiều trẻ em có những sở thích đòi hỏi chúng cần phải có “biểu đồ học tập thẳng đứng”(2). Tôi chắc chắn là mình biết nhiều về trống và đi xe đạp hơn là những gì tôi muốn biết về nó, bởi bọn trẻ đã thực hiện trò chơi của chúng theo cách mà nếu tôi tự làm thì sẽ không được như thế. Theo đó, tôi tin rằng bọn trẻ đã buộc tôi phải trở thành một người cân bằng hơn và một nhà khoa học chuyên nghiệp hơn.
Theo đuổi sự nghiệp khoa học và làm mẹ không dành cho những người hay nản lòng. Nếu một người không đủ đam mê và khả năng trong lĩnh vực mà họ theo đuổi, có lẽ sẽ rất khó thành công. Thực tế là cố gắng cân đối công việc và thiên chức làm mẹ đòi hỏi một người phải trên mức trung bình. Trung bình không thể là thứ mà người thành công trong việc chuyên môn mong mỏi đạt được.
Thái độ phân biệt đối xử đang dần thay đổi
Điều này thường xảy ra đối với các bà mẹ đang đi làm, bởi vì nam giới đã thiết lập nên các tiêu chuẩn để phán xét họ. Một số nam giới có thái độ phân biệt đối xử không công bằng với họ, mặc dù thái độ ấy đang dần thay đổi, nhưng nó vẫn còn là một chặng đường dài. Tuy nhiên, trước vấn đề cố hữu này, tại sao nữ giới vẫn có thể leo lên nấc thang sự nghiệp?
Hiển nhiên, câu trả lời sẽ là sự thỏa mãn nhu cầu công việc. Lý do thứ hai là khi công việc có thể đòi hỏi một người phải làm ít nhất 60 giờ/tuần, thường thì vẫn cần có một chút linh hoạt. Trong những năm đầu làm mẹ, sự linh hoạt là ở thời gian, có thể là phải làm việc tại nhà khi trẻ bị bệnh hay có thể xem các trận đấu bóng mà chúng yêu thích. Sau này khi con cái lớn lên, sự linh hoạt chủ yếu lại thường mang tính chất tài chính.
Lý do thứ ba là dẫu một người thành công trong vai trò làm cha mẹ, thì cuối cùng những đứa trẻ của họ vẫn rời khỏi nhà khi chúng trưởng thành. Câu hỏi tôi thường gặp trong nhiều trường hợp là: các bà mẹ sẽ làm gì khi con cái của họ rời khỏi nhà? Khi các bà mẹ có sự nghiệp không thoát khỏi “hội chứng tổ ấm trống vắng”(3), thì ít nhất là họ cũng đang được bù đắp và an ủi bằng sự nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng thời gian dành cho công việc cần phải cân bằng với thời gian dành cho gia đình. Tư duy về trạng thái cân bằng nghe khá thú vị, nhưng trong môi trường cạnh tranh cao, chưa chắc người ta đã tìm thấy sự thoả mãn thích đáng trong công việc hay sự thăng tiến. Kinh nghiệm của tôi là không có khái niệm cân bằng đối với các chuyên gia thành công.
Ai cũng vậy, không có ngoại lệ, họ đam mê và thường ám ảnh bởi những thứ họ làm. Dù họ là những doanh nhân thành công, vận động viên thể thao hàng đầu hay những nhạc sĩ tiếng tăm. Chính điều này làm tôi thấy khó hiểu khi mọi người kỳ vọng rằng một nhà khoa học thành công phải phù hợp với khuôn mẫu của những gì mà người ta gọi là “cân bằng”. Các con tôi thường cười khi tôi cố gắng thuyết phục chúng rằng tôi hoàn toàn bình thường. Tôi làm việc nhiều giờ và yêu công việc của mình – Lẽ nào điều đó có thể là bình thường?
Những điều nên và không nên
- Không nên thấy có lỗi khi dành thời gian cho các trường hợp khẩn cấp của gia đình.
- Không nên lấy trách nhiệm gia đình như một cái cớ để thoái thác công việc. Dù có con nhỏ hay không thì bạn và đồng nghiệp đều nhận một mức lương như nhau và khi đã nhận lương thì người ta phải bỏ ra công sức tương xứng.
- Nên ghi nhật ký các sự kiện quan trọng của các thành viên trong gia đình. Và nếu có nghỉ làm để chung vui với họ thì cũng hoàn toàn xứng đáng.
- Nên có kế hoạch dự phòng. Hãy chắc chắn rằng những người hỗ trợ bạn (như các thành viên trong gia đình và đồng nghiệp) hiểu rõ rằng có thể họ sẽ nhận được yêu cầu trợ giúp.
- Nên tìm một công việc khác nếu bạn không cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm. Cân đối công việc và thiên chức làm mẹ chỉ có ý nghĩa nếu phần lớn thời gian bạn cảm thấy có niềm vui trong công việc.
- Nên chắc chắn gia đình của bạn hiểu rằng công việc của bạn thực sự quan trọng đối với tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu có thể, nên cho trẻ tiếp xúc với phần công việc nào đó của bạn để chúng có điều kiện hiểu bạn nhiều hơn.
- Nên sống gần nơi làm việc nếu có thể. Điều này không phải là lúc nào cũng dễ dàng và có thể còn rất tốn kém, nhưng nó thực sự có giá trị rất lớn khi tiết kiệm được thời gian và mang đến sự an tâm, đặc biệt là khi con bạn ở lứa tuổi thiếu niên và thường “ở nhà một mình”.
- Nên tham gia các buổi họp giữa phụ huynh và giáo viên – bạn cần phải biết những gì đang xảy ra với con mình ở trường.
- Nên chọn một người bạn đời để chia sẻ mục tiêu và tham vọng của bạn. Một đối tác hỗ trợ nuôi dưỡng con cái sẽ dễ dàng hơn nhiều.
- Nên hiểu rằng trẻ em không đi kèm hướng dẫn sử dụng. Nhưng một người mẹ hạnh phúc chắc chắn kết quả sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc.
(1) “Biểu đồ học tập”: những nỗ lực cần thiết để học được kĩ năng mới sau một khoảng thời gian nhất định;
(2) “Biểu đồ học tập thẳng đứng”: những tiến bộ rất nhanh chóng trong khi học những kỹ năng mới và sau đó là những cải thiện chậm hơn cộng thêm với thực hành ở giai đoạn sau;
(3) “Hội chứng tổ ấm trống vắng”: miêu tả trạng thái cảm xúc của các cặp vợ chồng lâm vào hoàn cảnh thay đổi nếp sống khi con cái xa vắng. Bản chất là sự trộn lẫn cảm xúc giữa tự do và mất mát, khoan khoái và buồn phiền.
Theo Vietdaikynguyen.vn