Để bảo toàn sinh mạng, một chỉ huy Đức quốc xã đã làm kẻ chỉ điểm, giúp Israel truy sát những nhà khoa học phát xít hỗ trợ Ai Cập phát triển tên lửa.
Khó mà tưởng tượng một sĩ quan cấp cao của đơn vị chiến đấu Waffen SS, thuộc lực lượng vũ trang SS của Đức quốc xã, lại có thể bước đi giữa những hàng cây và những bức ảnh nạn nhân Do Thái tại khu tưởng niệm Yad Vashem ở Jerusalem, Israel.
Thế nhưng, trung tá người Áo Otto Skorzeny của quân đội phát xít Đức đã có mặt ở đó vào năm 1962, khi được Viện Tình báo và Các chiến dịch đặc biệt (Mossad) của Israel tuyển dụng nhằm hỗ trợ truy sát những người từng đứng trong hàng ngũ với ông ta, theo We Are The Mighty.
‘Kẻ nguy hiểm nhất châu Âu’
Skorzeny là một sĩ quan xuất sắc của SS. Cuộc đột kích táo bạo của Skorzeny để giải cứu trùm phát xít Italy Benito Mussolini năm 1943 giúp ông ta được trao tặng huân chương Chữ thập Hiệp sĩ trang trọng nhất của Đức quốc xã. Sau khi chiến dịch đổ bộ vào vùng Normandy, Pháp diễn ra, Skorzeny đã dẫn một đội biệt kích mặc quân phục lính Mỹ xâm nhập vào phòng tuyến của phe Đồng minh để cướp vũ khí và tổ chức tấn công thọc hậu. Phe Đồng minh gọi Skorzeny là “kẻ nguy hiểm nhất ở châu Âu” vì ông ta tổ chức những cuộc đột kích táo bạo và những kế hoạch điên rồ.
Mặc dù Skorzeny không bị đưa ra xét xử tại tòa án tội phạm chiến tranh ở Nuremberg, Đức sau Thế chiến II, phe Đồng minh vẫn tin rằng ông ta có tham gia cuộc tàn sát người Do Thái ở châu Âu.
Trong một bài báo điều tra đăng trên báo Haaretz của Israel hồi tháng ba, hai phóng viên Dan Raviv và Yossi Melman đã hỏi chuyện các cựu nhân viên tình báo của Mossad về Skorzeny và họ khẳng định rằng Mossad đã tuyển dụng Skorzeny. Con đường để Skorzeny – một trong những tay chân hàng đầu của Adolph Hitler trở thành một chỉ điểm và sát thủ cho người Do Thái xuất phát chủ yếu từ lý do bảo tồn mạng sống hơn là chuộc lỗi.
Đầu thập niên 1960, Mossad tìm cách ngăn chặn các nhà khoa học nghiên cứu tên lửa của Đức quốc xã làm việc cho các dự án quốc phòng của Ai Cập. Vào lúc đó, Israel và Ai Cập là kẻ thù. Lòng tự hào của Ai Cập vẫn còn tổn thương sau khi bị Israel đánh bại trong cuộc chiến năm 1948. (Hai nước sau này thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện vào năm 1980).
Israel lo ngại công nghệ từ chương trình quốc phòng của Ai Cập sẽ được sử dụng đế tấn công Israel. Vậy nên, họ đã khởi động chiến dịch ngăn chặn các nhà khoa học nước ngoài hợp tác với Ai Cập.
Mossad sử dụng biện pháp đe dọa bất cứ lúc nào có thể. Khi biện pháp này không hiệu quả, Mossad sẽ quay sang sử dụng các biện pháp đặc biệt hơn, chẳng hạn như ám sát. Tuy nhiên, để tiêu diệt các cựu sĩ quan SS của Đức quốc xã, Mossad cần tiếp cận gần và cần có một tay trong. Đó là lý do Skorzeny được tuyển dụng.
Ban đầu, khi Mossad tiếp cận Skorzeny tại Tây Ban Nha, ông ta tưởng mình sẽ bị giết vì nghĩ rằng ông ta là một trong những mục tiêu ám sát hàng đầu của Israel. Vào thời điểm đó, các điệp viên Israel vừa bắt giữ, xét xử và treo cổ trung tá lực lượng vũ trang SS Adolf Eichmann, một trong những kẻ đóng vai trò chính trong việc tổ chức cuộc diệt chủng người Do Thái. Các điệp viên Mossad đã qua Argentina, nơi Eichmann nương náu để bắt giữ ông ta và đưa về Israel, bất chấp hành động này vi phạm chủ quyền của Argentina.
Bảo toàn sinh mạng
Skorzeny đã đồng ý làm tay trong cho Mossad với điều kiện “thợ săn” phát xít huyền thoại Simon Wiesenthal phải đưa ông ta ra khỏi danh sách tội phạm chiến tranh mà ông này săn tìm. Skorzeny gọi đây là thỏa thuận “bảo toàn sinh mạng”.
Skorzeny được các điệp viên Mossad dẫn về Israel và gặp các quan chức cấp cao của Mossad. Sau đó, các điệp viên Mossad đã dẫn ông ta đến khu tưởng niệm Yad Vashem. Không ai tin tưởng vào phát xít nhưng nỗi lo mất mạng của Skorzeny khiến Mossad phần nào yên tâm về ông ta. Mossad ngay lập tức soạn ra một danh sách các nhà khoa học Đức quốc xã, các địa chỉ của họ cùng các công ty bình phong được cho là giúp đỡ Ai Cập phát triển tên lửa.
Bản thân Skorzeny cũng đe dọa hoặc ám sát nhiều nhà khoa học phát xít làm việc cho Ai Cập. Thậm chí, ông ta còn gửi bom thư đến các nhà máy và phòng thí nghiệm của Ai Cập đang thực hiện chương trình phát triển tên lửa. Cả Skorzeny và Mossad chưa bao giờ thừa nhận hợp tác với nhau, chỉ có một số cựu điệp viên Mossad thừa nhận rằng có thỏa thuận giữa hai bên.
Skorzeny không bị ám sát và cuối cùng chết vì ung thư năm 1975. Tại cả hai lễ tang của ông ta ở Tây Ban Nha và ở Áo, các cựu binh Đức quốc xã và bạn bè của ông ta đã chào theo kiểu phát xít trước quan tài của ông.
Theo VNE